HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền CSVN mở một loạt hoạt động ngoại giao nổi bật ngay những ngày đầu năm 2017 vừa kiếm thêm hậu thuẫn vừa cố bám lấy chính sách du đây giữa hai đại cường Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Khi Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh tiếp tục duy trì “16 chữ vàng” và “4 tốt” thì Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đến Hà Nội trấn an. Ông Trọng vừa về thì tiếp ngay Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đến đưa bàn tay chống lưng cho chế độ.
Khi ở Bắc Kinh từ 12 đến 15 Tháng Giêng, 2017, ông Nguyễn Phú Trọng chứng kiến đại diện của đôi bên ký 15 văn kiện hợp tác và ghi nhớ từ thương mại đến an ninh quốc phòng. Trước khi ông về, một bản tuyên bố chung rất dài ca ngợi “mối tình” Trung-Việt thắm thiết “nhất trí cho rằng, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, tăng cường tin cậy lẫn nhau, củng cố hơn nữa tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.”
Một số nhà phân tích cho rằng qua bản tuyên bố chung, người ta thấy Hà Nội có vẻ “mềm” hơn đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông với Bắc Kinh. Họ tin rằng vì Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ tương lai bất định trong khi một số nước ASEAN quay mặt sang Bắc Kinh như Philippines, Thái Lan, Malaysia đã làm Hà Nội cảm thấy thế yếu.
Ông John Kerry trong những ngày cuối cùng ở cương vị ngoại trưởng, tuy không gặp ông Trọng, nhưng đã gặp ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều chức sắc khác bầy tỏ sự lạc quan là chính sách của Nước Mỹ đối với Việt Nam không tùy thuộc vào một ông tổng thống hay một chính phủ nào.
Ông Kerry của đảng Dân Chủ cùng với Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa John McCain là những người có công rất lớn trong tiến trình nối lại bang giao giữ hai kẻ cựu thù.
Rồi Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đến Hà Nội ngày 16 Tháng Giêng, 2017, loan báo cấp cho Việt Nam khoản tín dụng khoảng gần $340 triệu giúp đóng cho nước này 6 tàu tuần tra biển bên cạnh khoản vay ưu đãi khoảng $1 tỷ cho một số dự án hạ tầng khác.
Đây không phải là lần đầu Hà Nội có các hành động biểu diễn chủ trương đu dây giữa các đại cường cũng như mở rộng tìm kiếm hậu thuẫn ở các nơi khác. Tháng Mười năm ngoái, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đi Bắc Kinh họp sau khi đã tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mà dịp này, Ấn Độ đã cấp cho Hà Nội thêm khoản tín dụng quân sự 500 triệu ngoài khoản $100 triệu để đóng 4 tàu tuần tra biển.
Gần đây, có tin CSVN điều đình với Ấn Độ để mua một số hỏa tiễn phòng không tầm trung Akash liền bị Bắc Kinh bắn tiếng giận dữ đe dọa nên không rõ vụ này có thể tiến hành ra sao.
Hồi Tháng Hai năm ngoái, khi còn là thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đến Sunnylands, California, cùng với các lãnh tụ ASEAN khác họp với tổng thống Mỹ. Ngay đó, Tập Cận Bình đã triệu đại sứ CSVN ở Bắc Kinh đến nhắc nhở là Việt Nam và nước Trung Quốc “cùng chung một định mệnh” nên phải tăng cường hợp tác và quản lý đúng cách (theo ý Bắc Kinh) các tranh chấp chủ quyền.
Đến Tháng Năm, khi Tổng Thống Barack Obama có chuyến thăm viếng lịch sử tại Việt Nam, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng CSVN đã phải đến Bắc Kinh gặp Ngoại Trưởng Vương Nghị (Wnag Yi) bên lề cuộc họp cấp ngoại trưởng Trung Quốc ASEAN. Theo tin tức, dịp này ông Phạm Bình Minh đã phải giải tỏa các quan tâm của Bắc Kinh về Biển Đông và đã phải cam kết tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Chỉ điểm qua một số biến cố như thế, người ta dễ nhận ra chủ trương của Hà Nội vừa cố duy trì trò đu dây giữa Washington và Bắc Kinh, vừa cố tìm thêm hậu thuẫn từ những nơi khác. Không những Hà Nội ký thỏa hiệp “đối tác chiến lược” với 5 trong 6 thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc mà còn làm như vậy với 11 nước khác. Có người đã phê bình là “lạm phát” đối tác chiến lược. (TN)
No comments:
Post a Comment