Cách đây 30 năm, tôi chứng kiến một người hái trộm bưởi. Đó là những năm giữa thập niên 1980, rồi sau đó, những năm giữa thập niên 2010, tin người ta ăn trộm bưởi da xanh vào dịp cận Tết, bước qua hai thế kỉ, bước qua nhiều sự thay đổi và phát triển, dường như thói quen ăn trộm không những được loại bỏ mà nó còn phát triển mạnh hơn, đáng sợ hơn so với thế kỉ trước!
Chuyện trộm bưởi trước đây 30 năm, hồi đó vừa xong thời kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã, vừa qua thời mà mẹ tôi phải dậy lúc 4 giờ để đi xếp hàng nhận lương thực tem phiếu, tôi phải lẽo đẽo theo mẹ để cùng xếp hàng, để lỡ nếu mẹ có đi đâu thì tôi đứng trông chừng xấp tem phiếu và giữ vị trí thứ tự (và trong một lần, do dậy quá sớm, sợ tôi mất giấc ngủ, mẹ không gọi tôi, bữa đó mẹ bị đau bụng, kết quả là nguyên một bộ tem phiếu còn 11 tháng chưa nhận đã bị mất mặc dù mẹ tôi đã chồng vào chỗ qui định. Mẹ tôi hỏi thì các bà lương thực sưng sỉa ngay: “Chị không có chồng tem phiếu vào đây. Vị trí chị ở chỗ nào? Chị mới vào sau, làm gì có tem phiếu trong chồng!”. Nguyên một năm gia đình tôi không có lương thực, mẹ tôi phải lén lút bán từng chỉ vàng để mua thức ăn ngoài ‘chợ đen’). Hồi đó, nạn trộm cắp cũng không phải là ít. Nhưng cách trộm cắp khác xa so với bây giờ.
Tôi nhớ là tài sản gia đình tôi có đúng một con heo nặng gần một tạ, một cây bưởi đang rộ trái và một giàn trầu. Con heo gần một tạ đó phải chờ đến khi nhà nước tổ chức mua thì mới được chở lên sân hợp tác xã để cân ký và đợi vài tháng sau thì nhà nước chuyển tiền về hợp tác xã, rồi hợp tác xã thông báo để người bán heo lên nhận tiền. Mức tiền bao nhiêu thì không ai được biết, nói chung là tùy vào hợp tác xã trả mà nhờ chứ chẳng có giá chung nào để mà tin là mình bán được con heo thì được số tiền a, b, c nào đó. Bán heo thời đó khổ còn hơn thứ gì!
Còn cây bưởi và giàn trầu thì bà chờ đến lứa lại hái bán, riêng cây bưởi, chỉ bán được những trái xanh, mởn vào mùa Tết, mùa bình thường thì chỉ hái ăn cho vui, ai xin thì bà tôi hái cho vài trái chứ chẳng bán được, không có giá trị và cũng chẳng ai mua mặc dù đây là cây bưởi năm roi, ngọt và ngon có tiếng trong vùng. Tôi còn nhớ tháng Chạp năm 1990. Lúc đó mới bước qua kinh tế thị trường, nhà tôi cũng chưa có điện, xóm làng tối om trong những ngày cuối năm. Tối đó là 25 tháng Chạp, nhà tôi vừa ăn cơm xong thì nghe tiếng chó sủa gắt chỗ gốc bưởi. Tôi lẻn ra chỗ ảng nước quan sát và thấy một cái bóng đen đang ngồi trên cây bưởi. Tôi quay vào nhà, lấy cây súng nhựa (trông rất giống súng thật) và cái đèn pin. Ra tới nơi, tôi pin đèn pin lên và quát to: “Bước xuống, trèo nhẹ nhàng, không tao bắn!”. Dường như người ngồi trên cây bưởi bị khiếp, tôi quát tiếp: “Mày mà còn ngồi trên đó thì tao nổ súng!”. Vừa nói tôi vừa hươ cây súng nhựa vào trước đèn pin.
Người ngồi trên cây bưởi rón rén vừa tránh né mấy chùm gai bưởi vừa trụt xuống, gần tới gốc, tôi chỉa thẳng súng vào người đó và dọi đèn pin vào mũi súng và anh ta, tôi quát tiếp: “Mày mà chạy là tao nổ súng ngay!”. Lúc này tôi nghe tiếng khóc òa lên: “Mày ơi tao lạy mày đừng bắn tao, tao là thằng Đ. Đây, tao với mày là bạn mà, mày thương tao, ngày mai Tết rồi mà tao không có gạo… Tao lạy mày!”.
Lúc này tôi vừa sợ thằng Đ. Nó phát hiện là súng giả và nổi khùng với tôi, vừa thương thằng Đ. Nhưng tôi cũng quát: “Đ., mày đứng im tại chỗ. Mày muốn tao không bắn thì đứng im đó để tao đi cất súng rồi tự ra về. Mày phải mang luôn mấy trái bưởi này ra khỏi nhà tao ngay tức khắc!”. Thắng Đ. Không đợi tôi “cất súng” mà cúi xuống nhặt mấy trái bưởi rồi co giò chạy, nó vừa chạy vừa hét to: Tạo lạy máy đừng bắn tao!”. Cái tiếng hét thất thanh của một thằng bạn lớn hơn tôi vài tuổi, có vợ quá sớm, có con rồi đi cuốc đất thuê, bữa được bữa mất, phải đi ăn trộm, phải van nài bạn mình đừng bắn… trong cái đêm tháng Chạp đó ám ảnh tôi đến giờ. Bây giờ thằng Đ., bạn tôi đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo, mỗi khi thắp nhang nó, tôi mua một trái bưởi để xin lỗi nó và cố gắng nói với nó là “Hồi đó vì tao sợ quá, nên mang cây súng nhựa ra để dọa chứ tao làm gì có súng. Mày đừng buồn tao nghe Đ.”.
