Dư luận trong nước những ngày qua đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh khối tài sản hàng trăm tỷ đồng mà gia đình thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu.
Các tờ báo lớn cũng như mạng xã hội nêu lên những nghi vấn về sự minh bạch trong việc kiểm tra thông tin tài sản của Thứ trưởng bộ Công Thương. Theo tin của truyền thông trong nước, bà Thoa hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 672 tỷ đồng tại công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang.
Bà Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bộ Công Thương vào năm 2010 và trước đó công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang trong 18 năm, theo VTC News. Bà Thoa từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.
Trước những nghi vấn của dư luận, bộ Công Thương hôm 10/2 đã chính thức thông tin liên quan đến khối tài sản khổng lồ của bà Thoa. Bộ này cho biết “số cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi bà được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Công thương.”
Nhưng theo một chuyên gia kinh tế, nghi vấn của công luận có phần đúng bởi người dân cần được biết các công chức nhà nước, và nhất là các lãnh đạo đang sở hữu những tài sản nào, và nguồn gốc tài chính của tài sản đó.
"Ủy ban kiểm tra Trung Ương Đảng nên có việc là kiểm tra xem xét và đề nghị bà (Thoa) giải trình. Với tiền lương thì chắc chắn không thể nào mua được khối cổ phiếu như vậy. Vậy thì từ những nguồn nào và bằng cách gì mà bà (Thoa) lại có được một số lượng cổ phiếu lớn như thế. Ngoài ra thì gia đình nhà bà ấy cũng có một số (lượng) cổ phiếu rất lớn ở công ty Điện Quang. Vậy thì việc cổ phần hóa đã thực hiện như thế nào và cổ phần đó đã được mua đi bán lại ra làm sao."
Theo cựu viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương Lê Đăng Doanh, luật cổ phần hóa quy định “ưu đãi bán cho lao động trong doanh nghiệp” và cần xem xét liệu việc mua đi bán lại cổ phần của doanh nghiệp này.
Bà Thoa bị chú ý sau khi báo chí phanh phui rằng thứ trưởng Thoa có liên quan tới việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC, người đang bị truy nã quốc tế. Trong thời gian ông Thanh làm chủ tịch PVC từ 2009 đến 2013, công ty này đã thua lỗ 150 triệu đô la.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói:
"Với tư cách là 1 thứ trưởng lãnh đạo bộ Công Thương và cả lãnh đạo xí nghiệp Điện Quang mà bà (Thoa) có một khối lượng cổ phiếu lớn như vậy thì theo điều mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nói là phải đề phòng, phải đấu tranh với những hiện tượng suy thoái, thoái hóa, biến chất. Thế thì đây là một hiện tượng gì? Và sẽ phải xử lý việc này như thế nào? Hay là cứ để việc đó coi như là bình thường và không ai có ý kiến gì cả hay sao? Đấy là điều mà tôi nghĩ là hiện nay dư luận rất quan tâm."
Việc kê khai tài sản cá nhân của các viên chức và lãnh đạo nhà nước luôn được coi là một thủ tục không minh bạch. Báo chí trong nước đồng loạt nêu lên mối quan tâm của dư luận về những hạn chế trong việc kiểm soát tài sản của các quan chức và tính minh bạch trong việc kê khai, giám sát tài sản của cán bộ nhà nước.
Ông Doanh nhận định:
"Trong tình hình ở Việt Nam thì thu nhập ở đâu và nguồn gốc như thế nào thì hiện nay là chưa rõ ràng. Và nếu mà chưa rõ ràng như vậy thì từ trường hợp này có nên rút kinh nghiệm để có sự quản lý nguồn thu và tài sản hay không? Hiện nay có kiểm soát gì đâu. Người ta cứ kê khai như thế còn thì tại sao người ta lại giàu đến như thế thì không có ai xem xét nguồn gốc tại đâu cả."
Theo VnEconomy, một người anh trai của bà Thoa, ông Hồ Đức Lam, đang nắm giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông. Báo điện tử của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam cho biết người Ông Hồ Đức Lam sở hữu khối tài sản chứng khoán trị giá 290 tỷ đồng, và có các con trai giữ những chức vụ quan trọng tại Nhựa Rạng Đông.
Cả Điện Quang và Nhựa Rạng Đông đều đã thực hiện cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán.
No comments:
Post a Comment