Quỳnh Nga - Hữu Việt
06:31 ngày 07 tháng 06 năm 2016
TP - Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố một nghiên cứu theo đó, có tới 60% doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xả thải vượt quy chuẩn. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nguồn vốn FDI vào Việt Nam từ các lĩnh vực nguy cơ gây ô nhiễm cao như dệt nhuộm, da giày, sắt thép.
Minh họa: Khều.
Xả xú khí nồng nặc
Vào cuối tháng 4 vừa qua, người dân xã Khánh Phú (Ninh Bình) tập trung trước cổng Cty Chia Chen (DN FDI 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất các vật dụng từ kim loại) ngăn cản công nhân làm việc, nhằm phản ánh việc công ty xả thải ra môi trường. Lý do: mỗi lần nước thải từ công ty tràn ra kênh Điều Hòa, dòng kênh vốn bao bọc thôn Phú Hào, xã Khánh Phú, lập tức làm cá nuôi của người dân chết trắng. Thậm chí, trâu bò uống phải nguồn nước này cũng lăn ra chết (điển hình là vụ bò chết của gia đình ông Phan Văn Hướng).
Có mặt tại địa điểm xả thải vào ngày cuối tháng 5/2016, theo quan sát của PV Tiền phong, từ phía Cty Chia Chen có một đường cống lớn chôn ngầm dưới lòng đất nối thẳng ra con kênh Điều Hòa. Tại miệng cống xả thải, nước đóng váng màu vàng ố, dầu mỡ nổi lên và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Cạnh đó, từng đám bèo tây ngả màu vàng úa và chết rụi. Tuyến kênh nằm cách thôn Phú Hào chỉ khoảng trăm mét nên mùi tanh nồng bốc lên, thổi thẳng vào làng khiến sinh hoạt của khoảng 375 hộ dân với 1.450 nhân khẩu bị đảo lộn. Ông Trương Hồng Phú - Trưởng thôn Phú Hào nói: “Từ khi Cty Chia Chen đi vào hoạt động, đời sống nhân dân trong thôn liên tục bị ảnh hưởng. Công ty xả thải lén lút ra kênh rất nhiều lần. Chúng tôi kiến nghị lên trên nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng”.
Cty Chia Chen chỉ là một trong số các DN FDI ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 10/5/2016, đoàn công tác liên ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu niêm phong xưởng nhuộm của Cty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam. Dù không được cấp phép nhưng công ty tự ý làm phân xưởng nhuộm công suất 1.100 tấn/năm; tự ý khoan 26 giếng khoan; khai thác trái phép mỗi ngày hơn 2.700 m3nước ngầm và xả thải trái phép. Đáng chú ý, đây là lần niêm phong thứ 7 đối với công ty này từ khi được cấp phép hoạt động.“Có 60% tổng số DN FDI xả thải vượt quy chuẩn. Trong đó 23% DN FDI xả vượt quy chuẩn cho phép từ 5 đến 12 lần. Có gần 70% DN FDI cho biết đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường so với đầu tư ở nước họ”.Nhóm Nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân
Trước đó, năm 2008, Cty Vedan Việt Nam xả thải, gây ô nhiễm trên sông Thị Vải (Đồng Nai). Với việc xả chui 100.000 m3 nước thải độc ra sông mỗi tháng. bán kính ô nhiễm rộng tới 10km dọc bờ sông Thị Vải, Vedan đã làm thiệt hại gần 2.700 ha nuôi trồng thuỷ sản của Đồng Nai, Tp HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau đó, chỉ trong năm 2014, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành chỉ thị tạm dừng thu hút đầu tư với 8 lĩnh vực trong đó có sản xuất thép bởi e ngại ô nhiễm. Động thái của Bà Rịa - Vũng Tàu là hồi chuông cảnh báo cho nhiều địa phương trong thu hút dự án FDI.
Cty Chia Chen xả thải gây ô nhiễm khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Ảnh: Minh Đức.
Thu hút FDI gắn liền nguy cơ ô nhiễm?
Nghiên cứu đánh giá về tình hình tuân thủ chính sách pháp luật bảo vệ môi trường do Trường đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện năm 2015 vừa công bố mới đây cho thấy: có 60% tổng số DN FDI xả thải vượt quy chuẩn. Trong đó, 23% DN FDI xả vượt quy chuẩn cho phép từ 5 đến 12 lần.
Và có tới gần 70% DN FDI cho biết đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường từ 10 đến 50% chi phí so với đầu tư ở nước họ. Tháng 4/2016, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã công bố nghiên cứu tác động môi trường của khu vực FDI tại Việt Nam. Tại buổi công bố này, đại diện CIEM cảnh báo: Ngày càng nhiều dấu hiệu FDI trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào Việt Nam.
Trở lại chuyện Công ty Chia Chen, ông Hoàng Đức Long, Giám đốc Ban quản lý KCN Ninh Bình cho biết, nguồn nước thải dẫn đến cá chết là của Cty TNHH Công nghiệp Chia Chen. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Ninh Bình đã lấy mẫu nước thải kiểm tra nhưng đến nay chưa công bố kết quả.
Tại Hội thảo về chuyển dịch vốn đầu tư diễn ra mới đây, do Trung tâm con người và Thiên nhiên, thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, bình luận về câu chuyện chuyển dịch vốn đầu tư, mới đây, bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Chính sách trung tâm nay nhận xét: Các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết gần đây dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đối với một số ngành nghề ô nhiễm vào Việt Nam. Các ngành chế biến gây ô nhiễm nhiều nhất gồm có dệt nhuộm, da giày, thủy sản, sắt thép… Bà Thuỷ lấy ví dụ, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, năm 2015 tỉnh thu hút khoảng 190 triệu USD. Nhưng gần 90% số dự án đầu tư đăng ký ngành dệt may từ Trung Quốc, Hàn Quốc…
Cũng tại hội thảo này, ông Đỗ Thanh Bái (Hội Hóa học Việt Nam) phân tích, dệt may là ngành thu hút đầu tư nhiều tại Việt Nam do tận dụng được lợi thế về lao động. Song nhà đầu tư ngành dệt may thường tìm cách né tránh trong xử lý vấn đề nước thải.
TS Lê Đăng Doanh thì chia sẻ tại hội thảo: Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do muốn có lợi nhuận tối đa. Do đó nếu chúng ta làm nghiêm túc, buộc họ phải bảo vệ môi trường. Song khâu giám sát môi trường của chúng ta còn lỏng lẻo.
“Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mà ô nhiễm môi trường tăng, kéo theo chi phí giải quyết các vấn đề xã hội lớn. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 2,5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 6,5%. Nếu với đà ô nhiễm môi trường như hiện nay, ta sắp đuổi kịp Trung Quốc”, ông Doanh nói.
Theo một lãnh đạo Bộ KH&ĐT, hầu hết dự án phân cấp đầu tư về địa phương. Với dự án lớn, Bộ KH&ĐT chỉ có chức năng tổng hợp ý kiến các bộ ngành để báo cáo Chính phủ. Trên cương vị chuyên gia thẩm định đầu tư, ông cho rằng, không nên đánh đổi môi trường để lấy dự án phát triển kinh tế. Dù chất thải công nghiệp không dám đảm bảo tuyệt đối sạch, nhưng phải được xử lý ở mức giới hạn cho phép trước khi xả ra môi trường. Theo ông, khi đầu tư phải được kiểm soát chặt chẽ tránh nguy cơ ô nhiễm.
No comments:
Post a Comment