BẾN TRE (NV) – Ðó là chuyện đang xảy ra tại Ba Tri, Bình Ðại, Giồng Chôm,… thuộc tỉnh Bến Tre, Tân Phú Ðông thuộc tỉnh Tiền Giang và có thể sẽ diễn ra tại nhiều nơi khác ở đồng bằng sông Cửu Long.
Giống như năm trước, nước biển tiếp tục xâm nhập vào sông, rạch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ sau Tết âm lịch, ruộng vườn những khu vực gần biển giờ đã nhiễm mặn, không thể trồng lúa. Không thể bỏ hoang ruộng vườn, nông dân các huyện Ba Tri, Bình Ðại, Giồng Trôm,… ở Bến Tre đành bỏ lúa, trồng cỏ cho bò ăn.
Lão nông Nguyễn Văn Sâu, ngụ tại huyện Giồng Trôm, bảo với tờ Tuổi Trẻ rằng, năm ngoái, ông làm 17 công ruộng nhưng vì đất nhiễm mặn thành ra lúa chỉ đủ cho vịt ăn. Năm nay, ông lấy 6/17 công trồng cỏ để nuôi bò. Trong tương lai, ông sẽ lên liếp để trồng dừa.
Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bến Tre, cho biết, bởi ruộng vườn nhiễm mặn, riêng tại hai huyện Ba Tri và Bình Ðại đã có 350 hecta ruộng bỏ trồng lúa để trồng cỏ. trồng dừa.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại huyện Tân Phú Ðông thuộc tỉnh Tiền Giang. Trưởng phòng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của huyện Tân Phú Ðông, xác nhận, đa số nông dân ở huyện này đã ngưng trồng lúa để trồng sả.
Trưởng phòng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang, nơi mỗi năm làm ra hơn một triệu tấn lúa, tương đương 25% tổng sản lượng lúa của tỉnh Kiên Giang cũng bảo rằng, vì nước mặn xâm nhập sâu. nơi này đang tính đến chuyện giảm diện tích trồng lúa, cải tạo ruộng để trồng các loại rau trái.
Mùa mưa ở miền Nam Việt Nam thường kết thúc vào đầu Tháng Mười Một nhưng vừa qua, sau Tháng Mười Một, ở miền Nam Việt Nam vẫn có nhiều trận mưa lớn kéo dài cho đến cuối Tháng Hai. Ðáng nói là mưa lớn kéo dài nhưng miền Nam Việt Nam vẫn thiếu nước. Số liệu được các trạm quan trắc đặt dọc sông Mekong (từ Trung Quốc, Lào, đến Thái Lan, Cambodia) ghi nhận cho thấy mực nước sông Mekong thấp hơn mức trung bình từ 0.25 mét đến 1.5 mét.
Nói cách khác, do nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít hơn nhiều so với bình thường, mùa khô sắp tới, dân chúng miền Nam Việt Nam vẫn phải đối diện với tình trạng nước ngọt bị thiếu hụt trầm trọng và tất nhiên, nước mặn từ biển vẫn tiếp tục xâm lấn sâu vào đất liền.
Cần nhắc lại rằng, từ Tháng Hai đến Tháng Sáu năm ngoái, dân chúng khu vực đồng bằng sông Cửu Long từng phải đối diện với đợt hạn hán trầm trọng chưa từng có. Do mức nước ở sông rạch tụt xuống, nước biển đã xâm nhập sâu vào đất liền với mức độ gấp đôi bình thường.
Người ta ước đoán khoảng 160,000 hecta lúa tại đồng bằng sông Cửu Long bị hư hại, làm mất trắng khoảng 800 triệu tấn lúa và có ít nhất 1.5 triệu nông dân phải gánh chịu hậu quả. Cũng vì thiếu nước tưới và do tác động của nước mặn, có khoảng 500,000 hecta ruộng nữa không thể trồng lúa vì thiếu nước. Ðó là chưa kể rất nhiều loại cây khác bị hư hại do nước mặn. Nước quá mặn còn là nguyên nhân khiến nhiều loại thủy sản chết hàng loạt. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment