Thursday, June 15, 2017

Nói dai - nói dài - nói sảng

Phạm Trần (Danlambao) - Ông bà ta có câu: "Nói phải củ cải cũng phải nghe", nhưng nếu cứ nói dai và nói dài thì hóa ra nói sảng. Đó là hậu quả của Hội nghị Trung ương 5/Khóa đảng XII từ ngày 5 đến 10/05/2017 với 3 Nghị quyết được thành hình:

- (1) Nghị quyết về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- (2) Nghị quyết về “tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

- (3) Nghị quyết về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đảng phải lãnh đạo

Các Nghị quyết này, tuy dài dòng văn tự nhưng không có gì mới hơn hình ảnh già nua, cằn cỗi và tư tưởng lạc hậu của 44 Tác giả trong Hội đồng Lý luận Trung ương do Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng cầm đầu.

Các thành viên của Hội đồng này tuy có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ và Phó Tiến sỹ nhưng suy tư của họ lại chưa ra khỏi lũy tre làng nên cứ khăng khăng Việt Nam đổi mới nhưng không đổi màu hay hội nhập mà không hòa tan. Vì vậy họ đã ngăn chặn mọi đề nghị đảng cần đổi mới chính trị song song với đổi mới kinh tế, mở rộng dân chủ và trả lại tự do cho dân để đưa đất nước tiến lên.

Trong Nghị quyết về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, họ viết: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".”

Họ còn khẳng định: "Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.”

Có ai hiểu họ nói gì không hay những cái đầu đất bùn nhiều hơn óc thịt đã cố ý lý luận vòng vo như thế chỉ để thắt vào một nút là đặt nền kinh tế vào “quản lý của Nhà nước… do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” ?

Cái mồm nói vẹt

Chỉ có thế thôi mà viết tràng giang đại hải làm gì cho mờ người ra vì đảng đã ghi trong Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” năm 2011: "Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa…”

Để cuối cùng vẫn chỉ là: "Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất…”

Sau Cương lĩnh, Quốc hội của “đảng cử dân bầu” cũng viết trong Điều 51, Hiến Pháp năm 2013: 

1. “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa."

Cuối cùng, bàn tay nhà nước cũng dành làm tất cả như ghi trong Điều 52: "Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân."

Đã lập đi lập lại như thế mà trong Nghị quyết của Trung ương 5 về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn chưa biết chán.

Họ nghĩ cứ nói dối miết những điếu không có sẽ có người tin là thật nên lại tô vẽ tiếp rằng: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp. Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội."

Đến đây, hẳn có người sẽ phải thốt lên “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng ít ai biết họ càng nói nhiều thì càng giúp cho sổ lương của họ tăng cao.

Mâu thuẫn hay lẩm cẩm?

Tưởng nói dai như thế chưa đủ nên họ còn khoe mà không biết ngượng rằng:"Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thể hiện ở chỗ kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phổ biến. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước…"

Nói huyên thuyên như thế rồi đảng lại thú nhận sau 30 năm đổi mới vẫn còn nhiều bất cập như: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thực hiện còn chậm…Cải cách hành chính còn chậm… tiến bộ và công bằng xã hội còn nhiều bất cập. Bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Xoá đói, giảm nghèo còn chưa bền vững…. Cơ chế kiểm soát quyền lực, phân công, phân cấp còn nhiều bất cập. Quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm….”

Ngoài ra đảng còn đổ tội thất bại cho đảng viên vì họ: "Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ. Tư duy bao cấp còn ảnh hưởng nặng nề. Năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp và chưa nghiêm. Vai trò, chức năng, phương thức hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị chậm đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước."

Thua lỗ mà lãnh đạo ai?

Lý luận lung tung beng như thế, nhưng Hội đồng Lý luận Trung ương lại cứ muốn bảo vệ cái thua lỗ cho bằng được khi khẳng định: "Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước."

Có ai biết tại sao cái Hội đồng này lại muốn để cho DNNN phải đóng vai “then chốt” mãi khi vẫn làm ăn thua lỗ? Bởi vì Cương lĩnh đảng 2011 đã ngồi lên cả Hiến Pháp để khẳng định "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo."

Do phải đội đảng lên đầu nên Hội đồng Lý luận Trung ương cứ nhắm mắt làm theo mà không biết thực tế đã đâm sau lưng nhà nước.

Hãy nghe Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận xét: "Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, thậm chí còn làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực."

Ông Thiên đã nói như thế tại Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân”, dưới sự chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, do Trung tâm Thông tin Kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức. (theo báo VTC News ngày 31/05/2017) 

Ngoài ra theo báo Liên kết Doanh nhân Việt (VCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thì nhiều diễn giả tại Hội nghị kết luận: "Đến nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế."

