HÀ NỘI (NV) – Thông tin trên được các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia loan báo tại Hội thảo “Vì ngày sức khoẻ thế giới” tổ chức chiều 4 tháng Tư tại Hà Nội.
Báo Tiền Phong dẫn phúc trình từ Viện này cho biết, ước tính Việt Nam có khoảng 30% dân số rối loạn tâm thần, trong số đó tỷ lệ mắc trầm cảm chiếm 25%.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, trong số 200 bệnh nhân đến khám tâm thần thì có khoảng 50 người khám, điều trị trầm cảm. Cụ thể, trong năm 2016, tại đây điều trị gần 19,000 lượt bệnh nhân trầm cảm và có tới 36.5% số bệnh nhân trầm cảm từ 45 tuổi trở lên có ý nghĩ định hoặc hành vi tự sát do cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 36,000 – 40,000 người tự sát do trầm cảm.
Theo ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc Gia, trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh nhân bị trầm cảm thường do các nguyên nhân như ly dị, sống độc thân, thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng, lạm dụng rượu và các chất ma túy, thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc, thất nghiệp, hoặc có các bệnh cơ thể mãn tính, bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, xung đột cá nhân trong các mối quan hệ…
Các bác sĩ của Viện cho rằng, trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến trong dân số Việt Nam nhưng chỉ có tỉ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Trong khi đó, bệnh có thể chữa được để bệnh nhân ổn định và tái hòa nhập với xã hội. ( Tr.N)
No comments:
Post a Comment