Tuesday, February 14, 2017

Viết cho những người không có đạo - như tôi

Phạm Đoan Trang -  ...Đừng nghĩ rằng các linh mục thích “đội lốt tôn giáo để làm chính trị”, hay là “ăn tiền hải ngoại” để kích động dân làm loạn. Đẻ ra các luận điệu ấy là những kẻ đê tiện, còn nếu tin vào các luận điệu ấy, thì bạn không chỉ đê tiện mà còn ngu xuẩn; bạn không hiểu gì về tôn giáo và rõ ràng là cũng không có ý định tìm hiểu. Chỉ xin bạn nhớ điều này: Sức mạnh bạo lực của một chính quyền không thể ngăn chặn cái ác, nhưng tôn giáo thì có thể. Chính vì thế, một chính quyền khôn ngoan phải biết khuyến khích tôn giáo hoặc đơn giản là để yên cho tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh và đạo đức của dân chúng. Ngược lại, một nhà nước đàn áp tôn giáo, chia rẽ nhân dân, thì chắc chắn nó sẽ sụp đổ và đội ngũ lãnh đạo của nó phải trả nghiệp rất thảm khốc...

*

Tôi không phải người Công giáo. Tôi cũng không phải Phật tử. Tóm lại, tôi không có đức tin tôn giáo nào, và tôi biết điều đó chẳng hay ho gì - con người luôn cần có một cõi nào đó trong tinh thần để hướng họ về cái thiện và ngăn họ làm điều xấu. Không có đức tin thật ra cũng là một sự bất hạnh, nhất là ở hoàn cảnh Việt Nam thời loạn như bây giờ. 

Nhưng cũng là vì hoàn cảnh Việt Nam, mà việc thực hành một tôn giáo nào đó trở thành... phức tạp. Chùa nào lớn cũng có chi bộ, có an ninh “hướng dẫn” sinh hoạt. Nhà thờ nào lớn cũng vậy thôi: An ninh chìm nổi lảng vảng tối ngày, camera, thiết bị nghe trộm giăng khắp nơi. 

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự hoạt động tích cực của tuyên giáo. Cho đến năm 2003, chính quyền vẫn nhất quán xem tôn giáo như kẻ thù; các sách giáo khoa dạy trong nhà trường đều gọi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Từ năm 2003, với Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12/3, đảng Cộng sản mới dịu giọng hơn một chút, bớt hằn thù một chút, chỉ nói “tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài”. Ngay cả câu ấy vẫn hàm ý “tôn giáo là vấn đề đấy nhé, mà đã là vấn đề thì trước sau cũng phải xử lý. Chẳng qua là bọn tao buộc phải chấp nhận chúng mày thôi”. 

Chế độ cai trị của cộng sản luôn có đóng góp to lớn của đội ngũ tuyên truyền viên, dư luận viên. Trong hàng chục năm qua, đội ngũ này đã lập thành tích đáng kể trong việc phá hoại về căn bản uy tín của tôn giáo và cách ly, cô lập các cộng đồng tôn giáo với xã hội, nhất là các “đạo của Tây”. Bộ máy tuyên truyền luôn tác động, nhào nặn để dân thường nghĩ về Công giáo, Tin Lành như những tôn giáo vọng ngoại, mất gốc, thời xưa là theo chân thực dân đế quốc bán nước, thời nay là cực đoan, ôm chân Vatican, gây rối... 

Cho đến bây giờ, bên lương vẫn nhìn vào bên đạo với ánh mắt e dè, kỳ thị, cảnh giác, hoặc đầy ác cảm. 

Cuối năm vừa qua, khi chúng tôi vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để ghi hình một phóng sự về thảm họa Formosa, phỏng vấn bà con xóm đạo thì không sao nhưng hễ hỏi “nhầm” một người dân ở xóm lương thì ngay lập tức sẽ nhận lại những câu hỏi đầy cảnh giác: “Làm gì đấy?”, “Phóng viên báo nào đấy?”, “Thẻ nhà báo đâu?”. 

Chúng tôi hiểu ngay là họ đã được chính quyền địa phương ở đây “giáo dục”, “nắm tư tưởng”, quán triệt” kỹ lưỡng từ trước rồi. Hẳn là vẫn luận điệu: Hiện nay thế lực thù địch đang lợi dụng sự cố môi trường ở miền Trung để kích động gây rối, lật đổ chế độ, yêu cầu bà con nâng cao cảnh giác, thấy người lạ phải chủ động điều tra và/hoặc báo cáo ngay... 

Đảng Cộng sản vẫn luôn như thế. Cho dù họ cũng phải ăn cá như ai, họ cũng phải hít thở không khí và du lịch biển như ai, chưa nói là ngân sách nhà nước (của họ) còn trông chờ vào kinh tế biển, nhưng họ vẫn không tiếc tiền cho công tác chống phá tôn giáo và tuyên truyền, định hướng dư luận, để dư luận phải nghĩ rằng thảm họa biển miền Trung chỉ là một “sự cố môi trường” mà thôi, và những người đi đấu tranh đuổi Formosa thì chỉ là một bộ phận “dân Công giáo” bất mãn, gây rối. 

Bôi nhọ tôn giáo, chia rẽ lòng người, phá hoại xã hội dân sự là nghề của đảng rồi. 

