Anh Văn
Anh Văn-19-01-2017
(VNTB) - Kết quả, PISA qua các năm đều đánh giá cao Việt Nam, “Toán” trở thành một môn chủ chốt giúp lãnh đạo Bộ GD-ĐT “tự hào” về nền giáo dục “tốt nhất thế giới” theo phương diện nhồi nhét và háo danh.
Dịp cuối năm, báo chí Việt Nam có một phen hí hửng khi đăng tải Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới theo kết quả Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA). Tuy nhiên, có khá nhiều người dè dặt, thậm chí nghi ngại trước chương trình này.
Vietnamnet trong một bài viết gần đây đã có những đánh giá rõ ràng hơn. Theo đó, trang tin này dẫn lời TS. Tăng Thị Thùy, chuyên gia nghiên cứu về PISA cho biết, vấn đề quan trọng của việc tham gia PISA không phải là điểm số và xếp hạng. Bà Thúy dẫn chứng nền giáo dục Indonesia, theo đó, dù năm 2012 học sinh này đứng chót bảng xếp hạn về môn Toán nhưng học sinh rất yêu thích bộ môn này.
Như vậy, bảng đánh giá của PISA là ảo. Điều gì đã khiến cho giáo dục Việt Nam có thể qua mặt được đánh giá của PISA và biến bộ công cụ này “kém về đánh giá chất lượng học tập.”?
Đó chính là khả năng nhồi nhét của nền giáo dục và sự ảo danh của người lớn.
PISA: Nhồi nhét và háo danh
Đầu tiên là chương trình học toán, môn nằm trong bộ khung đánh giá của PISA đối với học sinh Việt Nam là “giỏi”. Giỏi ở đây chính là vì các em được nhồi nhét lý thuyết toán nặng. Ví dụ: trong khi sinh viên ở Mỹ mới học tích phân thì tại Việt Nam, học sinh cấp 3 đã phải ăn môn này; tương tự cho các chương trình toán khác Việt Nam dạy thì phải sau 1-2 cấp – học sinh ở các nước tiên tiếng mới học.
Bản thân việc học toán hay bất kỳ môn nào khác là nhằm giải quyết khâu “thi” từ cấp 1 cho đến khi lên Đại học. Cao cấp hơn hẳn là hình thành các lò luyện “gà” để giành huy chương trong các cuộc kỳ thi giải toán quốc tế. Chính điều này khiến nhiều quốc gia nhầm tưởng giữa việc tạo một môi trường giáo dục lành mạnh để học sinh nâng cao năng lực học với việc bắt buộc trong một môi trường giáo dục học để học sinh “thuộc lòng” mọi con số và hằng đẳng thức,…
Thứ hai, như đã đề cập, PISA là biểu hiện đậm nét của sự háo danh của người lớn, đặc biệt là Bộ GD-ĐT Việt Nam. Vào năm 2012, khi đạt được “kết quả cao” từ đánh giá của PISA. Bộ GD-ĐT đã “thừa thắng xông lên” khi ngay lập tức cử một lãnh đạo Bộ phụ trách điều hành PISA; thành lập Ban quản lý PISA (là lãnh đạo các đơn vị liên quan trực tiếp đến phát triển giáo dục phổ thông) – ban quản lý này gắn PISA vào chương trình học đổi mới về kiểm tra – đánh giá học sinh ở các trường THPT trên cả nước; chỉ đạo các Sở giáo dục thực thi PISA tại các trường trực thuộc. Chưa dừng lại tại đó, Bộ GD-ĐT cũng có hẳn tài liệu tập huấn về PISA cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Làm tất cả điều đó để làm gì? Đó là vì Bộ GD-ĐT muốn “nền giáo dục Việt Nam” vang danh trong mỗi đợt đánh giá – xếp hạng. Mà thực chất ra, đó là thông qua các “kỳ thi về Toán” không hơn, không kém. Và để có được kết quả như vậy, học sinh Việt Nam phải đánh đổi thời gian vui chơi và học các môn phụ sang “tập ghi nhớ” môn Toán.
Chính vì thế nên Bộ GD-ĐT Việt Nam mới bỏ công “nghiên cứu kỹ tất cả các dạng bài thi PISA đã công bố, tóm tắt và khái quát các dạng bài thi với các yêu cầu kỹ thuật làm từng dạng bài thi, từng loại câu hỏi để giáo viên nắm được kỹ thuật về giới thiệu cho học sinh” từ trung ương cho đến địa phương.
“Tập huấn” trở thành một nỗi ám ảnh đối với giáo viên, nhưng cao hơn là đối với các học sinh, bởi nó là thể thức học và luyện giải thi theo một mô thức đã được ghi chép trong tài liệu.
Kết quả, PISA qua các năm đều đánh giá cao Việt Nam, “Toán” trở thành một môn chủ chốt giúp lãnh đạo Bộ GD-ĐT “tự hào” về nền giáo dục “tốt nhất thế giới” theo phương diện nhồi nhét và háo danh.
Và một tư lệnh ngành Giáo dục háo danh
Toán trở thành môn ghi điểm cho Bộ, nhưng trở thành nỗi ám ảnh của phần lớn học sinh Việt Nam. Bộ công cụ PISA vì vậy đã trở thành một bộ công cụ vô nhân đạo, triệt tiêu sự hứng thú và sáng tạo của học sinh đối với môn học. Chưa kể, tại Việt Nam, nó đẩy cho các môn về kỹ năng – sức khỏe như Thể dục, Giáo dục công dân ngày càng xa rời học sinh hơn.
GS Paul Glewwe (Đại học Minnesota, Mỹ) trong một buổi thảo luận về Giáo dục và phát triển nguồn lực vào 15/12 tại Hà Nội, không hiểu chuyện vì sao Việt Nam đứng top PISA, nhưng sau đó bà đã tự trả lời khi tự vấn, có phải “tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn các nước?”.
Các tác động nêu trên đã hủy hoại nền giáo dục Việt Nam, khiến nền giáo dục liên tục cải cách lùi, gia tăng ngày càng gánh nặng thi cử và điểm số lên vai học sinh. Điều này cho thấy, kết quả PISA của Việt Nam là một kết quả phản ánh sự tồi tệ của nền giáo dục nhồi nhét, chứ không phải là một nền giáo dục chất lượng hay tốt nhất như báo chí rùm beng trước đó. Và quan điểm về GDP tỷ lệ thuận nền giáo dục đến giờ vẫn luôn đúng, ít nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam.
Đau lòng nhất vẫn là sự háo danh người lớn, đặc biệt là tư lệnh ngành giáo dục. Bởi khi lý giải thắc mắc của GS Paul Glewwe, ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lại viện lý do người Việt hy sinh cho con học bằng mọi giá nên mới có kết quả PISA như thế. Và ông tự hào rằng “châu Âu chắc không có” điều đó. Thế nhưng, ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại không tự hỏi tại sao, sức học toán Việt Nam thời phổ thông rất khủng nhưng càng lên ĐH lại càng đuối, và vì sao học sinh chịu mất tiền tỷ để bỏ “nền giáo dục tốt nhất thế giới” ra đi tìm đường du học sang Mỹ (28.883 người/ năm 2015); Úc (28.524 người/ năm 2015), Canada (178.000 người/ năm 2015),… Dù rằng, Việt Nam (hạng 19) vượt trên Canada (hạng 20) và Mỹ (hạng 25) theo PISA.
Một nền giáo dục tốt phải là một nền giáo dục cân bằng giữa lý thuyết và thực hành; là nền giáo dục tạo điều kiện cho người học được phép tư duy – sang tạo,… Bởi lẽ, học sinh vẫn là con người được quyền học hành và trao dồi kỹ năng sống, không phải là bộ máy được lập trình theo diện ngày đêm “học – thi” một cách vô đạo đức.
No comments:
Post a Comment