Giáo sư Phạm Minh Hoàng là người mang song tịch Pháp-Việt. Ông đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm.
Ngày 15/6, Việt Nam lên tiếng bênh vực quyết định tước quốc tịch của nhà bất đồng chính kiến Phạm Minh Hoàng, người mang song tịch Pháp-Việt và là một cựu tù nhân chính trị.
Quyết định tước quốc tịch của ông Hoàng, đưa ra hồi tuần trước, đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.
Chính quyền Việt Nam không nêu rõ lý do hay tội trạng khiến ông Hoàng, một giáo sư toán học 62 tuổi, bị tước quốc tịch.
Trong buổi họp báo ngày 15/6, trả lời câu hỏi của phóng viên AFP về khiếu nại của ông Phạm Minh Hoàng đối với quyết định tước quốc tịch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Phạm Minh Hoàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã thông báo chính thức tới Phạm Minh Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam về việc này”.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA-Việt Ngữ hôm 10/6, ông Phạm Minh Hoàng cho biết quyết định tước quốc tịch của ông là do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký hôm 17/5/2017.
Ông Hoàng nói rằng ông nghĩ Hà Nội muốn tước quốc tịch nhằm "trả thù" các hoạt động ôn hòa cổ súy dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông.
Chính quyền Việt Nam nói ông Phạm Minh Hoàng là thành viên đảng Việt Tân, một tổ chức bị chính quyền Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật. Ông Hoàng xác nhận ông là thành viên của Việt Tân, nhưng không làm gì trái luật Việt Nam.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng lên tiếng chỉ trích Việt Nam về quyết định tước quốc tịch của ông Hoàng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Mỹ nói:
“Quyết định thu hồi quốc tịch của Hoàng là không công bằng và đánh dấu một mức thấp mới trong việc đối xử với các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước.
Trong bài viết gửi cho VOA ngày 9/6, Luật sư Lê Công Định phân tích các khía cạnh pháp lý của vụ này và kết luận rằng quyết định trên là “vi hiến và vi luật”.
“Tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất Phạm Minh Hoàng khỏi Việt Nam sẽ tạo nên một tiền lệ pháp lý nguy hiểm, đó là 91 triệu công dân Việt Nam đều cùng ở trong tình huống có thể bị tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam bất cứ lúc nào”, theo luật sư Lê Công Định, cũng là một cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam.
Bản tin của Reuters ngày 15/6 nhận định “mặc dù có những cải cách sâu rộng đối với nền kinh tế và gia tăng mở cửa cho thay đổi xã hội, nhưng Đảng Cộng sản vẫn duy trì các biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ truyền thông và không chấp nhận chỉ trích. Hàng chục blogger và nhà hoạt động đang chịu án tù vì tội chống lại nhà nước”.
Hồi năm 2011, ông Phạm Minh Hoàng bị kết án 3 năm tù giam về tội âm mưu “lật đổ chính quyền”, nhưng ông được thả sau 17 tháng và bị quản chế trong ba năm.
No comments:
Post a Comment