(GDVN) - Dù địa bàn xuất hiện hàng loạt điểm dạy thêm chưa có phép, nhưng bà Chủ tịch phường Cầu Kho không nghiêm túc tiếp thu, mà lại đi tố những điều không đáng.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm tràn lan, tiêu cực trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài viết phản ánh tình trạng này tại rất nhiều quận huyện.
Ngoài địa bàn quận Bình Tân, thì thời gian gần đây, địa bàn phường Cầu Kho – quận 1 cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân khi để tồn tại hàng loạt điểm dạy thêm, cho thuê phòng dạy thêm chưa cấp phép.
Đó là điểm ở căn nhà nằm trong hẻm số 459 đường Trần Hưng Đạo của một giáo viên Trường Minh Đức quận 1, điểm nằm trong hẻm 391 đường Trần Hưng Đạo (hiện giờ) của bà Nguyễn Thị Diện và tại Trung tâm học tập cộng đồng phường (hẻm 491 đường Trần Hưng Đạo) cho giáo viên thuê phòng dạy thêm.
Điều đáng nói, qua xác minh từ địa phương, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng này cũng chính là Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho – ông Vũ Xuân Việt.
Việc để xảy ra hàng loạt điểm dạy thêm không phép trên địa bàn như vậy, đáng lý ra, với vai trò là Chủ tịch UBND phường, bà Châu Phụng Chi phải nghiêm túc tiếp thu những góp ý của dư luận, giải quyết những vấn đề còn tồn tại trên địa bàn mà mình là người đứng đầu bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế thì bà Chi lại không làm như vậy khi ký một văn bản gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều cơ quan khác tố lại những điều nhỏ nhặt, không đáng.
Căn cứ vào văn bản số 32, được bà Châu Phụng Chi ký ngày 16/1/2017, với yêu cầu làm rõ nội dung đăng trong bài báo “Một Phó Chủ tịch phường ở Quận 1 tự nhận nắm bắt pháp luật kém”.
Toàn cảnh UBND phường Cầu Kho - quận 1, TP.Hồ Chí Minh hiện nay (ảnh: P.L) |
Theo văn bản này, bà Chi cho rằng, tiêu đề của bài báo đang cố tình xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ông Vũ Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho.
Bởi lẽ, bà Chi nói trong bài viết chỉ nói đến chi tiết ông Việt không nắm rõ Luật Báo chí mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 bằng phóng viên thôi.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào sáng ngày 11/1/2017, để tìm hiểu rõ ràng, khách quan việc dạy thêm học thêm tràn lan trên địa bàn phường, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trụ sở UBND phường Cầu Kho để xin gặp, làm việc với lãnh đạo phường về việc này.
Khi đó, qua điện thoại, chính bà Chi đã giới thiệu cho phóng viên gặp ông Vũ Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách Văn xã đang có mặt tại trụ sở.
Sau khi trình thẻ nhà báo đúng theo quy định của Nhà nước, ông Vũ Xuân Việt đã yêu cầu phóng viên xuất trình giấy giới thiệu, nhưng sau khi nghe mục đích, nội dung đến làm việc, ông Vũ Xuân Việt bất ngờ yêu cầu phóng viên cần có giấy giới thiệu chi tiết gửi UBND phường, và gửi kèm câu hỏi trước để chuẩn bị.
Khi phóng viên giải thích theo Luật Báo chí mới, phóng viên có thẻ nhà báo thì không cần giấy giới thiệu nữa, ông Việt tự nhận mình không thể nắm được Luật Báo chí bằng các anh (phóng viên) rồi.
Ngoài ra, chính ông Việt khi đó còn giải thích thêm rằng, quy trình tiếp báo chí này là do được đi tập huấn về, nên mới áp dụng theo.
Theo một Luật sư của Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, Luật Báo chí hay bất cứ Luật, Nghị định, Nghị quyết, văn bản…là đều nằm trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, do các cơ quan ở trung ương ban hành, nên đương nhiên nắm Luật Báo chí cũng là nắm kiến thức pháp luật.
Cần phải nói thêm, trong một bài báo thì tiêu đề không thể nào phản ánh đầy đủ nhất các nội dung ở bên trong, mà muốn nắm được, người đọc cần đọc hết cả nội dung bên trong bài.
Như vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định rằng, tiêu đề bài báo nói trên viết như vậy là hoàn toàn không vu khống, không xuyên tạc và cũng không xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân ông Việt, mà đây chính là những gì diễn ra trong thực tế, tại cuộc làm việc giữa phóng viên và ông Vũ Xuân Việt.
Cũng trong văn bản số 32, bà Châu Phụng Chi còn nói tấm ảnh đăng kèm theo bài viết được bà Chi nói là đã cũ kỹ, nhếch nhác từ những năm trước, cố tình xúc phạm uy tín của cơ quan mà hiện nay bà Chi đang là người đứng đầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, tấm ảnh này được phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn từ 1 trang báo khác và có dẫn nguồn đúng theo quy định hiện hành.
Ảnh cũng chỉ là cổng bên ngoài của trụ sở UBND phường Cầu Kho, chứ không phải quang cảnh ở bên trong, giống như bà Chi nói trụ sở có niêm yết thủ tục công khai rõ ràng, sạch sẽ.
Trong bối cảnh phường Cầu Kho có rất nhiều điểm dạy thêm không phép bị phản ánh, việc Chủ tịch UBND phường Cầu Kho ký văn bản với những nội dung như vậy, không thể khiến cho dư luận băn khoăn: Phải chăng bà Châu Phụng Chi đang muốn bao che, dung túng cho các sai phạm của cấp dưới?.
Hay bà Chi làm như vậy để làm giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân của mình, khi để trên địa bàn xảy ra hàng loạt điểm dạy thêm không phép mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong thời gian vừa qua.
Cách hành xử như của bà Châu Phụng Chi, liệu có đúng với tư cách của một người lãnh đạo địa phương trước những bức xúc của người dân?
Tại sao trước các phản ánh sai phạm rõ ràng thì bà Chi không tiếp thu, khắc phục mà lại tìm cách đổ vạ, đổ vấy với mục đích gì nếu không phải là để trốn tránh trách nhiệm quản lý yếu kém?
Các câu hỏi này, chúng tôi xin được gửi tới lãnh đạo UBND quận 1, UBND thành phố Hồ Chí Minh để tìm câu trả lời.
No comments:
Post a Comment