Sunday, July 10, 2016

Người Việt hải ngoại nghĩ gì về việc bồi thường của Formosa?

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-07-08  
024_2501479.jpg
 Cảnh buôn bán cá tại một làng chài nhỏ ở Đại Lãnh, miền Trung Việt Nam.  AFP photo
Sau khi Việt Nam chính thức loan báo 500 triệu đô la mà tập đoàn Formosa đồng ý bồi thường cho  ngư dân 4 tỉnh miềnTrung, hầu hết suy nghĩ của người Việt ở hải ngoại là so sánh, cân nhắc vì sao tiền bồi thường lại khiêm tốn đến vậy khi mà hệ lụy của thảm họa môi trường này có thể kéo dài nhiều chục năm về sau.
Ai quyết định số tiền này?
Tôi không hiểu dựa trên những tiêu chuẩn gì, yếu tố gì và tư cách gì mà chính phủ Việt Nam nhận 500 triệu đó. Năm trăm triệu đó sẽ được giải quyết như thế nào để làm những công tác cải tạo môi trường, hay đền bù thẳng cho những người dân bị thiệt hại. Hiện tại không biết người dân ở trong nước sẽ phải làm gì cho chuyện này cũng như người Việt tại hải ngoại có thể đóng góp được vấn đề gì?
Nạn nhân trực tiếp ở bốn tỉnh miền Trung bắt buộc phải lên tiếng. Tuy nhiên trong bối cảnh chính quyền đảng cộng sản Việt Nam hiện tại thì sự lên tiếng của người trong nước rất yếu, họ cũng không biết chuyện gì phải làm. Cho nên đồng bào trong nước lúc nào cũng phải cần sự hỗ trợ của hải ngoại, nhưng mà người hải ngoại cũng cần tìm phuong pháp thế nào để kết hợp với người trong nước và cùng nhau làm.
Đó là ý kiến của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada, từng lên tiếng về vụ Formosa Việt Nam từ những ngày đầu.  Từ New York, tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu nhân viên Liên Hiệp Quốc, hiện là tư vấn cho Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức phát triển các nước:
Tôi không hiểu dựa trên những tiêu chuẩn gì, yếu tố gì và tư cách gì mà chính phủ Việt Nam nhận 500 triệu đó... Nạn nhân trực tiếp ở bốn tỉnh miền Trung bắt buộc phải lên tiếng.
- Luật sư Vũ Đức Khanh 
Theo dư luận chung thì tôi thấy có sự nghi ngờ vấn đề xử lý này có điều không rõ ràng không minh bạch mặc dầu Formosa đã nhận sai lầm. Điểm thứ hai, những người bị hại là người đánh cá, là những người sống về nghề cá, là những người tổ chức du lịch và vấn đề sức khỏe trong tương lai nữa mà cho đến bây giờ họ không có tiếng nói. Giả dụ rằng chính phủ Việt Nam nói chuyện với Formosa để có được 500 triệu thì quyết định đó là của chính phủ Việt Nam chứ không liên quan gì đến người bị hại. Chưa bao giờ Việt Nam tổ chức một cái gì đề người dân bị hại có quyền nói cả.
Tôi nghĩ về mặt dài lâu người dân Việt Nam tức những người bị hại có thể tự tổ chức để kiện công ty Formosa, kiện những người nằm trong chính quyền đã quyết định cho Formosa làm mà không kiểm tra giám sát gì cả. Nếu tòa án Việt Nam từ chối thì những người bị hại có thể kiện ra tòa án Đài Loan tức là kiện cái công ty mẹ. Đấy là quyền của người bị hại. Nói chung trong dài lâu những người bị hại tự phải tổ chức với nhau.
Ông Nguyễn Dương Thiện, một ngư dân Việt hiện định  cư tại Mỹ, hành nghề cá cá 37 năm nay tại Versaille, làng chài của người Việt Nam ở  mạn Đông New Orleans. Đây cũng là vùng bị sự cố tràn dầu do tàu dầu của BP British Petroleum gây ra hồi năm 2010 khiến nhiều người Việt gặp khó khăn trong việc đánh bắt cá vì môi trường bị nhiễm bẩn:
Vụ tràn dầu đúng là ảnh hưởng rất nhiều nhưng chúng tôi được bảo vệ bởi luật pháp của Hoa Kỳ, rồi công ty British Petroleum đã phải chịu sự phán quyết của tòa. Nói về sự bồi thường thì chúng tôi cảm thấy xứng đáng, 70, 80% người ta đồng ý với sự bồi thường như vậy. Cũng nhờ luật sư rồi chính quyền ở đây họ can thiệp rất là hữu hiệu. Nhưng về tương lai tôi có nghe nhiều nhà nghiên cứu nói là môi trường như vậy phải trên 10 năm thì mới hết dơ bẩn.
Nghe nói hồi đó vụ tràn dầu ở Alaska do tàu dầu bị chìm mà mãi 18, 200 năm sau người ta vẫn còn tìm thấy những vết dầu, bã dầu, cặn dầu còn nằm chôn ở dưới.
Bồi thường quá ít
024_2501466.jpg-400.jpg
Tàu cá của ngư dân Đại Lãnh, miền Trung Việt Nam. AFP photo
Ông Nguyễn Dương Thiện khẳng định rằng việc dầu loang làm bẩn môi trường biển ở Mỹ tuy không thể so sánh với thảm họa môi trường làm cá chết hàng loạt ở Việt Nam,nhưng tiền bồi thường 500 triệu đô la của Formosa khiến ông bàng hoàng vì nó không đủ đâu vào đâu để khắc phục một hậu quả quá lớn và có tính cách dây chuyền tại bốn tỉnh miền Trung nói riêng:
Năm bảy lần cái 500 triệu đó không biết đã đủ cho người dân chưa chứ đừng có nói là 500 triệu. Đúng là khổ cho ngư dân. Nếu công ty Formosa đó mà để xảy ra ở bên Mỹ này hoặc những nước tự do có luật pháp bảo vệ người dân đàng  hoàng tôi nghĩ năm bảy cái 500 triệu cũng chưa chắc đủ để người ta lo cho dân của người ta.
Bây giờ 500 triệu đó cứ rải hết cho ngư phủ đi, nhưng đâu có phải là ngư phủ không, những người hang bao lâu nay vẫn sống nhờ vào tôm cá mà ngư phủ mang vô, rồi những người đi buôn cá, bán cá hoặc làm những công việc  liên quan tới ngành sản xuất ngư nghiệp, đấy là một dây chuyển rất lớn. Tôi nghĩ 500 triệu không nghĩa lý gì cho người dân trong 4 tỉnh đó đâu.
Năm bảy lần cái 500 triệu đó không biết đã đủ cho người dân chưa chứ đừng có nói là 500 triệu. Đúng là khổ cho ngư dân.
- Ông Nguyễn Dương Thiện 
Đồng quan điểm với ông Thiện ở New Orleans là tiến sĩ Đinh Xuân Quân ở California, nói rằng ông không ngạc nhiên khi nghe người Việt ở Mỹ, nhất là những người hành nghề đánh cá từng đối phó với kinh nghiệm tràn dầu tại vùng Vịnh Mexico, đã có sự so sánh hay cân nhắc khi nghe đến chuyện 500 triệu đô la tiền bồi thường của Formosa ở Việt Nam:
Việt Nam là một nước xuất khẩu hải sản, chuyện Formosa này sẽ ảnh hưởng tới vấn đề xuất khẩu đồ biển, do đó 500 triệu quá ít. Hồi xưa dầu ở Vịnh Mexico thì tương đối dễ dàng tẩy đi, chứ còn ở Việt Nam rất khó. Từ người đánh cá tới người mua cá tới người làm đông lạnh người xuất khẩu... là tất cả ảnh hưởng.
Hiện giờ 4 tỉnh thôi nhưng mà xuất khẩu hải sản Việt Nam bị mang tiếng. Vấn đề không chỉ vài trăm ngàn người đánh ca ở đó mà cả một hệ thống xuất khẩu hải sản, cả một ngành công nghiệp cá bị ảnh hưởng. Chuyện còn dài lắm.
Luật sư Diệp Thế Lân, hồi 2010 từng tham gia bênh vực quyền lợi cho những người đánh cá Mỹ gốc Việt tại Mississispi khi sự cố tràn dầu xảy ra năm 2010, cho biết tiến trình này phải mất 2 năm trời mới được coi là giải quyết xong:
Tức là đã kiện tụng nhau rồi lên đến Tối Cao Pháp Viện. Nói chung thì nó thỏa đáng vì BP đã tình nguyện, trước khi mà ra tòa họ đã tình nguyện ứng ra khoảng 20 tỷ mỹ kim để bồi thường. Dân không phải chờ thực hiện xong mới nhận được tiền mà BP ứng ra trước và tôi đã tham gia trong quá trình đòi trong cái tiền ứng ra đó.
Luật sư Diệp Thế Lân nói tiếp là tuy không thể so sánh sự cố tràn dầu ở Hoa Kỳ với thảm họa biển bị nhiễm độc ở 4 tỉnh miền Trung, và  con số 20 tỷ của BP ứng ra với con số 500 triệu Formosa cũng không thể so sánh với nhau, nhưng:
Dầu loang trong vùng Vịnh  ảnh hưởng đến 5 tiểu bang của Mỹ, trong lúc cả nước Việt Nam bằng khoảng tiểu bang  Cali này thôi, cho nên 4 tỉnh miền Trung Việt Nam không thể so sánh được với 5 tiểu bang của Hoa Kỳ. Thế nhưng con số 500 triệu đó khách quan mà nói nó không nhiều, tôi nghĩ chắc chắn sự thiệt hại cao hơn con số đó.
Có một số nguyên tắc chung mình có thể nhận xét, ở Mỹ này có bộ luật đặc biệt Oil Pollution Act tức đạo luật ô nhiễm dầu loang dưới những cái đó thì quốc hội đưa ra cái Strict Liability Trách Nhiệm Tuyệt Đối với những công ty làm việc với hóa chất.
Ở Việt Nam có luật đó hay không? Nhưng khi dân bị thiệt hại thì chính quyền có toàn quyền áp dụng luật hoặc chế ra luật để bảo vệ cho dân.
Tóm lại, theo luật sư Diệp Thế Lân trong trường hợp cá chết hàng loạt tại miền Trung mà tác nhân là công ty Formosa,  chính phủ Việt Nam nhất thiết phải chọn lựa, một là đứng về phía dân để qui trách nhiệm, khiếu kiện và đòi Formosa trả một số tiền bồi thường xứng đáng, hai là chịu nhận một số tiền rẻ mạt rồi bỏ qua cho Formosa như cách người ở hải ngoại đã thấy và đang suy nghĩ.

No comments:

Post a Comment