ÐÔNG HÀ (NV) – Bộ Tài Nguyên-Môi Trường CSVN mở một cuộc họp ở thị trấn Ðông Hà, tỉnh Quảng Trị tuyên bố rằng nước biển miền Trung đã “sạch, đẹp, an toàn” và dân lại còn “có cả thép” nữa.
“Người dân miền trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn.” Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam cả quyết như thế tại “Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế,” tổ chức buổi sáng ngày 22 tháng 8, 2016.
Tham gia hội nghị, ngoài các quan chức của Bộ TN&MT, còn có giới chức của “Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam, các nhà khoa học trong, ngoài nước và đại diện các địa phương chịu thiệt hại trong vụ Formosa xả thải.”
Cho đến nay, chưa có dấu hiệu gì đời sống người dân hồi sinh trên một dọc biển dài hơn 200 km từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Tàu thuyền phơi nắng trên bãi, hàng quán đìu hiu, du khách chẳng thấy. Có nhiều người nhìn thấy cái đói trước mặt đã bỏ xứ mà đi, theo nhiều bài viết gần đây.
Theo các bản tin tường thuật rất dài của tất cả các báo ở trong nước, không thấy có một vấn đề xã hội tức hệ quả của vụ biển bị đầu độc được được thông báo giúp dân giải quyết ngoài những lời kêu ca của một số quan chức đầu tỉnh. Chỉ thấy Bộ TN-MT đưa một vài ông giáo sư đại học tới loan báo tóm tắt một ít kết quả khảo sát tại một số vùng biển với những nhận xét là biển miền Trung đang có dấu hiệu hồi sinh.
Tại hội nghị nói trên, tờ Người Ðưa Tin thuật lời ông Giáo Sư Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận – Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, thay mặt nhóm tác giả nghiên cứu trình bày báo cáo kết quả hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế rằng, “Kết quả phân tích môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình cũng như nghiên cứu các mẫu lấy từ 19 bãi biển trong khu vực cho thông số kết quả quan trắc đều nằm trong quy định tiêu chuẩn môi trường (chuẩn Việt Nam) cho phép.”
Báo Người Ðưa Tin thuật tiếp lời của ông Nhuận là “tuy nhiên, một số khu vực cách bờ 1.5km có dòng xoáy cục bộ, trong đó có cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh), phía Ðông bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Huế) khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Như vậy, 16 bãi biển còn lại đã đảm bảo an toàn. So sánh mức độ giữa các địa phương, các nhà khoa học cho rằng, môi trường biển Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế có lượng phenol, xyanua thấp hơn Quảng Bình, Hà Tĩnh.”
Tờ Người Ðưa Tin thuật lời ông Nhuận cả quyết, “Các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn cho phép, đạt quy chuẩn đối vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.”
Cá biển miền Trung chết dạt trắng bờ suốt một dọc từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế từ đầu tháng 4 2016 do nhà máy gang thép xả chất thải dộc hại ra biển. Người dân tại Việt Nam ở các vùng biển bị ảnh hưởng và cả Sài Gòn, Hà Nội đã biểu tình nhiều ngày đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam và phải có các biện pháp phục hồi sự sống cho biển.
Trước sự phẫn nộ của quần chúng, nhà cầm quyền trung ương chậm chạp quy tụ “7 bộ, ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.”
Sau gần 2 tháng mới kết luận được nguyên nhân làm cá chết, sau hơn 4 tháng mới có thông tin về việc biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn hay chưa. Trên các trang mạng xã hội đã không thiếu những lời nghi ngờ sự thành thật, vì dân vì nước của những kẻ cầm đầu guồng máy đảng và nhà nước.
Trong cuộc họp kể trên, người ta thấy ông Ðỗ Hữu Tuấn, phó cục trưởng Cục An Toàn Thực Phẩm , Bộ Y Tế, trình bày báo cáo về chất lượng an toàn đối với thủy sản, hải sản tại 4 tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, ông Tuấn nói “hiện chưa có kết quả chính xác đánh giá độ an toàn thủy sản.”
Trên tờ Tuổi Trẻ có một phóng ảnh chụp lại một phần báo cáo của Bộ Y Tế Hà Nội về mức độ an toàn của hải sản tại khu vực. Người ta dọc thấy báo cáo viết khá mơ hồ là “hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản giảm dần theo thời gian…”
Tức là các hóa chất độc hại vẫn còn đó, ăn chưa được, chỉ không nói thẳng. Ðời sống hàng triệu người dân miền Trung bị ảnh hưởng vì biển bị đầu độc đang đối diện với một tương lai bất định.
Hồi tháng 4 vừa qua, sau khi cá biển chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, nhiều quan chức và lãnh đạo các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ðà Nẵng,… đã xuống tắm biển, ăn cá nhằm trấn an dân chúng rằng biển vẫn sạch và an toàn, nhưng sau đó cá tiếp tục chết và biển tiếp tục bị đầu độc. Truyền thông xã hội ở Việt Nam gọi việc làm này của các quan chức là lừa dối người dân.
Trong khi người đứng đầu Bộ TN&MT khẳng định biển “đã sạch” thì dân chúng địa phương ở Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục tuần hành phản đối đòi đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam.
Hôm Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016 vừa qua, khoảng 1,000 giáo dân giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An và 500 giáo dân giáo xứ Quý Hòa, thuộc giáo hạt Kỳ Anh, giáo Phận Vinh, xuống đường biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền bồi thường và lo lắng cho cuộc sống của bà con sau vụ thảm họa ô nhiễm môi trường biển.
Theo tường thuật của trang mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo, giáo dân giáo xứ Quý Hòa đa số là bà con ngư dân bám biển và là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau vụ thảm họa môi trường. Giáo xứ Quý Hòa, thuộc xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cách khu công nghiệp Formosa khoảng vài cây số.
“Bà con ngư dân nơi đây cũng cho biết, bà con đã mất hết ngư nghiệp, đi đánh bắt cá về không ai mua, làm muối cũng không có nơi tiêu thụ, nhà cầm quyền không một hỏi thăm, hay hỗ trợ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con.”
“Cuộc sống của bà con ngư dân giáo xứ Quý Hòa nói riêng, đặc biệt bà con ngư dân miền Trung nói chung đang rơi vào đói nghèo, bế tắc và thất học.” (TN)
No comments:
Post a Comment