Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Biển Đông ngày càng căng thẳng và khốc liệt. Trung Quốc không ngừng bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn, đường băng cho chiến đấu cơ và cơ sở quân sự cho tàu chiến, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, hủy hoại môi trường sinh thái biển. Lên án, phẫn nộ…nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi: Trung Quốc lấy đâu ra lượng cát khổng lồ để bồi đắp số đảo này? Ai đã tiếp tay cho anh bạn hàng xóm phương Bắc “làm mưa làm gió”, uy hiếp và không ngừng củng cố sức mạnh quân sự trên Biển Đông?
Trung Quốc dùng cát – lãnh thổ của Việt Nam để bồi đắp đảo, xây tiền đồn quân sự trên Biển Đông
Nói đến bồi đắp đảo, chúng ta đều biết nguyên liệu chính mà Trung Quốc sử dụng là “cát”, nhưng cát hút lên từ đáy biển thì không thể dùng trong xây dựng vì có muối. Để bồi đắp hàng km2 đảo đá nhân tạo cũng như xây dựng các công trình quân sự đi kèm như hiện nay, ắt hẳn lượng cát này phải cực kỳ khổng lồ…Vậy thì, Trung Quốc lấy cát ở đâu?
Chắc chắn, với tham vọng và bản tính tham lam, Trung Quốc không bao giờ ngu ngốc tự “cắt” một phần lãnh thổ để đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, điều đó cũng giống như ta tự cắt ngón tay để đắp thành bàn chân có 6 ngón. Mà họ sẽ vung tiền mua “lãnh thổ”, thậm chí là “cướp” từ các quốc gia lân cận bằng mọi thủ đoạn.
Có ai đã tự hỏi những xà lan cỡ lớn chứa đầy cát liên tục vào ra Vịnh Cam Ranh, khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam sẽ đi đến đâu hay không? Có ai đã tự hỏi tại sao dọc theo đất nước Việt Nam hình chữ S, nơi nào cũng có hàng chục doanh nghiệp khai thác cát, thậm chí hoạt động bất chấp sự truy quét từ phía lực lượng chức năng và phản đối của người dân? Tại sao nhu cầu cát lại lớn đến thế? Xin thưa, sau thời gian điều tra của PV, những tàu cát này phần lớn đều được đại diện phía đầu nậu Trung Quốc thu gom, bất kể là số lượng bao nhiêu và giá cả thế nào. Bởi vì với Trung Quốc, tiền là thứ họ không thiếu, đặc biệt là khi Việt Nam lại là con nợ lớn bao nhiêu năm qua. Thứ họ cần là cát, là “lãnh thổ” của Việt Nam mà thôi.
Cát không chỉ là khoáng sản, là vật liệu xây dựng, mà cần phải hiểu sâu sắc hơn, đó là lãnh thổ. Việc khai thác cát không những gây sạt lở, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân; mà nguy hại hơn là đe dọa đến an ninh quốc gia, khiến lãnh thổ bị thu hẹp ở góc độ diện tích đất tự nhiên.
Vùng biển nước ta đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long bị mất 5km2 mỗi năm do sạt lở. Dọc theo các khu vực nạo vét cát trên cả nước, cuộc sống người dân khó khăn hơn trước, nhà cửa bị hư hỏng nặng, thậm chí đổ sập xuống sông và trôi theo dòng nước. Khai thác cát vô tội vạ gây sạt lở đã khiến lãnh thổ nước ta bị thu hẹp ở góc độ diện tích đất tự nhiên.
Trong khi đó, Trung Quốc lại dùng chính lãnh thổ Việt Nam để mở rộng lãnh thổ, thực thi yêu sách vô lý của mình. Cát hút lên từ Việt Nam đang được Trung Quốc thu gom để xây dựng, kiến tạo các đảo nhân tạo, xây các tiền đồn quân sự trên biển, dùng làm “bàn đạp” chiếm Biển Đông, thậm chí là tấn công, uy hiếp Việt Nam khi “thời cơ” đến.
Trong khi lãnh thổ Việt Nam bị sạt lở, bào mòn nghiêm trọng …
Thì Trung Quốc lại dùng chính “lãnh thổ” Việt Nam bồi đắp đảo nhân tạo trên biển Đông
Hàng ngày hàng giờ, chúng ta không ngừng hô hào yêu nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, phản đối Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, nhưng đã làm gì khi kẻ thù vào tận nhà xẻo đất để bồi đắp cho các đảo của họ? Chẳng phải vì tham tiền, vì cái lợi trước mắt mà người ta đang tự tay cắt đất, bán “lãnh thổ” Việt Nam cho giặc hay sao? Trung Quốc có bành trướng được trên biển Đông, nếu không có cát hút từ Việt Nam làm nền móng vững chắc?
Trong khi diện tích đất tự nhiên Việt Nam ngày càng thu hẹp, thì Trung Quốc không ngừng bành trướng trên Biển Đông. Trong khi ông cha ta và các chiến sĩ không tiếc xương máu ngày đêm bảo vệ từng tấc đất biên giới, từng tấc lãnh hải trên biển Đông, thì một bộ phận không nhỏ trong chúng ta lại vì cái lợi trước mắt mà cam tâm bòn rút “lãnh thổ” dâng cho Trung Quốc. Đừng trách ai cả, chỉ trách chúng ta quá tham lam, mờ mắt vì đồng tiền.
Theo VnBlue
No comments:
Post a Comment