Thursday, January 19, 2017

2/3 sinh viên muốn làm trong nhà nước: Tiềm lực phá sản?

Mẫn Nhi-19-01-2017

(VNTB) - Dân số vàng ở các nước Đông Á từng đóng góp 1/3 giá trị gia tăng, nhưng với Việt Nam, nó là 1/3 của sự phá hoại tiềm lực quốc gia với kết quả khảo sát 2/3 sinh viên.

Không ít sinh viên muốn công việc an nhàn và có thể... ngủ ngay trong giờ làm việc như   những đại biểu quốc hội này. 

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê kết hợp với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, gần 2/3 sinh viên trong năm 2015 cho biết thích làm việc trong khu vực nhà nước, chủ yếu là do công việc ổn định.

Như vậy, khu vực nhà nước vẫn hấp dẫn lực lượng lao động trẻ. Lý do, sự biến động của nền kinh tế thị trường khiến biên chê nhà nước trở nên ổn định hơn. Khu vực nhà nước cũng là khu vực của sự quen biết và giao thoa quyền lực, và vì sự “ổn định” nên động lực làm việc ở đây cũng tỷ lệ nghịch theo. Do đó, tại khu vực này, tồn tại các tiêu cực về kinh tế - chính trị mang tính đặc thù.

Trong một khảo sát về tham nhũng khu vực công thì, với lĩnh vực y tế - có 30% người dân trả phí không chính thức cho cán bộ y tế để được chăm sóc tốt hơn; lĩnh vực nhà đất thì 28% người muốn làm xong sổ đỏ phải bôi trơn (trung bình 14,5 triệu đồng);  lĩnh vực kinh tế thì doanh nghiệp tư nhân phải mất 1,02 đồng “bôi trơn” trong khi lợi nhuận chỉ có 1 đồng. Ngay cả lĩnh vực giáo dục là một lĩnh vực đào tạo kiến thức, bồi dưỡng đạo đức con người cũng có vấn nạn bồi dưỡng giáo viên/ ban giám hiệu trường công lập.

Điều đó cho thấy, lĩnh vực tham nhũng trong khu vực công tồn tại cực kỳ phức tạp và không có bất kỳ lĩnh vực cấm nào. Và nạn tham nhũng, hối lộ được xem là một trong những cách thức để vun vén và thu hồi lại vốn đã bỏ ra bôi trơn trước đó. Vì thế, trong lĩnh vực tuyển dụng công nhân/ viên chức thì có 50% người được khảo sát phải thừa nhận lót tay để được làm việc trong cơ quan nhà nước.

Sự hấp dẫn của khu vực nhà nước là “ổn định”, ổn định không những trong hạn chế rủi ro bị sa thải, mà ngay trong việc được bảo vệ khi có hành vi phạm pháp. Nó biểu hiện thành một cục diện mâu thuẫn cực kỳ trong lĩnh vực phòng và chống tham nhũng tại Việt Nam. Trong khi, Việt Nam liên tục bị đánh giá là tham nhũng ở mức 112/168 nước  (theo tổ chức Minh bạch Quốc tế), và hiện trạng tham nhũng gần như liên tục được các lãnh đạo cấp cao trong nước coi là quốc nạn thì báo cáo Công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 vào tháng 10 vừa qua của Chính Phủ lại có kết luận đảo ngược hoàn toàn. Trong đó, kết luận liên quan đến kê khai gian trong tài sản/ thu nhập luôn cho kết quả bằng 0. Bản thân Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh năm 2015 cũng tuyên bố không thấy tham nhũng, nhưng sau đó Hà Nội lại lên tiếng về việc phát hiện 7 vụ tham nhũng qua kiểm tra nội bộ.

Điều đó cho thấy gì, cuộc chiến tham nhũng rơi hoàn toàn vào thế bế tắc - “ta chống ta” như nhiều nhận định cho thấy. Và khu vực nhà nước vẫn ổn định để tham nhũng, tham ô và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Ví như, trong lĩnh vực ngân hàng những năm gần đây nổi lên các đại án về tham ô/ thất thoát lớn, chỉ trong 2 năm, 9000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bị thất thoát; Agribank thất thoát 4.000 tỷ; Viettin bank thất thoát 4.000 tỷ; DongA bank 2.000 tỷ. Tuy nhiên, việc truy tố và thu hồi tài sản nhà nước bị mất do tham nhũng gần như không thể.

Do vậy, “ổn định tham nhũng” đã tạo điều kiện biến khu vực công nhà nước trở thành một khu vực bầy nhầy về hiệu suất công việc. Ông Nguyễn Xuân Phúc thời còn làm Phó thủ tướng cũng đăng đàn khẳng định, hơn 30% số lượng công chức làm việc theo tiêu chí “sáng cắp ô đi tối cắp về”.  Lực lượng này là nằm trong sự dung dưỡng của chế độ công nhà nước, tức là trình độ lao động có trình độ thấp hơn yêu cầu công việc nhưng vì “biên chế” nên nhà nước không thể sa thải, vấn đề lực lượng này vẫn nằm trong hệ “lãnh đạo”, còn lực lượng nhà nước có trình độ cao hơn yêu cầu lại làm “nhân viên”. Sự bất hợp lý luôn tồn tại, và sự chèn ép trong nhà nước đã buộc năng lực phải tuân thủ lãnh đạo. Mặc dù, lãnh đạo đó có người sử dụng bằng cấp III giả, hoặc chưa tốt nghiệp Đại học hoặc năng lực quản lý và tầm nhìn cực kỳ yếu kém. Hiện tượng khu vực công nhà nước vì thế được ví như một nhà vệ sinh, mà người ở trong (có năng lực) muốn chạy ra ngoài, còn người ngoài (muốn thăng tiến) lại muốn chạy vào trong. Tính chất này đưa khu vực nhà nước trở thành khu vực bảo thủ nhất và quan liêu nhất.

Với 2/3 sinh viên muốn vào làm khu vực nhà nước. Nó báo động điều gì? Đó là nhân sự trẻ không vào để làm “công bộc” - phục vụ nhân dân, mà phần lớn tìm kiếm sự an phận với lương ổn định và tham ô. Điều này trái ngược với hy vọng thúc đẩy khởi nghiệp mà “Thủ tướng kiến tạo” Nguyễn Xuân Phúc đề ra theo mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trước năm 2020. Khát khao vào làm khu vực nhà nước cũng tiềm ẩn nguy cơ làm phá sản kế hoạch giảm biên chế nhà nước, tăng gánh nặng ngân sách nhà nước, bởi hiện nay, theo một số liệu không chính thức đã có tới 11 triệu người hưởng/ ăn lương nhà nước với tỷ lệ 40 người dân nuôi 1 nhân viên nhà nước, khiến nguồn lực đầu tư phát triển đất nước trở thành nguồn lực xoay vòng đầu tư lương bổng cho những người “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.


Dân số vàng ở các nước Đông Á từng đóng góp 1/3 giá trị gia tăng, nhưng với Việt Nam, nó là 1/3 của sự phá hoại tiềm lực quốc gia với kết quả khảo sát 2/3 sinh viên nêu trên.

No comments:

Post a Comment