HÀ NỘI (NV) – Hầu hết các độc giả của tờ báo điện tử VNExpress đều bày tỏ ngạc nhiên và không tin rằng chỉ có 54% số người dân phải đưa hối lộ mới xin được việc làm công chức nhà nước.
Nhiều báo tại Việt Nam hôm 5 Tháng Tư 2017 tường thuật buổi công bố “Báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tại Việt Nam.” Bản báo cáo này do “Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, Trung Tâm Bồi Dưỡng Cán Bộ và Nghiên Cứu Khoa Học – Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng, phối hợp khảo sát,” công bố buổi sáng 4 Tháng Tư 2017.
Theo bản báo cáo nói trên, cuộc khảo sát dư luận cho thấy có khoảng 54% số người dân được phỏng vấn cho rằng, “Cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước.”
Tỷ lệ công bố ngày 4 Tháng Tư 2017 cao hơn mức 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.
Mấy năm trước, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc cũng từng tài trợ cho các cuộc khảo sát cùng đề tài nhằm thúc đẩy chống tham nhũng và cải cách guồng máy công quyền tại Việt Nam.
Bản khảo sát mới được công bố cho thấy tình trạng phải hối lộ mới được nhận vào làm công chức nhà nước gia tăng đều đều năm sau tệ hại hơn năm trước. Trong khi đó, nhà cầm quyền trung ương vẫn hô hò “chống tham nhũng không có vùng cấm.”
Báo điện tử VNExpress thuật lời ông Ðặng Hoàng Giang của Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng (Cecodes) cho biết, “Hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến, trong khi quyết tâm của người dân tố cáo tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ nhà nước ‘ổn định’ ở mức thấp. Chỉ khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác.”
Theo lời ông Giang, “Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25.6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (là 23.7 triệu đồng).”
Không đầy một ngày sau khi đăng tải bản tin về buổi công bố nói trên, hầu hết trong số 342 độc giả của tờ VNExpress bày tỏ sự ngạc nhiên về cái tỉ lệ 54% số người cho rằng phải hối lộ mới xin được việc làm tại các cơ quan công quyền, tức làm công chức. Họ đều tin rằng cái tỉ lệ đó quá thấp so với thực tế.
Có người còn bình luận rằng, “54% chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.” Người thì nói hối lộ 300 triệu đồng mới được nhận làm giáo viên. Ðể được vào làm ở bệnh viện thì “y tá cũng 250 đến 300 triệu.”
Ngày 17 Tháng Mười Một 2016, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc Hội CSVN nói là ông “kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Xóa bỏ tư duy cuối nhiệm kỳ, không có vùng cấm trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.” Ông cam kết, “Tập trung hoàn thiện thể chế, kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin cho…”
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng như những người tiền nhiệm, cả tổng bí thư đảng CSVN cũng đều có những lời cả quyết trừ diệt tham nhũng, làm sạch guồng máy công quyền nhưng tham nhũng thì cứ mội ngày một tiến tới.
Ngày 25 Tháng Giêng 2017, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (IT) công bố Chỉ Số Cảm Nhận Tham Nhũng (CPI) của năm 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công.
Trên bảng thang điểm từ 0 đến 100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất, Việt Nam chỉ được 33 điểm, và đứng thứ 113/176 của bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng trên thế giới.
Gần 5 năm trước, VNExpress đưa tin, ngày 7 Tháng Mười Hai 2012, ông Trần Trọng Dực, trưởng Ban Kiểm Tra Thành Ủy Hà Nội thấy tố cáo là “chạy biên chế Hà Nội không dưới 100 triệu đồng.” Các cuộc thi tuyển công chức chỉ là hình thức để các quan chức ăn hối lộ. Ðộc giả của báo này cho biết tình trạng phải có tiền hối lộ mới được vào “biên chế” không phải chỉ có ở Hà Nội mà trên cả nước. Số tiền hối lộ hàng trăm triệu đồng và lên hàng tỉ đồng tùy cái ghế đẻ ra nhiều tiền hay ít tiền.
Cũng trên VNExpress, ngày 12 Tháng Giêng 2013, UBND thành phố, Sở Nội Vụ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tuyển dụng, có đại diện Bộ Nội Vụ tham gia, kiểm tra tại quận Hà Ðông và hai huyện Thanh Trì, Ứng Hòa. Kết quả là “không thấy có hiện tượng tiêu cực.”
Từ nhiều năm qua, dư luận tại Việt Nam rất quen thuộc với câu vè “chạy biên chế” vào các cơ quan nhà nước: “Nhất quan hệ. Nhì tiền tệ. Ba hậu duệ. Tư trí tuệ.” Thật ra, câu vè này tùy theo ý kiến của người ta mà thay đổi thứ bậc. Thí dụ: “Nhất tiền tệ. Nhì hậu duệ. Ba đồ đệ. Tư trí tuệ.” Hoặc là, “Nhất hậu duệ. Nhì quan hệ. Ba tiền tệ. Tư trí tuệ.”
Trong tất cả các cách xếp đặt khác nhau đó, trí tuệ đều bị xếp ở hàng cuối cùng.(TN)
No comments:
Post a Comment