Sunday, July 10, 2016

Báo Trung Quốc ‘đồng ca’ quyết tâm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông

Một chiến hạm của Trung Quốc phóng hỏa tiễn diệt hạm trong đợt thực tập tác xạ hồi cuối tuần vừa qua. (Hình: Tân Hoa Xã)
Một chiến hạm của Trung Quốc phóng hỏa tiễn diệt hạm trong đợt thực tập tác xạ hồi cuối tuần vừa qua. (Hình: Tân Hoa Xã)
BẮC KINH (NV) – Chiến dịch phản tuyên truyền rầm rộ đồng loạt của Trung Quốc như một dàn đồng ca gân cổ gào thét phụ họa cho các cuộc tập trận diễu võ dương oai.
Những tờ báo chính thông và lớn nhất Trung Quốc như Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc nhật báo, Hoàn Cầu thời báo và dĩ nhiên không thể thiếu Tân Hoa Xã theo nhau vừa chửi Mỹ, chửi tòa án quốc tế, với tối đa tần suất.
Ngày Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016, Tòa Án Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, dự trù ra phán quyết của vụ Philippines kiện Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền theo 9 vạch đường “Lưỡi Bò” chiếm gần hết Biển Đông. Nhiều khu vực có cái vạch “Lưỡi Bò” lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines.
Các nhà bình luận thời sự quốc tế đều cho rằng theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) thì tòa án sẽ tuyên bố thuận lợi cho Philippines nếu không toàn diện thì cũng một phần. Cũng vì dự đoán như vậy nêu bấy lâu nay Bắc Kinh lập đi lập lại luận điệu không công nhận phiên tòa cũng như không chấp nhận phán quyết của tòa án The Hague.
Tân Hoa Xã chửi Mỹ là gây căng thẳng và kích động tranh chấp ở Biển Đông, làm khu vực ngày thêm bất ổn nhất là từ khi “xoay trục” về Á Châu. Tân Hoa Xã kêu rằng Mỹ đừng coi Biển Đông như khu vực vịnh Caribbean của Mỹ. Trong một bài bình luận khác, hãng thông tấn này chửi Mỹ là “đạo đức giả” khi chen vào vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tờ Trung Quốc nhật báo kêu gọi “Mỹ nên chấm dứt làm rùm beng trò hề phiên tòa trọng tài quốc tế.”
Cùng với những bài bình luận chửi bới Mỹ và Tòa Án Quốc Tế, hệ thống truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin, công bố các hình ảnh liên quan tới việc thực tập tác xạ, kể cả bằng hỏa tiễn mà quân đội Trung Quốc vừa thực hiện ở Biển Đông.
Theo đó thì các chiến đấu cơ đã phối hợp với các chiến hạm có trực thăng và tàu ngầm đi kèm đã đồng loạt khai hỏa để “chiến đấu” với kẻ thù giả định để bảo vệ quyền kiểm soát cả không phận lẫn hải phận của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đợt thực tập tác xạ vừa được quảng bá rộng rãi là một phần của cuộc tập trận tại vùng biển nẳm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, diễn ra từ mùng 5 đến ngày 11 tháng 7.
Quyết định tổ chức cuộc tập trận vừa kể của Trung Quốc được giới quan sát thời sự nhận định là có tính chất như một lời cảnh cáo rằng, Trung Quốc không những sẽ gạt bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển Liên Hiệp Quốc mà còn sẵn sàng sử dụng vũ lực để thực hiện cho bằng được việc áp đặt yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông.
Còn Trung Quốc thì giải thích là cuộc tập trận mà Trung Quốc sắp đặt để kết thúc sát ngày Tòa công bố phán quyết phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Cộng về chủ quyền ở biển Đông là “hoạt động thường kỳ,” không liên quan tới phán quyết mà tòa sẽ công bố vào ngày 12 tháng 7.
Cần nhắc lại rằng hồi cuối tuần trước, Tân Hoa Xã từng loan báo rộng rãi là hôm 6 tháng 7, khi chuyện qua điện thoại với ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc đã khẳng định rằng, Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền tự do hàng hải, cũng như an toàn và sự ổn định tại Biển Đông bất kể nội dung phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc ra sao.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đã khuyến cáo Hoa Kỳ cần tôn trọng cam kết không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền, thận trọng trong hành động và lời lẽ, không thực hiện bất kỳ các hành động nào xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Tuy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ xác nhận ngoại trưởng Hoa Kỳ có thảo luận với ngoại trưởng Trung Quốc qua điện thoại vào ngày 6 tháng 7 và không cho biết nội dung cuộc thảo luận nhưng ngay sau đó, một viên chức cao cấp của hải quân Hoa Kỳ tiết lộ với báo giới rằng, trong hai tuần gần đây, ba khu trục hạm Momsen, Spruance và Stethem đã liên tục thực hiện các cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa.
Trước đó, hải quân Hoa Kỳ từng loan báo đã điều động ba khu trục hạm vừa kể thực hiện các cuộc tuần tra ở biển Đông nhằm bảo vệ an ninh hàng hải và duy trì sự ổn định trong khu vực nhưng không cho biết chi tiết.
Mãi đến cuối tuần vừa qua, sau khi Tân Hoa Xã quảng cáo về những tuyên bố hết sức cứng rắn của Ngoại trưởng Trung Quốc, hải quân Hoa Kỳ mới kể về việc Momsen, Spruance và Stethem đã thực hiện các cuộc tuần tra quanh bãi cạn Scarborough và những thực thể khác ở quần đảo Trường Sa. Khoảng cách từ các chiến hạm Hoa Kỳ với những thực thể vừa kể nằm trong phạm vi từ 14 đến 20 hải lý.
Cho dù các chiến hạm của Hoa Kỳ không tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý (theo luật pháp quốc tế, phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo là vùng biển bất khả xâm phạm vì thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu những đảo đó tuy nhiên từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Hoa Kỳ đã ba lần điều động chiến hạm vào tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của cả các đảo tự nhiên lẫn nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và liên tục khẳng định là Trung Quốc có chủ quyền “bất khả tranh biện”) nhưng giới quan sát thời sự tin rằng, đó chính là cách mà Hoa Kỳ trình bày quyết tâm thực hiện lập trường của mình về vấn đề Biển Đông.
Hoa Kỳ từng nhiều lần đề nghị các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông không thay đổi hiện trạng biển Đông, ngưng bồi đắp – xây dựng – bài bố nhằm quân sự hóa Biển Đông, đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực có hải lộ quan trọng với kinh tế của cả Hoa Kỳ lẫn cộng động quốc tế.
Càng lúc càng nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thăm dò quyết tâm của nhau. Sau khi Hoa Kỳ điều động một hải đội theo hàng không mẫu hạm Ronald Reagan vào Biển Đông nhằm duy trì sự hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc thực hiện cuộc tập trận “thường niên” ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trước khi Tòa Trọng tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc công bố phán quyết phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Cũng vì vậy, người ta tin rằng, sau khi Trung Quốc mang hỏa tiễn ra “biểu diễn” quyết tâm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế sẽ có dịp chứng kiến nhiều sự kiện khác ở vùng biển này. (G.Đ)
10-07-2016

No comments:

Post a Comment