Wednesday, March 1, 2017

EU ép Việt Nam cải thiện nhân quyền trước FTA

Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên tòa xét xử nhà hoạt động Cấn Thị Thêu ở Hà Nội, 20/9/2016.
Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên tòa xét xử nhà hoạt động Cấn Thị Thêu ở Hà Nội, 20/9/2016.
Theo VOA-01/03/2017
Việt Nam đang chịu sức ép từ các nhà lập pháp châu Âu về cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi thỏa thuận thương mại tự do với Liên hiệp Âu châu (EU) được phê chuẩn. Chính phủ cộng sản rất coi trọng thỏa thuận này sau khi hỏng một thỏa thuận lớn do Mỹ đứng đầu.
Các thành viên Nghị viện châu Âu hồi cuối tháng 2 bày tỏ quan ngại về Việt Nam khi Tiểu ban nhân quyền của họ đến thăm quốc gia Đông Nam Á. Tiểu ban khuyến nghị cần có thêm tranh luận ở Việt Nam về quyền chính trị cũng như tự do ngôn luận và tôn giáo.
Châu Âu quan ngại về nhân quyền ở Việt Nam
Vị chủ tịch tiểu ban nói ở Hà Nội rằng nếu không đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt của châu Âu về nhân quyền, việc phê chuẩn hiệp định thương mại sẽ khó khăn. Chính phủ Việt Nam chưa hồi đáp trực tiếp về phát biểu này.
Hiệp định được ký kết hồi tháng 12 năm 2015 và dự kiến có hiệu lực vào năm tới. Nhưng hiệp định phải đi qua Nghị viện châu Âu cũng như các cơ quan lập pháp của các nước thành viên. Khi các nhà lập pháp tại Bỉ xem xét hiệp định hồi tháng 1, một số người đã đặt câu hỏi về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ông Frederick Burke, luật sư của công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: "Họ có một việc rất khó khăn trước mắt là phải đi qua 27 quốc hội mới biết có được phê chuẩn gì không. Để được tất cả những nơi đó phê duyệt là cả một thách thức".
Châu Âu muốn tiếp cận người tiêu dùng Việt, còn Việt Nam tìm cách độc lập kinh tế khỏi Trung Quốc
Liên hiệp châu Âu muốn có thỏa thuận thương mại với Việt Nam để các công ty của họ có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu dùng ngày càng giàu có hơn với khoảng 93 triệu dân. Hiệp định này cũng nhắm đến một mục tiêu là cuối cùng sẽ có thỏa thuận thương mại tự do giữa EU với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam muốn có thỏa thuận này, với tư cách là một quốc gia dựa vào xuất khẩu đang phát triển và mong muốn đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn là một đối thủ chính trị lâu đời.
TPP chết vào thời chính quyền ông Trump
Việt Nam từng là một thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về lý thuyết, hiệp định sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trên thực tế, hiệp định đã “chết” sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra hồi tháng Giêng.
Thương mại EU-Việt Nam đạt khoảng 40,1 tỷ đôla mỗi năm. Việt Nam đánh giá Liên hiệp châu Âu, một thị trường có khoảng 500 triệu dân, là đối tác thương mại thứ 3 của mình sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư Khách hàng tại Ủy ban Chứng khoán SSI tại Hà Nội, cho biết: "Nếu hiệp định được phê duyệt sớm, sẽ tốt hơn nhiều. Càng sớm càng tốt đối với Việt Nam".
Hiệp định tự do thương mại với châu Âu giúp cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam
Bà Phương nói: "Chắc sẽ không có vấn đề gì vì hiệp định đã được ký kết. Tôi nghĩ rằng mọi người kỳ vọng vào TPP nhiều nhất, nhưng vì TPP đã không được hiện thực hóa, FTA này sẽ có ích. Đối với các ngành như dệt may, chúng tôi xuất khẩu sang châu Âu rất nhiều".
Thỏa thuận này sẽ cắt giảm hầu hết các loại thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm và mở cửa của Việt Nam cho các dịch vụ của châu Âu như y tế, đóng gói và tổ chức triển lãm.
Gần một năm trước chuyến thăm Việt Nam của tiểu ban nghị viện, tổ chức Pháp có tên Phong trào Thế giới vì Nhân quyền đã cáo buộc Liên hiệp châu Âu không tiến hành nghiên cứu về tác động đối với nhân quyền.
Có đòi hỏi mạnh mẽ về nhân quyền nhưng từ ngữ không quyết liệt bằng TPP
Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Mauro Petriccione cho biết trong một tuyên bố hồi năm ngoái là FTA giữa EU và Việt Nam bao gồm "các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ các quyền cơ bản của con người tại nơi làm việc, nhân quyền của họ trên bình diện rộng hơn, và môi trường".
Nhưng ông Burke nói từ ngữ trong hiệp định của châu Âu không quyết liệt bằng nội dung tương ứng trong TPP.
TPP đòi hỏi về những thay đổi trong luật lao động Việt Nam theo hướng có lợi cho công đoàn nhằm chấm dứt bóc lột lao động, và buộc ngành công nghiệp nặng trả tiền bồi thường nếu việc kiểm soát ô nhiễm kém cỏi gây ra tác động đến thương mại, kèm theo là những kẻ vi phạm phải đối mặt với mức thuế bổ sung.
Ông nói: "FTA EU đã không được soạn thảo rõ ràng như TPP. Bản thân từ ngữ không có ép buộc thực thi như TPP. Nó dựa nhiều hơn vào thiện chí và những người mong muốn thực hiện các việc".
Vi phạm nhân quyền tiếp tục ở Việt Nam
Tổ chức Human Rights Watch của Mỹ nói chính quyền Việt Nam sách nhiễu và bỏ tù các blogger cũng như các nhà hoạt động chính trị. Họ nói công nhân không thể thành lập nghiệp đoàn riêng của họ, trong khi nông dân bị mất đất cho các dự án phát triển.
Về mặt chính thức, Việt Nam là nước vô thần. Theo nhóm đấu tranh nhân quyền Mỹ Open Doors, trong khoảng 8 triệu Kitô hữu ở Việt Nam, đôi khi có một số người bị bắt do nói lên đức tin của họ, bởi vì chính phủ coi tôn giáo của họ là "có liên hệ mật thiết với các thế lực ngoại bang".
Ông Carl Thayer, một học giả về Việt Nam và giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales ở Úc, nói để làm hài lòng các nhà lập pháp châu Âu, Việt Nam có thể sẽ thông qua một số luật hoặc thả một vài tù nhân lương tâm mà không thực hiện những thay đổi cơ bản.
Ông lưu ý rằng Hà Nội đã thay đổi về những gì họ được yêu cầu trước khi được tham gia TPP. Ông nói các nhà hoạt động nhân quyền có thể vẫn chỉ trích Việt Nam, nhưng các quan chức Mỹ đã hài lòng.
Ông nói: "Câu trả lời thật sự là Việt Nam sẽ cưỡng lại, nhưng thay vì lần lữa, giống như họ đã làm với Hoa Kỳ, họ đi đến một loại tạm ước".

No comments:

Post a Comment