HÀ NỘI (NV) – Dư luận trong nước phẫn nộ vì nhà cầm quyền CSVN đang tính tăng “Thuế môi trường” với xăng dầu để ngân sách cạn kiệt, mà hệ quả sẽ kéo theo đủ mọi thứ vật giá mượn đà leo thang.
Cuối tuần trước, tin tức cho hay nhà cầm quyền đang chuẩn bị tăng “thuế bảo vệ môi trường” đánh trên xăng dầu hiện đang là 3,000 đồng/lít lên thành 8,000 đồng/lít. Không riêng gì trên mạng xã hội mà ngay trên một số báo chính thống của chế độ, độc giả cũng bầy tỏ sự phẫn nộ không kém.
“Không thể vì quản lý, quản trị kém và nhân sự đầy dẫy những con người trục lợi trong guồng máy làm thâm thủng ngân sách rồi bắt dân phải gánh! Không thể kiến tạo quốc gia bằng cách bắt dân gánh nặng thuế phí. Một guồng máy nặng nề tốn kém và thiếu năng lực chỉ loay hoay bù đắp đầu này đầu nọ bằng đè lên cuộc sống của người dân không phải là thượng sách. Một đằng thì tăng thuế vào những lĩnh vực xương máu của nền kinh tế và cốt tử của người dân, đằng khác lại chi ra khủng để mua xe mua cộ, mua giá 10… cái chỉ đáng giá 1, xây dựng công trình vĩ đại tốn kém nhưng không có hoặc ít hiệu quả về kinh tế thì không phải là an dân mà là hình thức.” Một độc giả tên Hoàng viết trên tờ Một Thế Giới ngày 18 Tháng Giêng, 2017.
Độc giả Mai Van Le bình luận trên tờ Dân Trí ngày 17 Tháng Giêng, 2017: “rồi đây mặt hàng gì rồi cũng tăng theo không biết lúc đó sống sao đây.”
Độc giả khác của Dân Trí tên Đoàn Minh Hùng viết ngày 16 Tháng Giêng, 2017 : “Tăng giá không rõ ràng minh bạch dân bất bình là đúng!”
Còn độc giả tên Nguyen Van Ninh, cũng của tờ Dân Trí viết ngày 16 Tháng Giêng, 2017: “tham nhũng, lãng phí, trả tiền tù oan sai, hết ngân sách giờ bắt dân chịu sao, đúng là tham mưu hại dân.”
Nhằm giải tỏa phần nào sự phẫn nộ của quần chúng, ông Vũ Khắc Liêm, phó vụ trưởng Vụ Chính Sách Thuế (Bộ Tài Chính) cho hay trên tờ VietNamNet hôm Thứ Tư, 18 Tháng Giêng, 2017, rằng tăng thuế “là để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.”
Nói khác, vì tham gia một số hiệp định kinh tế với một số nước khu vực phải giảm thuế xăng dầu nhập khẩu, chế độ Hà Nội bèn tìm cách tăng thu bằng cánh đánh nặng thêm “thuế bảo vệ môi trường” mà người ta tin sẽ không được dùng để “bảo vệ môi trường.”
Theo cam kết tại Hiệp Định Thương Mại Tự Do Trong Nội Khối ASEAN (ATIGA), Hiệp Định Thương Mại Hàng Hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp Định Thương Mại Hàng Hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Theo đó, trong biểu thuế ATIGA, mức thuế nhập khẩu đối với các loại dầu là 0%, các loại xăng về 8% vào năm 2021, về 5% vào năm 2023 và 0% vào năm 2024. Trong biểu thuế ACFTA, mức thuế đối với một số loại dầu về 5% và 8% vào năm 2016. Trong biểu thuế AKFTA, mức thuế đối với các loại dầu về 0%; các loại xăng về 10% vào năm 2018 và về 8% vào năm 2021.
Vì vậy, ông Vũ Khắc Liêm nhìn nhận “khi hội nhập sâu rộng thì cũng phải cơ cấu lại nguồn thu chi ngân sách. Cách đây hơn 10 năm, thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,… Nay thuế nhập khẩu cắt giảm mạnh, thuế nhập khẩu xăng dầu sắp tới chỉ còn 0%, 5% thì việc thu thuế bảo vệ môi trường là để bù đắp nguồn thu.”
Thật ra, ngay từ Tháng Ba năm ngoái, trước tình trạng ngân sách khiếm hụt, thu không đủ chi cứ tiếp tục gia tăng mãi, chế độ cũng đã tính biện pháp tăng thuế xăng dầu để có tiền nuôi guồng máy cồng kềnh. Lúc đó, họ chỉ tính tăng thêm 1,000 đồng/lít, tức từ 3,000 đồng/lít lên thành 4,000 đồng/ lít, nay thì muốn tăng bạo một lần, có vẻ cơn bối rối ngân sách nghiêm trọng hơn.
“Mức tăng gấp 2-3 lần so với mức hiện tại là quá nặng nề với người dân, doanh nghiệp. Vì giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, tăng chi phí vận tải, giá thành hàng hóa, dịch vụ, giảm năng lực cạnh tranh.” Ông Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế từng là chuyên viên cao cấp của chính phủ CSVN thấy phát biểu như vậy trên tờ Pháp Luật Thành Phố hôm 18 Tháng Giêng, 2017. (TN)
No comments:
Post a Comment