HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) thuộc trường đại học Kinh Tế, Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, hoạt động của “các ngành công nghiệp đang suy giảm một cách bất thường.”
Theo báo Lao Ðộng, trong “Báo Cáo Kinh Tế Việt Nam Quý 1 Năm 2017” do VEPR công bố chiều 10 Tháng Tư tại Hà Nội, viện này giải thích, sở dĩ mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam không như kỳ vọng, chỉ đạt 5.1% so với cùng kỳ năm ngoái là vì hoạt động của các ngành công nghiệp đều suy giảm.
Mức độ tăng trưởng chung của các ngành công nghiệp trong quý 1 năm nay chỉ có 3.85% – mức thấp nhất trong vòng sáu năm qua.
Một yếu tố khác khiến mức độ tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 năm nay thấp là kim ngạch xuất cảng của các doanh nghiệp do ngoại quốc đầu tư trực tiếp (FDI) giảm.
Tại buổi công bố báo cáo này, ông Nguyễn Ðức Thành, viện trưởng VEPR, cảnh báo có nhiều dấu hiệu cho thấy mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm. Chẳng hạn FDI đang giảm cả về giá trị đăng ký đầu tư lẫn giải ngân. Một phần có thể do TPP (Hiệp Ðịnh Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương) thất bại, phần khác do dòng vốn FDI đang có xu hướng chảy sang các quốc gia khác của khối ASEAN như: Indonesia, Thái Lan,…
Một điểm đáng chú ý là khả năng đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam vào kim ngạch xuất cảng đang tiếp tục giảm – chỉ còn 28%/năm. Ðiều đó chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam càng ngày càng thất thế trong quá trình mở rộng hội nhập quốc tế và mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI.
Tổng Cục Hải Quan từng cho biết, sản phẩm do các doanh nghiệp ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam chiếm đến 70% kim ngạch xuất cảng của bốn tháng đầu năm 2016. Nhiều loại sản phẩm như dệt may, giày dép,… vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xuất cảng, nay cũng đã phải nhường chỗ cho sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp FDI.
Báo Người Lao Ðộng dẫn chứng, đã có rất nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ lâm nguy nếu phụ thuộc vào FDI, nhưng chính quyền Việt Nam không bận tâm vì họ thích số liệu cao về mức độ tăng trưởng hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, tuy khả năng thu hút FDI là một trong những yếu tố hỗ trợ xác định triển vọng phát triển kinh tế của một quốc gia nhưng khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc gần như hoàn toàn vào FDI thì đó lại là chuyện rủi nhiều hơn may.
Tin từ báo Công Thương cho biết, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% giá trị xuất cảng của Việt Nam. Năm 2015 các doanh nghiệp FDI nhập cảng khoảng $97.9 tỷ, chiếm khoảng 60% giá trị nhập cảng của Việt Nam và góp phần đáng kể vào việc tạo ra thặng dư thương mại là $17 tỷ cho kinh tế Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam từng tỏ ra rất lạc quan với những con số đó, bất chấp trong năm 2015, có 80,000 doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam phá sản, xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động, theo báo điện tử VNExpress.
Các báo cáo về tình hinh kinh tế – xã hội do Tổng Cục Thống Kê thực hiện và công bố, liên tục lặp đi, lặp lại nhận định, môi trường sản xuất-kinh doanh tiếp tục không thuận lợi, tình hình hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam càng lúc càng nhiều khó khăn.
Cũng vì vậy, tuy giá trị hàng hóa xuất cảng tăng nhưng đó là do giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp FDI tăng, còn giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam liên tục giảm. Càng ngày, mức độ chi phối của các doanh nghiệp FDI đến kinh tế Việt Nam càng lớn.
Theo báo Lao Ðộng, bây giờ, sự suy giảm trong hoạt động của Samsung tại Việt Nam trong quý vừa qua đã làm mức độ tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 năm 2017 khác xa kỳ vọng. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment