ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – “Nhờ” Trung Quốc đặt hàng nông dân nuôi trồng hành tây, vải thiều, thanh long, chuối, dưa hấu, heo, gà, vịt… để cuối cùng người tiêu dùng Việt Nam phải lên tiếng “giải cứu” nông sản bị ứ đọng, mất giá có thể khiến nông dân của cả một vùng phá sản.
Những ngày qua, trong khi Đồng Nai đang tổ chức “giải cứu” heo thì người chăn nuôi gà cũng kêu bị ép giá thấp, lo không trụ nổi khiến không ít phải “treo chuồng.” Ở phía Bắc, người nuôi vịt cũng ngắc ngoải với hàng chục ngàn con vịt giá chỉ còn trên dưới 20,000 đồng/kg!
Là địa phương có đàn heo và gà lớn nhất nước, Đồng Nai đang chứng kiến đàn gà và trứng gà cũng khó khăn và cần “giải cứu” không kém thịt heo bao nhiêu. Ông Từ Văn Hoàng, quản lý trang trại chăn nuôi tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, nói với báo Tuổi Trẻ, trang trại nuôi gia công 27,000 con gà này đã phải “treo chuồng” hơn một tháng nay do lỗ kéo dài.
Theo ông, từ cuối năm 2016 đến nay, giá gà liên tục giảm sâu dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Trung bình mỗi lứa, trang trại do ông quản lý thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Do đó, ông phải ngưng nuôi, chờ giá tốt hơn.
Tương tự, ông Hùng, chủ trại gà 15,000 con ở huyện Thống Nhất, cũng đang lo lắng khi còn khoảng một tháng nữa sẽ phải xuất bán. Tuy nhiên, với giá gà hiện nay, ông dự kiến sẽ lỗ hàng chục triệu đồng.
Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết trên toàn tỉnh hiện đang nuôi khoảng 17 triệu con gà, tăng khoảng 3 triệu con so với hai năm trước. “Nguyên nhân giá gà bị rớt do tình trạng cung vượt cầu,” ông cho hay và xác nhận có hàng triệu con gà đang rơi vào tình trạng ứ đọng, thua lỗ.
Không chỉ gà thịt, trứng gà cũng gặp khó khăn. Ông Lâm Thanh Đức, chủ tịch hội đồng thành viên công ty Thương Mại Dịch Vụ Sản Xuất và Chăn Nuôi Thanh Đức (chuyên sản xuất trứng tại huyện Xuân Lộc), nhận định do giá thịt heo giảm, người tiêu dùng tăng dùng thịt heo trong cuộc “giải cứu” heo vì thế tiêu dùng gà, trứng gà giảm.
Theo ông, hiện giá trứng ngoài thị trường chỉ còn từ 800 đến 1,000 đồng/quả. Công ty ông có thương hiệu nên giá xuất bán cao hơn thị trường 100 đến 200 đồng/quả nhưng thực tế giá thành sản xuất vào khoảng 1,300 đến 1,400 đồng/quả. “Mỗi tháng công ty lỗ khoảng 2 tỷ đồng. Nếu tiếp tục kéo dài chỉ còn nước ra đường ở,” ông lo lắng.
Tại Nghệ An, với tổng đàn vịt lên đến 13,000 con (trong đó 10,000 vịt thịt, 3,000 vịt đẻ), trang trại của ông Nguyễn Tý (53 tuổi, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành) đã quá ngày xuất bán và ông đã liên hệ với nhiều thương lái nhưng vẫn chưa bán được. Những ngày này, giá vịt mà ông chào bán chỉ còn 20,000 đến 22,000 đồng/kg nhưng vẫn vắng người mua.
Ông Tý buồn bã nói với báo điện tử Dân Việt: “Hơn 15 năm làm nghề chăn nuôi vịt, năm nay giá vịt giảm kỷ lục quá. Tôi cứ nghĩ như mọi năm giá cả ổn định nên gia đình tôi đã vay ngân hàng mua 10,000 con vịt giống, giá 7,000 đồng/con, tổng cộng hết 70 triệu đồng. Vịt nuôi trong vòng ba tháng, tiền cám, tiền công, tiền thuốc… nhưng vẫn không bán được, phải nuôi thêm mất một tháng nữa. Với tổng đàn vịt 10,000 con, tôi lỗ mất gần 300 triệu đồng.”
Ông Hoàng Văn Nam (xã Phú Thành, huyện Yên Thành) nói: “Tôi gom hết tiền bạc của gia đình vay mượn thêm anh em gần 50 triệu đồng để mua hơn 4,000 con vịt giống. Gần ba tháng lăn lộn, ăn ngủ cùng vịt đến ngày xuất bán thì bất ngờ giá vịt giảm mạnh. Nếu giá không khả quan hơn mà vẫn giữ ở mức 23,000 đồng/kg thì gia đình tôi lỗ hơn 60 triệu đồng. Mỗi ngày đàn vịt của gia đình tôi tiêu tốn gần ba tạ thức ăn (gồm 1.2 tạ lúa gạo và 1.8 tạ thức ăn công nghiệp).”
Theo báo Tuổi Trẻ, điệp khúc thương đau “được mùa mất giá,” khủng hoảng đầu ra của nông sản cứ được “ca đi hát lại” bao nhiêu năm qua.
Tháng Tư 2015, hàng trăm hécta hành tây ở Đà Lạt không ai mua phải đổ đống ngoài đồng, nhiều cơ quan vào cuộc hỗ trợ. Hệ thống siêu thị Aeon đã mua hàng ngàn tấn và bán lẻ trong siêu thị giá chỉ 2,900 đồng/kg.
Tháng Bảy, 2015, lại rộ lên cuộc “giải cứu” gần 40,000 tấn vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang, khi thương lái Trung Quốc rút đi, giá vải thiều bán tại vườn rớt từ 20,000 đồng xuống còn 3,000 đồng/kg. Song song với vải thiều là cuộc “giải cứu” hành tím Sóc Trăng với số lượng lên 150,000 tấn, nguyên nhân do Indonesia bất ngờ ngừng nhập khẩu.
Tháng Chín, 2015, là cuộc “giải cứu” thanh long tại Bình Thuận khi thương lái Trung Quốc ngưng mua và giá thanh long rớt xuống chỉ còn 1,000 đồng/kg. Hầu như vào mùa thu hoạch thanh long năm nào cũng xảy ra những khu vực có thanh long phải đổ đi, bán tống bán tháo.
Đầu năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu chuối từ Philippines khiến giá chuối ở Việt Nam giảm mạnh.
Tháng Tư, dưa hấu miền Trung lại thừa, nhiều “chiến dịch” mua hỗ trợ lại diễn ra. Giá dưa lao dốc thảm hại chỉ còn 500 đến 1,000 đồng/kg.
Cũng trong Tháng Tư, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn lên tiếng vận động “giải cứu” thịt heo.
Báo Tuổi Trẻ cho hay, với cách làm ăn của Việt Nam, người dân cứ nuôi ào ào, trồng ào ào nên “vỡ trận” là chuyện không tránh khỏi.
Báo này cũng đặt vai trò của nhà nước, các hiệp hội, các trung tâm xúc tiến thương mại, khuyến nông… đang làm gì mà người sản xuất cứ đi tù mù trong đêm. “Chính việc giải cứu những cơ quan, hiệp hội làm tai mắt thị trường cho nông dân. Họ còn tù mù bịt mắt bắt dê thì chuyện giải cứu này còn chưa dừng lại đâu!” tờ Tuổi Trẻ viết. (Q.D.)
No comments:
Post a Comment