Saturday, May 28, 2016

Vợ cán bộ cao cấp tỉnh ủy xây biệt thự gọi là “nhà tạm”

“Căn nhà tạm” không giấy phép của cựu Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng. (ảnh: N.Hà)
Gần đây người dân ở huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt độ chục cây số, cho biết họ rất bất ngờ khi biết rằng căn nhà tọa lạc trên một khu đất có tổng diện tích 1.9 ha, tại xã Đạ Sar, bên đường quốc lộ 723 (nối TP. Đà Lạt – TP. Nha Trang), là của ông Nguyễn Đức Thịnh, người giữ chức Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, vừa nghỉ hưu.
Từ 4 năm về trước cho đến hạ tuần tháng 5-2016, người dân xã Đạ Sar nói rằng đây là nhà đất của bà Vàng. Năm 2012, bà Hồ Thị Vàng từ Sài Gòn về nơi đây sinh sống hẳn ngay sau khi kết hôn với ông Nguyễn Đức Thịnh. Một số báo chí vào cuộc tìm hiểu vào hạ tuần tháng 5, những nhân viên hành chính của huyện Lạc Dương nói rằng bà Vàng đi lo thủ tục, giấy tờ… mang danh là vợ cán bộ cấp cao của tỉnh ủy, nên đâu có ai dám làm khó.
Theo lời kể, toàn bộ diện tích đất trên do bà Vàng mua của 3 nhà dân là đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2000 đến 2014. Đất có nguồn gốc do người dân phá rừng, trồng cà phê, sau được nhà chức trách tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho bà Vàng năm 2014. Sau đó, bà Vàng có đơn xin sửa chữa đường đi, trồng cây xanh. Tiếp đến, bà có đơn xin chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác, mục đích để xây dựng 2 công trình “nhà tạm”  làm nhà ở cho công nhân và chứa nông cụ. Trong khu trang trại, có hồ nước, nhà chòi ven hồ dùng làm nơi tiếp khách, nghỉ ngơi. Khu đất nằm trọn trên một quả đồi, đã được san ủi bằng phẳng, tứ bề là rừng thông xanh, địa thế tuyệt đẹp!
Căn “nhà tạm” của vợ chồng bà Vàng là căn nhà 2 tầng, dạng nhà biệt thự, nhà mái kiểu Thái. Vợ chồng ông Thịnh gọi đó là nhà sàn. Nhân viên hành chính ở huyện Lạc Dương lại nói rằng căn nhà này không hề có hồ sơ giấy phép xây dựng. Nể nang đây là nhà của một cán bộ tỉnh ủy cao cấp, nên nhà chức trách huyện Lạc Dương không ý kiến gì.
Vợ chồng bà Vàng giải thích, sau khi bà có “đơn xin phép làm nhà tạm”, để cho công nhân ở, được chính quyền huyện Lạc Dương chấp thuận, họ làm một căn nhà vật liệu gỗ, mái lợp tôn. Nhưng do ở trên đồi cao, gió to gặp mưa lớn nên ngã đổ, nguy hiểm cho người ở. Vì vậy, bà làm bản giải trình và kiến nghị xin làm nhà kiên cố hơn.
Căn “nhà tạm” này là ước mơ không bao giờ với tới của hàng chục triệu người dân Việt Nam lương thiện. Sự việc nói trên hiện vẫn được báo chí “tiếp tục tìm hiểu”!
05/28/2016 - 09:20
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment