HÀ NỘI (NV) – Nhà nước Cộng Sản Việt Nam vừa công bố chiến lược kiểm soát nợ nần. Theo đó sẽ siết chặt việc đứng ra bảo lãnh cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vay mượn.
Việt Nam vốn đã chìm sâu trong nợ và dường như sẽ chìm sâu hơn vì các khoản mà chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vay mượn, hoặc đứng ra vay trực tiếp rồi cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vay lại.
Vào thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, Hà Nội khăng khăng phủ nhận các khoản vừa kể là nợ nần nhưng gần đây, Bộ Tài Chính buộc phải rung chuông báo động. Theo đó, tính đến cuối năm 2015, tổng số nợ mà chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vay đã lên tới $21 tỷ. Khoản này tương đương 17.6% tổng nợ quốc gia và tương đương 11.1% GDP.
Cũng đến lúc này, Bộ Tài Chính Việt Nam mới thú nhận, nợ được bảo lãnh trong giai đoạn từ 2011 – 2015, tăng gấp ba lần giai đoạn từ 2007 – 2010. Nghĩa vụ đối với các khoản nợ mà chính phủ Việt Nam bảo lãnh đang trở thành áp lực càng ngày càng lớn.
Đó cũng là lý do Bộ Tài Chính Việt Nam đề nghị xem xét kỹ lưỡng các dự án để hạn chế việc chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh, thậm chí trong năm nay, tạm dừng bảo lãnh vay tiền để thực hiện các dự án mới nhằm “bảo đảm an toàn.”
Theo chiến lược kiểm soát nợ nần thì từ nay đến 2020, chính phủ Việt Nam sẽ không để các khoản nợ mà họ bảo lãnh vượt qua mức 12% GDP. Tuy nhiên người ta chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ làm thế nào khi vào lúc này, các khoản tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vay mượn được chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh đã xấp xỉ 11% GDP và nếu không được bảo lãnh để vay nợ hoặc được vay lại từ chính phủ Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước sẽ… tắc tử?
Cũng cần nói thêm rằng, nhà nước Việt Nam đã cũng như sẽ đang phải trả nợ thay cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vì… trót bảo lãnh.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, cục phó Cục Quản Lý Nợ và Tài Chính Đối Ngoại của Bộ Tài Chính Việt Nam, xác nhận, chính phủ Việt Nam đã phải trả nợ thay cho hàng loạt dự án xây dựng các nhà máy xi măng: Đồng Bành (Lạng Sơn), Tam Điệp (Ninh Bình), Hoàng Mai (Nghệ An), Hạ Long (Quảng Ninh).
Cũng theo lời ông Hải thì vì dự án nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) không có khả năng thu hồi vốn nên chính phủ Việt Nam cũng đang phải trả nợ thay.
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do công ty phát triển công nghiệp và vận tải thuộc Tổng Công Ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 3,000 tỷ đồng, công trình này bị bỏ hoang suốt mười năm qua vì không thể vận hành.
Không thấy ông Hải đề cập đến trách nhiệm trả nợ thay cho hàng loạt dự án khác (nhà máy Đạm Ninh Bình – Ninh Bình, nhà máy xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Dung Quất – Quảng Ngãi, công trình mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 – Thái Nguyên, nhà máy đạm DAP 1 – Lào Cai, nhà máy đạm DAP 2 – Hải Phòng, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Bình Phước – Bình Phước, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Phú Thọ – Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất – Quảng Ngãi, nhà máy gang thép Lào Cai) đã ngốn hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng cũng không hiệu quả.
Ông Hải chỉ đề cập đến “khả năng phải trả nợ thay” cho Vinashin (tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam) 63,000 tỷ đồng, bao gồm cả nợ mà chính phủ Việt Nam từng đứng ra bảo lãnh lẫn nợ mà chính phủ Việt Nam đứng ra vay ngoại quốc rồi cho Vinashin vay lại. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment