Tuesday, April 11, 2017

Vốn đầu tư của Trung Quốc là vấn nạn lớn cho Việt Nam

Dự án Quý Xa-Lào Cai, liên danh giữa Tổng Công Ty Thép Việt Nam với một doanh nghiệp Trung Quốc, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng vì đối tác Trung Quốc hành xử không giống ai. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vốn đầu tư của Trung Quốc là vấn nạn lớn cho Việt Nam, là cảnh báo của ông Trương Ðình Tuyển, cựu bộ trưởng Thương Mại, tại buổi thảo luận về những vấn đề liên quan tới kinh tế vĩ mô trong quý 1 năm nay vừa tổ chức tại Hà Nội chiều 10 Tháng Tư.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, một thống kê về vốn đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2014 mà Cục Ðầu Tư Nước Ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư công bố khi đó xác định, Trung Quốc đứng thứ chín trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 1,029 dự án, tổng vốn dự trù khoảng hơn $7.8 tỷ.

Nay, báo Thanh Niên dẫn tin từ ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, tại một diễn đàn thảo luận về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, diễn ra hồi đầu Tháng Ba ở Sài Gòn, thì hai tháng đầu năm nay bảng xếp hạng các quốc gia có vốn FDI vào Việt Nam đã đổi chỗ.
Theo đó, đứng đầu nhóm 61 quốc gia trình dự án đầu tư vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2017 là Singapore và kế đó là Trung Quốc. Nam Hàn, quốc gia thường dẫn đầu về FDI vào Việt Nam, hiện bị đẩy xuống hàng thứ ba.
Ông Thiên cho biết, các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất xơ sợi, nhựa,… qua hai hình thức là đầu tư trực tiếp và mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, trong vòng chưa đầy ba năm, từ quốc gia đứng thứ chín, Trung Quốc đã vượt qua Nam Hàn và Nhật để trở thành quốc gia đứng thứ hai về lượng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Ðó cũng là lý do khiến không chỉ ông Trương Ðình Tuyển mà nhiều chuyên gia kinh tế khác tỏ ra bất an.
Tin từ báo điện tử Một Thế Giới cho biết, trong cuộc thảo luận về “Báo Cáo Kinh Tế Việt Nam Quý 1 Năm 2017” do Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Và Chính Sách (VEPR) thuộc trường đại học Kinh Tế, Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, tổ chức chiều 10 Tháng Tư, ông Tuyển nhấn mạnh, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn bị chi phối do “tư duy nhiệm kỳ” (cách Việt Nam gọi kiểu suy nghĩ và hành xử bất chấp hậu quả lâu dài miễn là đạt được “thành tích” trong nhiệm kỳ mà mình làm lãnh đạo để báo công) và điều đó có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại từ các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Ðức Thành, viện trưởng VEPR, đồng tình với những rủi ro tiềm ẩn mà ông Tuyển cho rằng phải kiểm soát dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Ông cho biết dòng vốn đầu tư của Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam sau khi TPP (Hiệp Ðịnh Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương) gặp trục trặc. Theo nhận định của ông, giá nhân công tại Trung Quốc tăng cao và nhanh, chẳng phải giới đầu tư các quốc gia khác muốn rút khỏi Trung Quốc mà ngay cả doanh giới Trung Quốc cũng muốn chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông, dù không phân biệt đối xử nhưng phải ý thức rằng, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc mang theo nhiều rủi ro vì công nghệ lạc hậu, cách thức làm ăn thiếu minh bạch.
Ông nói rằng, do Trung Quốc không đề cao các nguyên tắc đạo đức, các nhà đầu tư Trung Quốc không giống như giới đầu tư của các quốc gia khác (cam kết không thỏa hiệp với tham nhũng) nên sẽ không giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư. Ông khẳng định, có quá nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc là một “mối nguy về lâu dài.”
Cũng theo báo điện tử Một Thế Giới, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, lưu ý một khía cạnh khác, hàng hóa Trung Quốc vốn có nhiều điều tiếng. Ðây là một trong những lý do khiến doanh giới Trung Quốc đầu tư vào các quốc gia khác. Trong thực tế, Trung Quốc đã chuyển những hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam, rồi mới xuất cảng những sản phẩm ấy từ Việt Nam đi các nơi với xác nhận “Made in Vietnam.” Việt Nam hiện đang là điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc vào thị trường thế giới. Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi còn tai tiếng thì Việt Nam gánh.
Bà lưu ý viễn cảnh, giới đầu tư của các quốc gia khác sẽ rút khỏi Việt Nam để khỏi bị va lây. Ðồng thời chia sẻ thêm, nhiều quốc gia Phi Châu đang đau đầu với hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại đó. Họ gọi Trung Quốc là “thực dân mới.” Do vậy, theo bà, Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam là “điều đáng lo.” (G.Ð)

No comments:

Post a Comment