HÀ NỘI (NV) – Số nợ công của Việt Nam hiện tại đang ở con số $94.85 tỷ, nếu đem số nợ này chia cho dân số hơn 91 triệu người, tính trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh một khoản nợ khoảng $1,039.
Báo Tri Thức Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN cho biết: “Nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô Việt Nam.”
Theo trang Economist.com, mức gia tăng nợ của Việt Nam là 9.3% mỗi năm.
Báo Tri Thức Trẻ trích dẫn phúc trình của Bộ Tài Chính CSVN cho biết “đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64.73% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 53.62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP trong nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.”
Theo báo này, mặc dù Bộ Tài Chính khẳng định nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo trong giới hạn cho phép nhưng tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình 5 năm qua là 18.4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc “nếu tính đủ thì nợ đã vượt quá trần cho phép.”
Do đó, ông Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo rằng “sẽ không tránh khỏi sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia” nếu không chấm dứt được tình trạng trên.
Trước đó, ngay ngày đầu năm 2017, HSBC đã phát đi cảnh báo “nợ công vẫn tăng và có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn chính sách trong trường hợp tăng trưởng sẽ thoái trào trong thời gian tới.”
“Bóc ngắn, cắn dài” là hoàn cảnh của nhà cầm quyền CSVN hiện nay khi người ta thấy nó qua báo cáo của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội khiến thâm thủng ngân sách ngày càng nặng.
Theo “Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020” của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội được một số báo tại Việt Nam thuật lại thì “do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc Hội đề ra.”
Trong năm 2015, nợ công của Việt Nam là 2,608,000 tỷ đồng, bằng 62.2% GDP. Tuy “vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18.4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP…” Báo Diễn Ðàn Ðầu Tư tường thuật và viết là, “Tỉ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39.3% năm 2011 lên 50.3% năm 2015. Ðặc biệt, chỉ tiêu nợ chính phủ/GDP năm 2015 là 50.3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).”
Bản báo cáo kêu rằng, “Ðây chính là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.”
Hồi Tháng 10, 2016, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dựa theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài Chính viết rằng, “Ðến hết 30 Tháng 9, chính phủ đã huy động 250,320 tỷ đồng (hơn $11 tỷ) trái phiếu, vay vốn nước ngoài quy đổi khoảng $4.88 tỷ… bội chi ngân sách chín tháng đã vượt 152,200 tỷ đồng, bằng 59.9% so với dự toán năm.”
“Ðể có tiền chi tiêu, nhà nước CSVN vay ngang vay dọc qua nhiều “kênh” khác nhau, khi gộp lại, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), 9 tháng Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỷ USD,” tờ TBKTVN viết.
Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới (WB), nợ công của Việt Nam sẽ lên tới hơn 64% GDP, vượt xa mức $117 tỷ vào hồi cuối năm 2015. (KN)
No comments:
Post a Comment