Thursday, January 19, 2017

Việt Nam đi tìm “đồng chí mới” và vẫn kỳ vọng TPP?

Anh Văn-20-01-2017

(VNTB) - Một nhận định trên trang Bloomberg cho thấy, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hy vọng TPP sẽ được phục hồi, qua việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét lại hiệp định thương mại này.

   Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Việt Nam

Việt Nam đang tăng cường nỗ lực để xây dựng các mối quan hệ thương mại và an ninh với các nước như Ấn Độ, Pháp và Nhật Bản, theo tác giả James Hookway trong nhận định trên WSJ ngày 16/01.

Hà Nội đang sử dụng đối tác an ninh, thương mại mới để tránh rơi vào thế khó xử khi Trung-Mỹ căng thẳng. Một dự tính khi Donald Trump tuyên thệ Tổng thống trong ngày 20/01. 

Đối sách này là hệ quả điều chỉnh khi TPP sụp đổ. Sự nỗ lực xây dựng quan hệ mới biểu hiện qua các chuyến thăm liên tục của Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản đến và gặp lãnh đạo Hà Nội để thảo luận thương mại và an ninh. 

“Sự phát triển nhiều mối quan hệ chiến lược đã được thúc đẩy bởi chiến thắng của ông Donald Trump,” Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam và là giáo sư tại Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết. 

Các quan chức Việt Nam nói rằng, chiến lược đặt Hà Nội làm trung tâm của nhiều hiệp định thương mại và thỏa thuận an ninh là “khả thi”, trong khi giữ gìn mối quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc vẫn đang được tiếp tục. 

“Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách làm bạn với tất cả các nước, đa phương và đa dạng hóa các mối quan hệ trên cơ sở độc lập, tự chủ và tuân thủ luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng này.

Trong thập kỷ gần đây, Việt Nam được xem như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và giữ một vai trò quan trọng trong an ninh hàng hải Biển Đông. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một đối tác kinh tế và là một đồng minh quan trọng trong việc đảm bảo tuyến hàng hóa qua Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy từ Trung Quốc.

Vào tháng 7/2015, Nguyễn Phú Trọng đã trở thành Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Nhà Trắng. Đáp lại, ông Obama đã có chuyến thăm đến Việt Nam và tàu chiến Hải quân Mỹ đã cập cảng Vịnh Cam Ranh lần đầu tiên kể từ sau năm 1975. Sự cứng rắn của chính quyền mới với Trung Quốc thông qua Ngoại trưởng Rex Tillerson được xem là một điều có lợi cho Hà Nội.

Tại Hà Nội vào ngày thứ Hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra ven biển mới nhằm cải thiện khả năng giám sát vùng biển của Việt Nam. Ông cũng cung cấp trong một loạt các hợp đồng đầu tư, bao gồm cả đầu tư nhà máy nhiệt điện từ tập đoàn Mitsubishi.

“Hòa bình và thịnh vượng của khu vực vẫn có quan hệ mật thiết đến vấn đề bảo vệ, phát triển và duy trì vững bền tự do mở rộng. Chúng tôi làm việc với Việt Nam trên tinh thần thượng tôn luật pháp, bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Đây là các nguyên tắc căn bản và chúng tôi muốn nó sẽ trở thành vững chắc, không gì thay đổi được. Nguyên tắc vững chắc đó sẽ tạo nên hòa bình và thịnh vượng của khu vực chúng ta”, ông Abe tuyên bố. 

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm Việt Nam vào tháng Chín, làm dấy lên một thỏa thuận an ninh mới, theo đó, Ấn Độ đồng ý huấn luyện phi công máy bay chiến đấu cho Hà Nội và bán hệ thống tên lửa đất đối không Akash cho Việt Nam.Tổng thống Pháp François Hollande cũng đến Việt Nam để thỏa thuận về thương mại, và một thỏa thuận tự do thương mại của Việt Nam với EU sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ, khi trong một nhận định trên trang Bloomberg cho thấy, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hy vọng TPP sẽ được phục hồi, qua việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét lại hiệp định thương mại này. Bởi nó tạo một động lực lớn cho Hà Nội trong xuất khẩu.

“Tôi vẫn tin rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ xem xét lại quan điểm của mình về TPP và cũng sẽ cố gắng để đạt được một thỏa thuận mới có lợi cho tất cả các bên liên quan”, ông Phúc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Văn phòng Chính phủ vào ngày thứ Sáu.

“Nhiều người trong số các thành viên nội các mới [Mỹ] ủng hộ TPP, do đó - tôi nghĩ rằng Washington có thể xem xét lại quyết định của mình bởi vì nó cũng sẽ có lợi cho Mỹ,” ông Thủ tướng Việt Nam chia sẻ.

Bản thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đang tích cực làm việc với các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương khác để giữ TPP được ký kết - nhưng chưa hề được phê chuẩn. Đây được xem như là một thỏa thuận khuôn, gắn với 4 nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Canada, sẽ đại diện cho gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu trị giá 30 nghìn tỷ USD nếu nó có hiệu lực.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tái khẳng định cam kết của mình với TPP vào thứ Bảy và kêu gọi chống sự bảo hộ trước cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Sydney. Và các nước liên quan cũng đang cân nhắc cách thỏa thuận này sẽ làm việc mà không có sự góp mặt của Mỹ.

TPP tham vọng hơn các thoả thuận khác không chỉ bởi vấn đề giảm thuế quan trên một loạt các sản phẩm, mà còn cung cấp sự bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ và tạo động lực cho Việt Nam thực hiện cải cách doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước.

“TPP sẽ tác động tích cực vào quá trình hiện đại hóa tại Việt Nam, nếu không, cải cách sẽ khó được thực hiện bởi những vấn đề liên quan đến nội bộ, và cấu trúc kinh tế-chính trị trong nước,” Alexander Vuving, một nhà phân tích an ninh tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương cho biết. 

Nó [cải cách] cũng sẽ tạo ra một “phản lực mạnh để đưa Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc”, ông nói.

Mặc dù không có sự ủng hộ của Mỹ đối với TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Việt Nam sẽ làm việc với các nước thành viên khác để tìm một giải pháp có lợi cho tất cả mọi người, trong khi cũng đang tìm kiếm thỏa thuận thương mại tự do khác, chẳng hạn như thỏa thuận thương mại Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

-------------------
Nguồn khảo:

http://www.wsj.com/articles/china-u-s-rivalry-spurs-vietnam-to-look-for-new-comrades-1484549386

https://www.bloomberg.com/politics/articles/2017-01-15/trump-nominees-give-vietnam-s-premier-hope-of-trade-pact-support

No comments:

Post a Comment