Thursday, January 19, 2017

Tăng thuế 'bảo vệ môi trường': Tức nước vỡ bờ sẽ khôn lường !

Nguyễn Tuấn-20-01-2017
(VNTB) - Các quan chức của nội các chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nên nhớ rằng sức nén lò xo khi đã chịu ép quá chặt, thì hệ lụy tức nước vỡ bờ là khôn lường.

   Tức nước vỡ bờ sẽ khôn lường !

Giật gấu vá vai
Một báo cáo vừa công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết do bội chi ngân sách nên những nhà quản lý xoay sở cố tìm mọi cách để bù lại bằng nhiều sắc thuế. Tăng mạnh tiền thuế môi trường qua xăng dầu là một ví dụ.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy kể từ thời điểm bắt đầu thuế môi trường, áp dụng là năm 2012 đến nay, số thu thuế năm sau đều tăng hơn năm trước. Trong đó, số thu thuế đã tăng dần từ mức 11.160 tỉ đồng năm 2012 lên 42.393 tỉ đồng năm 2016. Tuy nhiên, số chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 9.000 tỉ đồng trong năm 2012, 2013 và tăng lên 12.290 tỉ đồng năm 2016 - tức mới chỉ chi 28,9% trên tổng số tiền thu về lên tới 42.393 tỉ đồng.
Liên quan vấn đề môi trường, tại hội thảo được Green ID và Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm tổ chức hôm 17-1 ở Hà Nội, cho biết tại Hà Nội, năm 2016 có 123 ngày không khí bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quốc gia, 282 ngày vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Tại Sài Gòn, chất lượng không khí cả năm có 14 ngày vượt tiêu chuẩn quốc gia và 175 ngày vượt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Giá xăng tại Việt Nam hiện ở mức trên 17.000 đồng/lít, thuế môi trường đang ở mức 3.000 đồng, tức chiếm gần 20%. Trong khi giá xăng về cảng sau khi tính thuế nhập khẩu cũng khoảng trên dưới 10.000 đồng/lít; nếu thuế môi trường tăng lên 8.000 đồng/lít thì mức thuế này chiếm đến 50% mức giá bán lẻ và gần bằng với mức giá xăng khi về cảng.
Hiện 1 lít xăng ở Việt Nam đang phải chịu các loại thuế, phí sau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Như vậy tính ra thuế, phí hiện chiếm hơn 8.500 đồng/lít xăng, tức chiếm 48,3% so với giá bán lẻ hiện hành 17.590 đồng/lít. Nếu thuế môi trường tăng lên 8.000 đồng/lít thì giá cơ sở xăng, dầu sẽ bị đẩy lên mức hơn 23.000 đồng/lít, trong đó riêng thuế và phí chiếm hơn 13.000 đồng.

Vậy có thu thuế môi trường với Formosa?
Đang có những sự trùng lắp trong việc thu thuế môi trường vì với các loại xe hơi, xe máy hai bánh khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được tính thuế theo dung tích xe, theo tiêu chuẩn khí thải, tức là cũng tính thuế môi trường. Khi người dân mua xăng để đi xe, lại tính thuế môi trường lần nữa nữa. Vậy là thuế có chồng lên thuế?
Và không chỉ có xăng dầu, không chỉ có xe hơi, xe máy, mà đang ngày càng có nhiều ngành sản xuất khác, nhiều doanh nghiệp đã và đang đóng góp lớn vào mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay như sản xuất thép, hoá chất – mà Formosa Hà Tĩnh là một điển hình rõ nhất, thì liệu thuế, các mức phạt đánh vào các ngành, các lĩnh vực sản xuất này có cân bằng với mức thuế môi trường?

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có đắt đỏ, thậm chí tăng thêm 10 ngàn hay 15 ngàn đồng, người dân vẫn phải sử dụng dù… la làng, chửi bới. Nhưng các quan chức của nội các chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nên nhớ rằng sức nén lò xo khi đã chịu ép quá chặt, thì hệ lụy tức nước vỡ bờ là khôn lường.

No comments:

Post a Comment