Tôi cũng đã từng giữ một cái nhìn không mấy thiện cảm với Công giáo và Tin Lành, như hàng triệu người dân khác bị tuyên truyền. Bên cạnh đó, tôi cũng gặp phải một vài người có đạo mà khá bất dung, khiến tôi đã e ngại càng e ngại hơn. 

Nhưng muốn bớt sợ ai đó, ta chỉ có một cách là phải hiểu họ hơn. Sự thấu hiểu sẽ mở đường cho cảm thông. 

Sau vài năm, tôi cũng không còn cảm giác e dè, sợ sệt khi tiếp xúc với bà con Công giáo, Tin Lành nói riêng và những người có đức tin nói chung nữa. 

Và tôi cũng đã được gặp những người mà sau đó, tôi rất yêu mến họ. 

Như linh mục Nguyễn Đình Thục. 

* * * 

CHA THỤC 

Mùa đông năm 2016, khi truyền thông vẫn dồn dập như bão táp với từng sự kiện trôi qua mỗi ngày, và vụ Formosa tưởng như đã chìm xuồng, cha Thục lại một mình lặn lội bên Đài Loan, tìm hiểu về Formosa và vận động giới chức Đài lưu tâm đến thảm họa biển Việt Nam, trong đó Formosa là thủ phạm chính. 

Có lần cha gửi cho tôi hình cha chụp một tấm danh thiếp của một quan chức Đài Loan nào đó; cha hỏi tôi chức vụ của ông này là gì, để cha tìm gặp ông ta. 

Đó là một nhân vật ở Bộ Ngoại giao Đài Loan. Và cha lúc đó chỉ có một mình ở Đài Bắc, không ai giúp đỡ phiên dịch, mà lại đang cần gấp, nên mới gọi về hỏi tôi. 

Tôi thấy muốn khóc: “Trời ơi, xã hội gì mà loạn lạc đến một ông cha xứ cũng phải đi tìm đường cứu dân thế này?”. 

Lúc ấy, tự nhiên tôi nhớ đến bác Trần Văn Huỳnh, cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức, đi vận động quốc tế cho con trai. Bác mặc áo khoác đen, đi lù rù trong trời tuyết. Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông già 77 tuổi loay hoay với chiếc valy, đứng lọt thỏm giữa sân bay rộng mênh mông, sau khi chia tay mọi người ở Mỹ để một mình qua Úc. Trên phi trường nườm nượp người qua lại, trông bác đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé thêm, và cô đơn. 

Tôi cũng nhớ đến một nhà sư vừa chạy thoát khỏi vụ Bát Nhã. Tôi nhớ cảnh ông ngồi đệm đàn guitar bài "Đưa em tìm động hoa vàng" cho một nhóm thanh niên hát, trong đó có tôi. Một vị hòa thượng đệm đàn cho thanh niên hát tình ca gần suốt đêm, hết sức giản dị và đời thường, dù chính ông chỉ vừa thoát khỏi bàn tay đàn áp của chính quyền cách đó chưa lâu. Với tôi, hình ảnh ấy quá đẹp và thánh thiện, đủ xóa sạch mọi nghi kỵ của tôi về Phật giáo "Làng Mai", "Bát Nhã"... 

Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh cha Thục, cha Lai, cha Nam, cha Thanh, và nhiều linh mục khác, trong những cuộc trò chuyện, luôn bồn chồn lo nghĩ về thảm họa môi trường, về cuộc sống, sinh kế và cả tinh thần của hàng trăm nghìn người dân “hậu Formosa”. 

Tôi như hình dung ra và sẽ không thể quên hình ảnh cha Thục, cha Hùng lặn lội trên xứ người giữa mùa đông giá rét, tìm đủ mọi cách để cảnh báo giới chức Đài Loan về thảm họa mà Formosa đang gây ra ở Việt Nam. 

Cũng như hôm nay, là hình ảnh cha Thục mặc áo chức màu đen, dẫn đầu đoàn người tuần hành từ Nghệ An ra Hà Tĩnh. Vẫn là gương mặt hiền khô ấy, cái nhìn đầy ưu tư ấy. Nếu ở một thể chế khác, một xã hội khác, cha đã có thể chỉ lo việc đạo, chăm lo tinh thần cho con dân xứ mình, chứ đâu phải nặng lòng với những vấn đề môi trường, thực phẩm, sinh kế của dân... như thế này. 

Đừng nghĩ rằng các linh mục thích “đội lốt tôn giáo để làm chính trị”, hay là “ăn tiền hải ngoại” để kích động dân làm loạn. Đẻ ra các luận điệu ấy là những kẻ đê tiện, còn nếu tin vào các luận điệu ấy, thì bạn không chỉ đê tiện mà còn ngu xuẩn; bạn không hiểu gì về tôn giáo và rõ ràng là cũng không có ý định tìm hiểu. 

Chỉ xin bạn nhớ điều này: Sức mạnh bạo lực của một chính quyền không thể ngăn chặn cái ác, nhưng tôn giáo thì có thể. Chính vì thế, một chính quyền khôn ngoan phải biết khuyến khích tôn giáo hoặc đơn giản là để yên cho tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh và đạo đức của dân chúng. 

Ngược lại, một nhà nước đàn áp tôn giáo, chia rẽ nhân dân, thì chắc chắn nó sẽ sụp đổ và đội ngũ lãnh đạo của nó phải trả nghiệp rất thảm khốc. 


No comments:

Post a Comment