Bẵng đi ba mươi năm, thằng bạn lớn tuổi học cùng lớp của tôi đã thành cát bụi. Bỗng dưng chiều nay, đọc một bản tin về nạn trộm bưởi da xanh, tôi lại thấy nhớ nó, nhớ tuổi thơ trong một xã hội đầy mông muội của mình. Và tự dưng tôi thấy thương những kẻ trộm thời trước. Bởi chí ít, họ cũng vì quá nghèo, không có lối thoát, phải đi ăn trộm trái bưởi, con gà để mà bán mua gạo, bán mà mua lúa gánh đi nộp thuế nuôi quân ở tận kho lương thực huyện. và khi bị bắt, họ không bao giờ dám chống cự, họ sợ chủ nhà, dù chủ nhà chỉ là đứa con nít giống như tôi hồi đó. Nói chung, kẻ trộm thời đó dù có nói gì thì người ta vẫn con đậm tính người. Những kẻ mất tính người thì bị xếp vào kẻ cướp.
Nó khác với bây giờ, kẻ trộm vào vườn bưởi để hái, nhưng nếu chủ nhà phát hiện, không chừng chủ nhà sẽ bị đánh đến không còn mạng sống. Thậm chí, có trường hợp đào trộm gốc mai. Một cây mai lớn gần trăm tuổi, gốc của nó có đường kính 80cm, bộ rễ của nó vô cùng cứng và sâu. Thế mà trong một đêm mưa, hai kẻ trộm đã đào hỏng nguyên cây mai nhưng không tài nào khiêng đi được, đang loay hoay thì chó sủa, chủ nhà dậy bật đèn, chúng lẻn đi. Nhưng không phải để trốn mà để gọi thêm đồng bọn tới và đưa cả chiếc xe tải đặt ngoài đầu đường làng để cả nhóm khiên gốc mai ra bỏ lên xe tải.
Rất may là chủ nhà đi kiểm tra trước sân, thấy gốc mai bị hỏng nên bật đèn và gọi điện thoại sang các nhà hàng xóm báo động. Cả xóm dậy bật đèn, kèo ra đường. Lúc này, nhóm đào trộm mai mới lục đục kéo lên xe tải bỏ đi. Cung cách vác đòn khiêng, dây chão và cuốc, thuổng của chúng bước lên xe không hề tỏ ra sợ sệt mà có vẻ như có người nào chặn chúng lại, những thứ cuốc thuổng sẽ là vũ khí mà chúng dùng. Nguyên đêm đó (cách đây chưa đầy ba đêm), cả xóm tôi phải mất ăn mất ngủ, công an xã yêu cầu chủ nhà không được cho báo chí biết vụ này vì như vậy là mất điểm thi đua của xã… Chủ nhà sợ, đành im lặng và chôn lấp sự uất ức xuống chỗ gốc mai, nơi bọn trộm vừa đào mà chưa lấy được.
Chuyện trộm bưởi cũng vậy, các vườn bưởi ở An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, vườn bưởi ở Kim Long, Huế đang ngày đêm mất ngủ vì nạn trộm bưởi trong dịp Tết, mà không riêng gì Kim Long, nơi nào có trái cây, hoa dịp Tết đều mất ăn mất ngủ vì chuyện trộm. Không dừng ở đó, nhà nhà sợ mất trộm, người người sợ mất trộm, cả một đất nước nóng lên vì nạn mất trộm và lo mất trộm…!
Nạn trộm cắp và nỗi lo trộm cắp trở thành vấn nạn và nỗi lo thường trực của một quốc gia, một dân tộc. Nạn trộm cắp, cướp bóc không chỉ diễn ra trong xã hội thuần túy mà còn diễn ra ngay trong hệ thống quản lý xã hội, hệ thống nhà nước. Chưa bao giờ mà khái niệm trộm cắp tài nguyên, trộm cắp tài sản nhân dân, rút ruột ngân sách… Những từ ngữ chỉ sự trộm cắp lại được nhân dân gán cho giới càn bộ nhà nước như hiện nay. Và trên một góc độ nào đó, nhân dân không những không sai mà còn rất chính xác.
Cuối năm, ngồi nhìn lại một năm trôi qua, rồi nhìn lại quãng lịch sử ngắn ngủi ba mươi năm kể từ khi tôi biết nhận thức về cuộc đời, xã hội cho đến bây giờ, phải chấp nhận buồn bã để thấy rằng đất nước không những không đi tới, không tiến bộ mà còn thụt lùi vào quá khứ của những thói quen trộm cắp, thói quen thiếu lòng tự trọng.
Bởi, một đất nước tốt đẹp, dù muốn hay không thì phải là một đất nước mà ở đó, con người và thiên nhiên hài hòa, dung dưỡng nhau trong mối quan hệ thân thiện, tương kính và yêu thương. Con người có quyền yêu một cái cây, nhiều cái cây và giữ thể diện, giữ lòng tự trọng với những cái cây trước khi yêu một người khác và giữ thể diện với người khác. Ngược lại, một đất nước mà cái xấu phát triển quá nhanh thì màu xanh của cây cối cũng nhanh chóng vắng bóng, thay vào đó là sự trơ tráo của con người trước những cái cây. Việt Nam là một quốc gia, dân tộc mà ở đó, câu chuyện kể của những cái cây về con người thật là thảm hại!
No comments:
Post a Comment