Monday, March 27, 2017

Việt Nam: Tăng trưởng tới đâu, tham nhũng theo tới đó

Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng Cục Hàng Hải, nguyên chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị tổng công ty tàu biển Vinashines bị kết án tử hình vì tham nhũng cuối năm 2013. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá hiệu quả kinh tế của Việt Nam là sai. Nó chỉ là cơ hội để quan chức CSVN “chạy đua chia chác lợi nhuận” và tham nhũng thêm “phức tạp.”
Ông Ðinh Sơn Hùng, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển thành phố Sài Gòn, nêu quan điểm trên tờ Ðất Việt hôm Thứ Hai, 27 Tháng Ba 2017, khi được hỏi về thông tin Việt Nam đang nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực nhờ đầu tư hạ tầng theo một bài viết của Bloomberg News hồi tuần trước.
Ngày 23 Tháng Ba 2017, hãng tin tài chánh Bloomberg dựa vào các dữ kiện của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) viết rằng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) trung bình trung bình 5.7% những năm gần đây chỉ thua có Trung Quốc với 6.8%.
Dữ liệu của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) cho thấy, đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng của Indonesia và Philippines đóng góp vào nền kinh tế chưa tới 3% trong khi của Malaysia và Thái Lan còn chưa tới 2%.
Nếu nhìn vào các chỉ số tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực cũng như của thế giới, đó là những con số rất “ấn tượng.”
“Thực tế thì tổng sản phẩm nội địa (GDP) vẫn được coi là một tham số trong nhận định tốc độ phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu đánh giá tăng trưởng của toàn nền kinh tế mà chỉ dựa vào GDP nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng thì có thể chỉ số tăng trưởng sẽ cao nhưng việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế cũng như hiệu quả tăng trưởng thực cho nền kinh tế lại là rất thấp.” Ông Ðinh Sơn Hùng được tờ Ðất Việt dẫn lời.
Ông nói tiếp rằng, “Mục tiêu cải thiện tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhưng chạy theo chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) nhờ hạ tầng không khác nào chúng ta đang chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng nhờ số lượng.”
Hệ quả tất nhiên của những lệnh lạt, chỉ tiêu tăng trưởng phải đạt được là quan chức của chế độ từ trên xuống dưới sẽ nhân cơ hội, đẻ vội vã ra các dự án, bất chấp hiệu quả kinh tế và chỉ cốt lấy tiếng phát triển cao trong khi thực tế lại hiệu quả rất thấp. Rất nhiều khu công nghệ, cảng biển vẽ ra rồi bỏ hoang, từng được đề cập nhiều trong những năm qua.
“Người ta vẫn nói ‘chạy chức, chạy quyền’ và ‘chạy dự án,’ nếu như vậy sẽ lại có những địa phương điên đảo chạy đua với dự án, chạy đua với công trình, chạy đua vốn. Và tất nhiên, đi cùng với đó là những cuộc chạy đua với chia chác lợi nhuận và tham nhũng ngày càng phức tạp hơn. Ðiều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu chuyển từ tăng trưởng số lượng sang chất lượng sẽ bị thất bại hoàn toàn,” ông Hùng nói.
Ông Hùng còn nêu ra rất nhiều nhược điểm của chủ trương chỉ biết chạy theo thành tích tăng trưởng qua những con số thống kê bề nổi “ấn tượng” nhưng lại không tốt cho phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông, “GDP không nói gì đến chất lượng của tài sản và dịch vụ, và cũng không nói gì đến chất lượng của cuộc sống mà tài sản và dịch vụ mang lại. Những suy giảm về môi trường không được tính đến.” Ðồng thời, “GDP cũng không nói gì đến sự phân phối thu nhập giữa các nhóm xã hội. Thu nhập quốc dân trung bình tăng lên có thể đi đôi với một sự tăng mạnh ở những nhóm này và giảm ở những nhóm khác.”
Những gì được ông Ðinh Sơn Hùng phân tích và dẫn chứng về chủ trương phát triển chỉ cố đạt thành tích tổng sản lượng quốc gia (GDP) cao để khoe khoang tuyên truyền của chế độ Hà Nội suốt mấy thập niên qua đã và đang làm cho nước Việt Nam ngày một tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Vì bị nhà cầm quyền trung ương vừa khuyến khích, vừa thúc ép các địa phương phát triển kinh tế, hàng loạt các dự án lớn đã đổ vỡ, để lại nặng cho ngân sách quốc gia mà người dân phải gánh chịu.
Ðầu Tháng Ba vừa qua, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) xếp Việt Nam hạng thứ hai trong số 5 nước tham nhũng nhất Á Châu, chỉ sau Ấn Ðộ. Kế đến là Thái Lan, Pakistan và Myanmar .
Mấy năm trước, Ngân Hàng Thế Giới mở cuộc khảo sát qua phỏng vấn 5,000 người ở Việt Nam về tình trạng tham nhũng ở đây, thấy 4 lãnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.
Thật ra thì không có chỗ nào trong guồng máy công quyền tại Việt Nam được coi là “sạch.” Năm 2013, khi là phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Doan từng phải kêu, “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì,” theo báo Tuổi Trẻ tại một phiên họp ở Quốc Hội. (TN)

No comments:

Post a Comment