Monday, March 27, 2017

Dân bị đuổi đi chỗ khác vì đụng đến nhà máy của chủ tịch Đà Nẵng

Người dân bao vây cổng nhà máy thép Dana Ý. (Hình: Báo Lao Động)
ĐÀ NẴNG (NV) – Nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường bị dân biểu tình đòi dẹp, nhưng chính người dân lại sắp bị đuổi đi nơi khác để nhà máy tồn tại vì chủ nhân của nhà máy chính là chủ tịch thành phố Đà Nẵng.
“Vừa rồi trong đợt họp dân, chính quyền thông báo sẽ giải tỏa các hộ dân quanh nhà máy. Theo đó, vệt 200 mét gần nhà máy là phải đi trước vào cuối quý 1 năm 2017 nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thông báo gì cụ thể”.
Ông Phan Văn Minh, cư dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, quận Điện Bàn của thành phố Đà Nẵng dược dẫn lời cho biết về tình trạng họ “thấp thỏm không yên vì chưa biết sẽ đi hay ở” từ lệnh của nhà cầm quyền địa phương.
Nhà của ông Phan Văn Minh là một trong số hơn 300 căn nhà của các gia đình liền kề với nhà máy luyện thép Dana-Ý mà ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng có cổ phần rất lớn.
Ngày 14 Tháng 12, 2016 và nhiều lần trước đó kể từ khi nhà máy nấu sắt, kim loại phế thải Dana-Ý bắt đầu hoạt động, dân địa phương đã biểu tình, chận đường, cấm các xe tải ra vào nhà máy vì gây ô nhiễm môi trường, khói bụi mù mịt, mùi khét lẹt không thể chịu đựng được.
Cùng với nhà máy thép Dana-Úc, nhà máy thép Dana-Ý có trụ sở tại đường 11B (khu công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) là hai thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm dai dẳng gần chục năm qua cho người dân địa phương.
Trước sự phẫn nộ và cương quyết của người dân, thay vì bắt các công ty này đóng cửa hoặc dời đi khỏi các khu vực dân cư, nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng lại tìm chỗ “tái định cư” cho các nạn nhân mà hiện chưa biết đẩy họ đi đâu và lấy tiền ở đâu để di dời.
Hiện tại, người dân địa phương không được phép sửa chữa nhà cửa dù hư hỏng. Theo phản ánh của người dân địa phương trên tờ Giáo Dục Việt Nam, “Chỉ cần xây dựng công trình gì mới hay sửa sang lại nhà cửa thì sẽ bị chính quyền cho người đến xử lý ngay. Nhà cửa xuống cấp cũng không được sửa mà đi thì chưa biết đến bao giờ”, tờ Giáo Dục Việt Nam dẫn lời bà Lê Thị Huyền cho hay.
Mấy tuần qua, có nhiều lời tố cáo trên báo chí chính thống của chế độ là ông chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có nhiều tài sản khổng lồ, dấu hiệu của tham nhũng mới giầu có như thế.
Ngày 23 Tháng Ba 2017, tờ Giáo Dục Việt Nam tiết lộ, ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (tiền thân của Đà Nẵng ngày nay) gửi một bức “tâm thư” dài 5 trang với tựa đề “Đề nghị xem xét những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ”. Bức thư gửi đến những lãnh tụ cao nhất của chế độ.
Trong đó, ông Nguyễn Đăng Lâm tố cáo ông Thơ có rất nhiều tài sản “đặc biệt đáng chú ý là việc ông góp vốn đầu tư ở 5 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hoạt động tại Đà Nẵng, bị phản ứng là gây ô nhiễm môi trường, là điểm nóng gây bức xúc dư luận nhiều năm nay”.
Cái “gây ô nhiễm môi trường” là các nhà máy nấu thép phế thải “Dana-Ý” và “Dana-Úc” mà nhà cầm quyền địa phương đang lúng túng tìm chỗ đuổi dân đi cho nhà máy tồn tại, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
Theo bản tin của báo Giáo Dục Việt Nam, Công ty cổ phần thép Dana-Ý là một trong những đơn vị tài trợ cho cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015 và được Chủ tịch thành phố Đà Nẵng gửi thư cảm ơn. “Chính điều trên khiến cho có người nói rằng Chủ tịch Đà Nẵng tự ký văn bản …cảm ơn mình, bởi Công ty này có vốn đầu tư của ông” tờ báo viết.
Luật Bảo Vệ Môi Trường được sửa đổi và quốc hội CSVN thông qua ngày 23 Tháng Sáu 2014, tại điều 7 về “Những hành vi bị nghiêm cấm” trong đó gồm cả “Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí” và “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường”.
Nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã từng ra các quy định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như “Các biện pháp cưỡng chế, thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định đình chỉ hoạt động; quyết định buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.”
Không thấy luật và nghị định xử phạt áp dụng đối với công ty của ông chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. (TN)

No comments:

Post a Comment