Tiến sỹ Phạm Minh Điển nói: "Đối với kinh tế tư nhân, mấy thập niên qua đã tăng nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Đến nay, có khoảng 60 vạn doanh nghiệp tư nhân và mấy triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, đang còn ẩn dấu nhiều tiềm năng lớn."

Thống kê của nhà nước cho thấy: "Giai đoạn 2006 – 2015, kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP; 30% tổng giá trị công nghiệp; khoảng 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; 35% tổng vốn đầu tư pháp triển; thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước và tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm."

Trong khi đó, tại Hội nghị Trung ương 5 ngày 5/5/2017, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng phải nhìn nhận: "Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…".

Nói thì hùng hổ như thế nhưng tại sao khi ra Nghị quyết thì lại vẫn muốn: "Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước"?

Qủa thật không ai hiểu nổi cái đầu của ông Trọng. Bởi vì, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thì: "Những con số về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DNNN gần đây đã cho thấy kết quả kinh doanh của khu vực DNNN không khả quan, thậm chí lỗ đến mức báo động."

Ông cho biết: "Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các DNNN chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng." (theo Liên kết Doanh nhân Việt (VCCI) , Thứ ba, 09-05-2017)

Tính đến cuối năm 2016, tổng số DNNN là 718 doanh nghiệp.

Vẫn theo VCCI: "Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Cơ khí xây dựng…."

VCCI viết tiếp: "Đáng chú ý, ngành Công Thương có 12 dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, điển hình là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình… Tổng tài sản của 12 nhà máy là hơn 57.600 tỷ đồng, thì tổng nợ phải trả là hơn 55.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Với khu vực DNNN, ngành thuế lo ngại những khoản lỗ nghìn tỷ đồng ở các dự án lớn có thể làm nguồn thu từ khu vực này vẫn suy giảm. Trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12.000- 14.000 tỷ đồng.

Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, “ngập” trong thua lỗ, khối DNNN còn “tai tiếng” bởi những vụ án tham nhũng kinh tế lớn, phức tạp trong vòng 10 năm qua. Tiêu biểu là vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty in, thương mại, dịch vụ Agribank; vụ án đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin..."

Đảng hoá tư nhân làm gì?

Kết qủa đen tối như thế mà đảng và nhà nước vẫn tìm mọi cách để bảo vệ miếng cơm cho nhau trong DNNN thì có phải đảng đã dặt quyền lợi phe nhóm lên trên quyền lợi của nhân dân? Hay đảng đã hoàn toàn đầu hàng các nhóm lợi ích đang rút tỉa máu thịt của đất nước?

Do đó không ai ngạc nhiên khi thấy đảng muốn quay ra kiểm soát cả Doanh nghiệp tư nhân như đã ghi trong Nghị quyết “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”

Bằng chứng đảng sẽ: "Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cấp ủy đảng tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương nhất quán trong phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Có giải pháp thực hiện chủ trương phát triển Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân."

Nói thì có vẻ tích cực đấy, nhưng chưa ai quên vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) của đảng chưa làm nên trò trống gì trong nhiệm vụ bảo vệ người công nhân. Trong nhiều năm qua, nhiều vụ đình công tự phát của công nhân chống chủ nhân, đa phần người nước ngoài, bóc lột tiền lương, bắt làm nhiều giờ mà không chịu trả tiền phụ trội hay ẩm thực kém v.v… mà cán bộ Liên đoàn có giúp được gì nhiều? Thậm chí có nhiều trường hợp, cán bộ lại ăn thông với chủ để được hưởng lợi nhuận chống lại công nhân.

Vì vậy nhà nước đã tìm mọi cách để trì hoãn việc đưa ra Quốc Hội dự thảo Luật lập hội vì sợ công nhân sẽ đòi quyền được thành lập Nghiệp đoàn độc lập.

Bây giờ, đảng lại công khai muốn thao túng cả Doanh nghiệp tư nhân để nắm công nhân thì cái gọi là “nhà nước pháp quyền” của đảng có vi phạm Hiến pháp không?

Bằng chứng muốn ăn trùm đã thấy ghi trong Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân:"Bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở."

Không những thế, đảng còn chỉ thị Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi tay sai được: "Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp trong phát triển kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, làm tốt vai trò tổ chức đại diện, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho các hội viên."

Như vậy thì bầy ra trò ve vãn kinh tế tư nhân để làm gì nếu không phải là vừa ăn cháo vừa đá bát trên sức lao động và mồ hôi nước mắt của công nhân trong các Doanh nghiệp tư nhân?

Hành động như thế thì không phải là mê sảng hay sao ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? -/-

(06/017)

No comments:

Post a Comment