Thursday, January 19, 2017

Một ly rượu mừng chưa hòa hợp hòa giải được dân tộc

Xích Tử-18-01-2017

(Dân Luận)



Rộ lên vào những ngày giáp tết Đinh Dậu này, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho phép ca khúc Ly rượu mừng của nhạc sĩ quá cố Phạm Đình Chương được biểu diễn “chính thức” trên những sàn diễn “chính thức” trong những sự kiện chính thống.
pham-dinh-chuong-2

 Tin được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhà nước hình như và hầu như phản ánh/ biểu hiện sự phấn khởi hồ hởi, hả lòng hả dạ của dòng xúc cảm nghệ thuật (vị nghệ thuật) trong giới hoạt động nghệ thuật về sự sáng suốt, khoan dung của nhà nước đối với một tác phẩm âm nhạc bị cầm tù 42 năm. Những người ưu tư chính trị, trăn trở với những biến động bể dâu của lịch sử đất nước từ 1945 đến nay (cũng tức là toàn bộ thời gian mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương, cùng với những trí thức khác, rời bỏ mái trường, tham gia kháng chiến, rồi dinh tê, rồi vào nam, rồi vượt biên, định cư lưu vong và mất ở xứ người, cho đến thời điểm một tác phẩm của mình được phục hồi), cũng nhân đó bày tỏ sự u uất, có khi là phê phán phẫn nộ về cái chuyện cai trị nghệ thuật lạ đời đó.

Việc cấp/ cho phép biểu diễn đối với ca sĩ , tác phẩm và chương trình ca nhạc không phải là mới trong luật và lệ Việt Nam, từ 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên cả nước. Vài tháng trước đây, nhân cũng rộ lên phong trào nhạc sến và thi hát nhạc bolero, nhà nước cho phép 8 bản nhạc bolero sáng tác trước 1975 được biểu diễn; xa trước nữa, khi nhạc sĩ Phạm Duy về nước sinh sống cuối đời, 18 bản nhạc của nhạc sĩ này cũng được cởi trói bằng một quyết định hành chính.

Không biết những người lãnh đạo Việt Nam nghĩ sao về việc cấp phép và những lần cấp phép như vậy. Hay với họ, đó đơn giản chỉ là một hành động quản lý thuần túy chỉ để thể hiện quyền uy toàn diện của mình đối với đất nước và dân tộc, cả quá khứ, hiện tại và tương lai, cùng với một suy nghĩ cũng đơn giản đến dốt nát rằng họ đang thi công lắp ráp từng mảnh vật liệu vào nền tảng tinh thần của cả xã hội theo chủ trương chính sách của Đảng.

Suy diễn như vậy có thể cũng là đơn giản, song không thể là khác với cách làm thậm thò thậm thụt, hết sức bí mật, nghiêm trọng và đầy quyền uy trong quá trình chọn lựa và cấp/ cho phép rồi công bố của cơ quan chức năng, giống như những sắc lệnh bỏ án tích của Vatican từ Công đồng II đối với những vụ xử dị giáo của Tòa án Công giáo trong lịch sử vậy. Trong khi đó, những bản nhạc, tiền chiến và trước 1975 ở miền Nam, dù có được phép hay không, đã được hát, được nghe đến tận hang cùng ngõ hẻm của đất nước hàng chục năm qua, cả miền Nam cũng như miền Bắc. Nhân dân lao động, vốn đã làm nên lịch sử, đã làm một cuộc hòa hợp hòa giải nghệ thuật rất dân dã và tất nhiên…, rất là không chuẩn mực trí tuệ, bằng cách, trong đám cưới tiệc tùng, kể cả cúng bái lễ hội, hát tràn cung mây từ Trên bốn vùng chiến thuật,…Xuân này con không về,… đến Năm anh em trên một chiếc xe tăng,…Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh…Chắc phải giải thích hiện tượng đó bằng lý thuyết của Lenin về hai nền văn hóa (Nga).

Với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, năm nay là Ly rượu mừng; tết năm ngoái, trong chương trình văn nghệ của cuộc gặp mặt mừng Việt kiều về nước ăn tết do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hà Nội, bài hát đầu tiên được biểu diễn là trường ca Hội trùng dương. Tuy nhiên, tên tác giả không được giới thiệu. Cũng là tế nhị thôi. Bởi dù đã mất từ 1991, nhạc sĩ này vẫn là một người Việt lưu vong bằng con đường vượt biên bất hợp pháp; đó là một khúc ruột ngàn dặm có bệnh. Hơn nữa, bên cạnh những sáng tác trong kháng chiến chống Pháp, những bản tình ca sau 1952 ở Sài Gòn, ông còn là tác giả của Anh đi chiến dịch. Ở đó, “anh” dứt khoát không phải là bộ đội Cụ Hồ, mà là người lính trong đội quân “cùng hẹn ngày về quê Bắc ơi” như trong “Giải phóng Ninh Bình” của nhà văn Đỗ Kh.

Nợ nần ân oán vẫn còn, một Ly rượu mừng chưa làm say để xí xóa hết chuyện trong cái tết này. Họa chăng, chỉ có hòa hợp hòa giải Việt – Trung mới làm được bằng những chén trà Long Tĩnh mà ông Nguyễn Phú Trọng đã uống với những lãnh đạo Trung Hoa tại Bắc Kinh và Hàng Châu trong chuyến công du vừa rồi.

No comments:

Post a Comment