SÀI GÒN (NV) – Năm nay, tuy chỉ tiêu phải thu đối với thuế nội địa tăng 20% so với năm ngoái nhưng giới lãnh đạo thành phố Sài Gòn vẫn tuyên bố “sẽ hoàn thành chỉ tiêu rất nặng nề này”!
Khi thảo luận về hoạt động của Cục Thuế Sài Gòn, ông Trần Vĩnh Tuyến, một phó chủ tịch của thành phố Sài Gòn than rằng, năm nay, khoản thuế nội địa phải thu theo chỉ tiêu mà Bộ Tài Chính ấn định còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên ông Tuyến nói thêm rằng vì “trung ương cũng đang khó khăn nên TP.HCM sẽ cố gắng.”
Theo ông Tuyến thì để có thể thu 226,482 tỉ đồng theo chỉ tiêu mà Bộ Tài Chính đề ra, trong tháng đầu tiên của năm nay, Cục Thuế Sài Gòn phải thu được ít nhất 27,000 tỉ đồng, có như vậy mới có thể hoàn thành chỉ tiêu của quí 1, “tạo đà để đạt chỉ tiêu cả năm.” Ông ta cam kết rằng chính quyền thành phố Sài Gòn “sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ đạo các quận, huyện hỗ trợ” để Cục Thuế Sài Gòn thu đủ số thuế được giao.
Ông Bùi Văn Nam, tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế phân bua rằng, năm nay, nhiệm vụ của toàn ngành thuế rất nặng nề. Năm nay, chỉ tiêu phải thu đối với thuế nội địa trong toàn quốc tăng 9.5% so với năm ngoái.
Cần nhắc lại rằng, so với năm 2015, trong năm 2016, Cục Thuế Sài Gòn đã thu tới 188,875 tỉ đồng đối với thuế nội địa, vượt 6.35% so với chỉ tiêu và tăng 18.72% so với tổng thu đối với thuế nội địa của cả năm 2015.
Cơ quan này lý giải, khoản thu từ thuế nội địa của năm 2016 vượt chỉ tiêu như mới kể là nhờ nhiều sắc thuế chính đã được điều chỉnh về mức thuế phải nộp. Nhờ vậy, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng 52.19%, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 45.52%, thuế giá trị gia tăng tăng 13.62%, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 9.59%.
Ðể có thể tận thu nhiều hơn, chính quyền thành phố Sài Gòn đang chỉ đạo chính quyền các quận huyện “vận động” các gia đình đang kinh doanh ăn uống, nhà thuốc tây,… đăng ký thành lập doanh nghiệp!
Những “giải pháp” vừa kể được xem như một kiểu “giật gấu, vá vai” và nhiều chuyên gia tin rằng chúng sẽ đẩy Việt Nam lún sâu vào vòng luẩn quẩn: Bội chi liên tục, gia tăng vay nợ, gia tăng tận thu, doanh nghiệp kiệt sức nên khai phá sản, xin ngưng hoạt động, các nguồn thu sụt giảm.
Các nghiên cứu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy, thuế và các loại phí mà chính quyền Việt Nam đặt định đã ngốn tới 40.8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi mà hệ thống ngân hàng buộc doanh nghiệp phải trả khi cần vay vốn cũng cao thuộc loại nhất khu vực vì doanh nghiệp bị buộc phải gánh cả những chi phí do nợ xấu (những khoản nợ chủ yếu là cho các doanh nghiệp nhà nước vay sau đó không có khả năng thu hồi) và nợ nần của chính phủ. Chưa kể những khoản lót tay và những rủi ro đủ loại vì môi trường kinh doanh không an toàn. Do chính quyền Việt Nam đặt ra mục tiêu là từ nay đến năm 2020 phải có từ 1.5 triệu đến hai triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến cáo, muốn thế, phải gỡ bỏ gánh nặng thuế và phí. Nếu tiếp tục tận thu thì doanh nghiệp không thể hồi phục và phát triển, lâu dài không thể tạo và giữ các nguồn thu cho ngân sách.
Những khuyến cáo đó không được quan tâm vì chính quyền Việt Nam chỉ muốn có “tiền tươi” ngay lập tức! (G.Ð)
No comments:
Post a Comment