Thursday, June 15, 2017

Phản đối là chuyện của Trung Quốc, tuần tra Biển Đông là quyền của Mỹ

Khu trục hạm vừa thực hiện cuộc tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi Vành Khăn, quần đảo Trường Sa. (Hình: navsource.org)
VIỆT NAM (NV) – Ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, vừa khẳng định với Thượng viện Hoa Kỳ, tuần tra tại Biển Đông là một phần trong chiến lược chung của Hoa Kỳ.
Theo The News Indian Express thì đó cũng là lý do ông Mattis nhấn mạnh, các cuộc tuần tra nhằm minh định nỗ lực bảo vệ quyền tự do lưu thông tại biển Đông sẽ không bị tạm ngưng chỉ vì Trung Quốc gia tăng mức độ phản đối.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói thêm rằng ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Hoa Kỳ về hoạt động tuần tra tại biển Đông và cả hai cùng thấy cần tiếp tục hoạt động tuần tra tại biển Đông bởi hoạt động đó thuyết minh thêm, giúp chính sách đối ngoại trở thành rõ ràng. Hoạt động tuần tra có thể dừng lại khi chiến lược thay đổi nhưng không phải là lúc này.
Ông Brian Schatz, một trong những Thượng Nghị sĩ, tham dự buổi điều trần bảo rằng, ông cảm thấy hài lòng khi quân đội Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra tại biển Đông sau khi tạm ngưng trong khoảng tám tháng (từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 5 năm 2017). Điều làm Thượng Nghị sĩ Schatz bận tâm là hoạt động đó đã đủ cảnh báo Trung Quốc khi quốc gia này tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế.
Tuần trước, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng cáo buộc ông Mattiz là một người “ăn nói vô trách nhiệm”. Tại Diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, nhận định, các hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông là xem thường cả lợi ích các quốc gia khác lẫn luật pháp quốc tế.
Liệu bất đồng dường như không thể hóa giải về vấn đề biển Đông giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể dẫn tới xung đột?
Alessandro Uras, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, đang là giảng viên tại Đại học Cagliari, nhận định là: “Không”.
Trong bài phân tích về những diễn biến mới nhất, đăng trên Huffington Post hôm 14 tháng 6, ông Uras cho rằng, nỗ lực bảo vệ quyền tự do lưu thông tại biển Đông của Hoa Kỳ không nhằm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại vùng biển này.
Theo ông Uras, sau khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump khiến nhiều đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương lo âu vì dường như không bận tâm đến tình hình khu vực này. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị thực hiện một số hoạt động tại biển Đông của Bộ Chỉ huy khu vực Thái Bình Dương. Đã có một số quốc gia tính tới việc phải xem lại chính sách đối ngoại.
Các hoạt động liên quan đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ từ tháng 5 đến nay, bao gồm cả việc điều động USS Dewey tiến vào tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa được cho là chuỗi hành động nhằm trấn an, bảo vệ vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực này. Ông Duras tin rằng, Hoa Kỳ biết rất rõ Trung Quốc có thể và không thể làm gì. Trung Quốc cũng biết rất rõ, phản đối và chỉ trích kịch liệt không thể làm Hoa Kỳ hủy bỏ các cuộc tuần tra tại biển Đông.
Bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề biển Đông sẽ không thể leo thang, trở thành xung đột trong tương lai gần vì Hoa Kỳ cần Trung Quốc trong nhiều vấn đề, từ ngăn chặn Bắc Hàn phát triển vũ khí nguyên tử, chống khủng bố đến thương mại. Biển Đông có thể được dùng để gây sức ép đối với Trung Quốc.
Ông Uras lưu ý, ngoài yếu tố cân bằng địa chính trị, các cuộc tuần tra tại biển Đông không gây ra bất kỳ đe dọa trực tiếp nào đến hiện trạng biển Đông và đó là điều hết sức thuận lợi cho Trung Quốc. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment