Sản xuất xe tải tại tỉnh Ninh Bình (ảnh: Sài Gòn Báo)
Tại buổi công bố khảo sát của JETRO (Tổ Chức Xúc Tiến Thương Mại Nhật Bản) hôm 14-2, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại Sài Gòn cho biết đang có chiều hướng doanh nghiệp Nhật sẽ sản xuất xe hơi tại Thái Lan, Indonesia rồi nhập cảng sang Việt Nam, thay vì đầu tư nhà máy trực tiếp ở Việt Nam, nhất là sau năm 2018 khi thuế nhập cảng xe hơi giảm.
Hiện Nhật Bản có 4 hãng sản xuất xe hơi tại Việt Nam là Honda, Toyota, Suzuki và Mazda. Quy mô thị trường xe hơi Việt Nam mỗi năm khoảng 250,000 chiếc, trong khi ở Thái Lan khoảng 2 triệu chiếc. Dây chuyền sản xuất của một hãng trung bình phải đạt khoảng 200,000 chiếc/năm thì mới có lời.
Hiện thị trường Việt Nam mỗi năm bán ra khoảng 250,000 chiếc xe, nhưng “miếng bánh” thực chất đang bị chia nhỏ cho các hãng, nên sẽ không có lợi nhuận nhiều. Vì thế, sẽ không có lợi khi tiếp tục sản xuất, mà nên nhập cảng xe hơi từ Thái Lan, Indonesia qua trong điều kiện thuế giảm.
Cụ thể, từ năm 2018, thuế nhập cảng xe nguyên chiếc chỉ còn 0%, nhưng thuế nhập cảng linh kiện lại từ 10% đến 30%.
Vòng luẩn quẩn hiện nay ở Việt Nam là muốn phát triển công nghiệp xe hơi, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng. Muốn vậy, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần duy trì được sự tồn tại của các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi. Không có lắp ráp, không thể có sản xuất linh kiện.
Các quan chức Việt Nam đòi hối lộ cũng làm phiền lòng nhà đầu tư Nhật Bản. “Dịp trước Tết nguyên đán vừa qua, các doanh nghiệp Nhật phản ánh phải chi khoản phí không chính thức. Dù điều này ở Việt Nam là bình thường nhưng không phải thông lệ quốc tế. Do đó, nếu Việt Nam muốn bằng với các nước trong khu vực cần phải thay đổi, xử lý triệt để điều này”, ông Takimoto Koji đã nói như vậy.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment