Tuesday, April 11, 2017

Chuyện nông dân nhờ sinh viên bán dưa hấu

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2017-04-11  
Một điểm sinh viên bán dưa giúp bà con nông dân Quảng Ngãi.
Một điểm sinh viên bán dưa giúp bà con nông dân Quảng Ngãi.  RFA photo
Ở vấn đề thứ nhất, bởi Việt Nam là xứ sở có thời tiết rất phù hợp để cây dưa hấu phát triển. Chính vì vậy, chất lượng và chủng loại dưa cũng phong phú. Giá dưa hiện tại tiêu thụ trong nước cũng tương đối cao với mặt bằng chung là 5 ngàn đồng mỗi ký lô. Thế tại sao dưa của nông dân Quảng Ngãi bán ra thị trường cũng với giá 5 ngàn đồng thì phải nhờ đến sinh viên thiện nguyện?
Chất lượng nông sản kém
Một khách hàng mua dưa tên Mai chia sẻ: “Dưa này không được ngon nhưng thương mấy đứa sinh viên nên mua giùm. Chứ dưa này họ đưa qua Trung Quốc bán, khi mà Trung Quốc không mua mới đưa về lại mình, nhờ mấy đứa sinh viên đi bán, nên tôi rất chi là thương mấy đứa sinh viên."
Bà Mai cho biết thêm là chất lượng dưa của nông dân Quảng Ngãi rất kém, không ngọt, màu không đỏ như dưa nơi khác và nhìn chung là không hấp dẫn. Điều này làm bà nhớ đến nải chuối mà bà đã mua ủng hộ nông dân Đồng Nai khi bà thăm con gái ở Sài Gòn. Bà chưa bao giờ gặp một loại chuối ba hương có chất lượng kém như nải chuối bà đã mua với giá cao vì nghĩ rằng đây là mua ủng hộ. Và trái dưa hấu bà mua bây giờ cũng vậy, giá nó cao ngang với những trái dưa có chất lượng tốt trên thị trường.
Như vậy, vô hình trung, những bạn trẻ làm thiện nguyện bị biến thành những con người tiêu thụ rác nông nghiệp trong trò chơi đỏ đen với thương lái Trung Quốc mà một số nông dân Việt Nam đã lựa chọn. Bởi lẽ cả dưa và chuối mà bà Mai đã mua đều có chung đặc tính là trọng lượng nặng hơn so với các giống dưa, chuối khác, năng suất cao hơn, số lượng trái nhiều hơn nhưng lại cho chất lượng kém hơn.
Và người nông dân đã chọn chủng loại giống này để xuất cho Trung Quốc theo yêu cầu của họ. Khi các thương lái Trung Quốc lật kèo, không mua nữa thì loại nông sản này chỉ đem đổ chứ không thể tiêu thụ nơi thị trường Việt Nam được. Lúc không thể bán được cho người trong nước với giá bình thường như mọi trái cây khác, người ta bắt đầu kêu cứu và nhờ đến các nhóm thiện nguyện. Và người mua cũng vì thương nông dân, thương các nhóm thiện nguyện mà mua chứ không có mấy ai hài lòng về chất lượng thứ mà mình mua về. Đó là sự thật!
Trong khi đó, với tinh thần trẻ trung, nhiệt huyết và chia sẻ, hầu hết các sinh viên khi nghe tin người nông dân gặp khó khăn thì chẳng từ nan bất cứ việc gì, sẵn sàng xắn tay giúp đỡ.
Một bạn sinh viên tên Hải, bán dưa hỗ trợ bà con nông dân, chia sẻ: “Tụi em rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của nông dân Quảng Ngãi. Họ đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn khi dưa không bán được. Tụi em muốn góp sức trẻ của mình để giúp nông dân vượt qua khó khăn này. Mong mọi người cũng chung tay giúp đỡ. Về giá ở đây thì chỉ 4 ngàn đồng mỗi ký. Nếu bán được bao nhiêu thì đưa lại cho người dân hết. Chi phí thì tụi em tự lo.”
Bạn nữ sinh viên tên Diệp, chia sẻ thêm: “Tụi em rất vui, nhất là khi bán được trái nào. Mỗi ký thì giá 4 ngàn, bán được bao nhiêu thì tụi em đưa lại cho người dân, không lấy tiền lời. Chi phí ăn uống, vận chuyển thì tụi em tự lo. Tụi em cũng có thể bán đắt hơn hoặc rẻ hơn, vì bán theo tinh thần tự nguyện nên cũng có nhiều người trả giá cao hơn. Tụi em làm trên tinh thần thiện nguyện.”
Nông dân nên rút kinh nghiệm
620-duahau-400.jpg
Giống dưa nông dân Quảng Ngãi trồng. RFA photo
Theo hai bạn trẻ này, việc học tập của các bạn rất bận rộn nhưng vì tinh thần lá lành đùm lá rách, vì thương những người nông dân khốn khó, thua lỗ và nghĩ đến tương lai học hành của con cái trong gia đình họ nên các bạn tạm gác việc học hành trong vài ngày để làm thiện nguyện, đi bán dưa giúp bà con nông dân.
Và mùa thi học kì đang đến, mất vài ngày để bán dưa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc ôn luyện bài thi. Nhưng các bạn vẫn quyết tâm giúp đỡ bà con nông dân vì các bạn tin rằng với lời kếu gọi “mỗi trái dưa một tấm lòng” sẽ giúp bà con đỡ khốn khổ trong vụ mùa này. Bởi dưa chín nếu bán không kịp sẽ thối và chỉ cần một trận mưa giông kéo qua thì sau một đêm, dưa nứt khắp ruộng, không xài được nữa.
Sau buổi trò chuyện với các bạn sinh viên bán dưa hỗ trợ bà con nông dân tại các điểm bán dưa rải rác khắp miền Trung, chúng tôi thật sự mừng vì vẫn có rất nhiều bạn trẻ nhiệt thành và biết nghĩ cho người khác. Nhưng cũng qua đây, chúng tôi xin gửi đến giới hữu trách Việt Nam lời khuyên: Các vị nên rút kinh nghiệm, khuyến cáo nông dân nên trồng loại nông sản nào để đảm bảo không bị Trung Quốc chơi xỏ nữa.
Và người nông dân cũng nên rút kinh nghiệm, trồng những loại nông sản có chất lượng tốt để phục vụ thị trường Việt Nam, đừng trồng trọt kiểu ăn xổi để chơi với thương lái Trung Quốc, đến khi bị họ lật kèo thì cầu cạnh đến lòng tốt của các bạn trẻ. Bởi lòng tốt không phải lúc nào cũng có sẵn để nâng đỡ cho những cú ngã của người thiếu cẩn thận và coi thường đôi chân của mình!
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/farmers-call-student-f-sell-water-melon-ttvn-04112017081316.html/04112017-tbanduahau-tvn.mp3

No comments:

Post a Comment