MIỀN TÂY (NV) – Nhiều cù lao (còn gọi là cồn) trên hệ thống sông Cửu Long đang bị sạt lở nghiêm trọng và dần biến mất trong sự bất lực, tiếc nuối của người dân.
Theo VNExpress ngày 22 tháng 8, trên sông Hậu, đoạn qua quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, năm 1960, cồn Cả Ðôi trên sông Hậu, đoạn qua quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, rộng trên 20 hecta (ha), dài trên 4 cây số, hàng năm được bồi đắp phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Do đất đai phì nhiêu, nhiều người dân ở cù lao Tân Lộc và huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp, ra cồn này cắm ranh khai hoang trồng mía, lúa… rất tươi tốt. Thế nhưng giờ gần đây, cồn Cả Ðôi đã hoàn toàn bị xóa sổ.
“Mỗi sáng sớm, người dân ở vùng lân cận bơi xuồng qua cồn Cả Ðôi trồng trọt, chăm sóc cây trái, đến chiều tối họ trở về nhà, rất xôm tụ,” ông Lê Văn Huân, chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt nhớ lại tiếc nuối.
Theo các giới chức quận Thốt Nốt, hiện nay, trên bản đồ địa giới hành chính phường Tân Lộc, cồn Cả Ðôi vẫn còn hiện diện, nhưng chỉ để xác định địa giới hành chính của phường Tân Lộc với các địa phương khác.
“Tình trạng sạt lở đất tại cồn Tân Lộc đang diễn ra khá mạnh, nhất là khu vực đầu cồn, khiến cho hàng ngàn mét vuông đất trồng hoa màu của người dân bị mất trắng mỗi năm,” ông Lê Thanh Nghị, phó chủ tịch phường Tân Lộc, cho hay.
Trong vòng 10 năm qua, đầu cồn Tân Lộc, phường Tân Lộc lùi dần khoảng một cây số do nước xoáy cuốn trôi đất. Năm 2010, cồn có diện tích 3,334 ha, song đến nay giảm gần 10 ha.
Tương tự, cồn Sơn nằm giữa sông Hậu, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền, là xứ sở của những vườn cây trái, song nhiều năm qua, bị “hà bá” tấn công khốc liệt,
Theo những người cao niên, trước kia phần đất ở đầu cồn Sơn kéo dài đến tận khu vực Trà Nóc, cách vị trí hiện tại hơn một cây số. Do tình trạng khai thác cát quá mức, kéo dài nhiều năm liền khiến sạt lở, sụt lún càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại khi đầu cồn tiếp tục xuất hiện nhiều vùng nước xoáy, hố sâu… Nhiều gia đình mất đất đành bỏ cồn Sơn ra đi, hiện chỉ còn trên 300 người sinh sống.
Mới đây, trước sự sạt lở cuốn trôi nhiều nhà cửa, ao cá, hoa màu… hàng chục người dân ở khu vực Long Châu và Lân Thạnh 2, cù lao Tân Lộc, đã thuê ghe máy rượt đuổi nhiều sà lan đang khai thác cát trên sông Hậu, dẫn đến xô xát khiến công an phải điều tra.
Ngoài ra, tại vùng đầu nguồn miền Tây, sạt lở hết sức phức tạp. Nghiệm trọng nhất là cù lao Long Phú Thuận, cù lao Tây, thuộc huyện Hồng Ngự và Thanh Bình tỉnh Ðồng Tháp. Hay cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Tin cho biết, theo Bộ Nông nghiệp, mỗi năm sạt lở đã “ngốn” đến 500 ha đất của miền Tây. Hiện miền Tây có 265 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài 450 cây số. Hơn 200 cây số bờ biển cũng trong cảnh tương tự, mức độ ăn sâu vào đất liền 30-40 m mỗi năm. Dự báo đến năm 2050, có khoảng một triệu người ở miền Tây bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất.
Các chuyên gia xác định, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi lượng nước, suy thoái đất và suy giảm đa dạng sinh học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là do những năm gần đây, các nước đầu nguồn sông Mekong xây nhiều đập thủy điện đã ngăn lũ, làm thay đổi số lượng và chất lượng trầm tích, gây tác động tiêu cực lên môi trường của miền Tây. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment