Thông tín viên RFA tại Việt Nam 2017-01-18
Người dân tưởng niệm những chiến sĩ hải quân bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 với hải quân Trung Quốc. Ảnh chụp hôm 19/1/2014 tại Hà Nội. AFP photo
Cách đây đúng 43 năm, ngày 19/1/19744, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị rơi vào tay Trung Quốc sau khi lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thất thủ trước đợt tấn công từ phía hải quân Trung Quốc.
Suốt một thời gian dài, trận hải chiến lịch sử đó không được nhà cầm quyền Hà Nội đề cập đến một cách chính thống. Trong mấy năm gần đây, một số nhân sĩ, trí thức và giới hoạt động trong nước công khai tưởng niệm tri ân 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải bỏ mình trong cuộc chiến giữ biển đảo của tổ quốc đó. Tuy nhiên hoạt động vinh danh những người lính anh dũng hy sinh vì lãnh thổ quốc gia như thế không những không được ủng hộ mà còn bị cản phá mạnh mẽ.
Ngày 14 tháng 1, nghệ sỹ Kim Chi công khai trên mạng xã hội Facebook thư ngỏ kêu gọi cả nước tham gia những hoạt động nhằm tưởng nhớ đến những anh hùng tử sĩ đã hi sinh mạng sống để bảo vệ đất nước qua ít nhất ba cuộc chiến gần nhất là hải chiến Hoàng Sa, cuộc chiến biên giới phía bắc và trận Gạc Ma.
Tại khu vực miền nam, sau đó không lâu cũng có thông báo thắp hương cho các tử sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974.
Chúng ta không biết ơn những người ngã xuống thì còn biết ơn ai?
- Nghệ sĩ Kim Chi
Nghệ sĩ Kim Chi trình bày lý do công khai thư ngỏ:
“Chúng ta không biết ơn những người ngã xuống thì còn biết ơn ai? và khi chúng ta tôn vinh những người đó có nghĩa là nhắc nhớ con cháu, những người nối tiếp phải tiếp tục sự nghiệp đó, nên tôi nghĩ đã là người Việt Nam uống nước phải nhớ nguồn do đó xuất phát từ tinh thần chúng tôi làm thư ngỏ kêu gọi tinh thần đó.”
Cựu chiến binh Phan Trọng Khang cũng có ý kiến về việc cần phải có cuộc tưởng niệm như thế.
“Dù ai chăng nữa, đảng phái nào chăng nữa đã là người Việt Nam thì phải biết trân trọng những tính mạng xương máu của đồng bào mình đã hy sinh vì sự trọn vẹn của tổ quốc chúng ta.”
Tuy nhiên, các hoạt động nhằm tưởng nhớ công ơn của những người lính đã hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa cũng như nằm xuống trong những trận chiến bảo vệ tổ quốc khác thường bị phía nhà cầm quyền cản trở.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi kể lại thực tế xảy ra đối với buổi lễ tưởng niệm, vào năm ngoái ở Hà Nội.
“Tôi, chính tôi từng đi những cuộc như thế ở Hà Nội và từng bị các dư luận viên đánh phá xấc xược nhảy vào nói láo nói bậy, rồi giằng những khẩu hiệu băng rôn của chúng tôi.”
Chính quyền lo sợ gì?
Nhận định về lý do vì sao cơ quan chức năng lúc đầu cử những nhóm được mệnh danh là ‘dư luận viên’ đến phá; và gần đây chính công an sắc phục ra mặt ngăn chặn các nhóm tổ chức lễ tưởng niệm chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc trong ba cuộc chiến Hoàng Sa, biên giới phía bắc và Gạc Ma; anh Nguyễn Chí Tuyến nói:
“Sau khi Hội nghị Thành Đô 1990 thì phía nhà cầm quyền không muốn nhắc đến những cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược cũng như bành trướng của nhà cầm quyền TQ, nên nhà cầm quyền VN hiện tại đều có những động thái là không muốn cho người dân làm những việc như vậy, mặc dù những việc đó theo quan điểm cá nhân tôi cũng như nhiều người dân là việc chính đáng.”
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cũng có nhận định:
“Tôi cho rằng họ rất sợ các nhà hoạt động dân sự mà họ không kiểm soát được nên họ ngăn chặn họ tìm cách dẹp ngay từ đầu bởi vì những hoạt động xã hội dân sự đó một sẽ xảy ra biểu tình, hai gắn kết mọi người và những người khi lên tiếng phản đối họ nhiều quá thì họ khó cai trị đất nước.”
Tôi cho rằng họ rất sợ các nhà hoạt động dân sự mà họ không kiểm soát được nên họ ngăn chặn họ tìm cách dẹp ngay từ đầu...
- Lã Việt Dũng
Tương tự là ý kiến của cựu chiến binh Phan Trọng Khang:
“Họ muốn ngăn chặn này là tạo ra ranh giới giữa những người Việt Nam ở chính quyền khi xưa và những người Việt Nam hiện nay đang ở trong nước, hay nói khác đi là không trân trọng sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ của Việt Nam mình dù bất kể ở chiến tuyến nào mà người ta lo cho đất nước Việt Nam thì đây là điều không chính đáng.”
Trước biện pháp ngăn chặn của chính quyền Hà Nội và cơ quan chức năng đối với những nhân sĩ, trí thức và giới hoạt động xã hội trong những hoạt động vinh danh anh hùng- liệt sĩ bỏ mình để bảo vệ tổ quốc, nữ nghệ sĩ Kim Chi đưa ra cảnh báo về nguy cơ đang hiện rõ:
“Trong suy nghĩ của tôi, một chế độ mà sử dụng những con người không có tấm lòng không có trình độ thì tôi rất mừng vì sự tồn tại đó không được lâu nữa đâu, khi xử dụng những con người như thế để bảo vệ một chế độ.”
Vào ngày 17 tháng 1, chỉ hai hôm trước ngày kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa; một số nhà hoạt động tại Sài Gòn đến Nghĩa Trang Bình An ở Bình Dương làm lễ tưởng niệm những anh hùng bỏ mình cho đất nước, họ bị lực lượng công an đến gây khó như thường gặp bấy lâu nay.
No comments:
Post a Comment