Saturday, May 28, 2016

“Sự cố như kiểu Formosa, chúng ta có thể gọi là thảm hoạ môi trường”

TÂM AN-09:55 28/05/2016 
BizLIVE - “Dù Formosa có cải tiến công nghệ tốt hơn nhưng thảm hoạ môi trường xuất phát từ rủi ro môi trường, từ việc chưa làm chủ công nghệ trong một thời điểm nào đấy”, ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất cho biết.

“Sự cố như kiểu Formosa, chúng ta có thể gọi là thảm hoạ môi trường”
Ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất. Ảnh VietnamNet
Tại cuộc hội thảo Thương mại tự do: Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam diễn ra vào hôm qua (27/5), ông Bái cho biết, những tiêu chuẩn công nghệ đặc biệt tiêu chuẩn rác thải đang là thách thức lớn đối với bảo vệ môi trường của Việt Nam.
“Những tiêu chuẩn của Việt Nam, nếu như trước đây quá dễ dãi để trải thảm đỏ cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang để lại những lo lắng rất lớn về môi trường và xã hội. Trước xu hướng đầu tư ngày càng tự do vào Việt Nam, cơ chế thị trường chúng ta có quyền lựa chọn những nhà đầu tư ngoài thoả mãn lợi ích kinh tế cần đảm bảo khía cạnh môi trường, xã hội”, ông Bái nói.
Dẫn chứng trường hợp nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh), ông Bái cho biết, việc cho phép Formosa xả thải 11.000m3 một ngày đêm, trong khi công suất dự tính ban đầu là 43.000m3 là rất lớn, đe doạ môi trường là hiện hữu.
Cũng theo ông Bái trong làn sóng đầu tư vừa qua chúng ta nhìn nhận chưa hết khả năng tiếp nhận ô nhiễm và chất thải, ở nhiều khu vực đã chạm đến mức trần.
Về vấn đề đạo đức môi trường của nhà đầu tư, theo ông Bái hiện vẫn chỉ có mức độ, khi chúng ta nhận chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ không tốt hệ quả chất thải công nghệ nhiều, rủi ro về mặt môi trường rất lớn. “Vũng Áng, Formosa chúng ta có thể gọi đó là thảm hoạ môi trường”, ông Bái cho hay.
“Dù Formosa có cải tiến công nghệ tốt hơn nhưng thảm hoạ môi trường xuất phát từ rủi ro môi trường, xuất phát từ việc chưa làm chủ công nghệ trong một thời điểm nào đấy”, ông Bái cho biết thêm.
Cũng theo ông, quá trình đánh giá môi trường vừa qua kém nên đã tiếp nhận những dự án đầu tư với rủi ro môi trường lớn, để cải thiện theo ông cần đánh giá tác động môi trường và quá trình xây dựng.
Việc đánh giá môi trường chiến lược theo ông là đánh giá rất quan trọng nhưng hiện nay chưa nhận định được hết tầm quan trọng và năng lực đánh giá còn hạn chế, nguồn lực hạn chế nên hệ quả để lại những tác động, thách thức ở liên vùng hoặc vùng nóng chưa giải quyết được.
“Vấn đề Vũng Áng là vấn đề phụ thuộc vào đánh giá liên vùng nhưng trong khoảng thời gian dài chúng ta đã coi nhẹ điều này. Khi đàm phán đầu tư, vấn đề liên quan đến trách nhiệm nhà đầu tư với môi trường cần được quan tâm hơn trong khi Việt Nam chưa chú trọng lắm”, ông Bái nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Bái cũng cho biết, nhận thức về vấn đề môi trường trong việc xây dựng luật còn khá hạn chế, hệ thống quan trắc kém…
Nhận xét chung về ngành thép ở Việt Nam, ông Bái cho biết “sự cố Formosa” về cơ bản bắt nguồn từ công nghệ quặng sắt được nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than cốc đốt trong lò cao, phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ (than), khí dioxdide carbon và bụi, phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường… và hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo.
Liên quan đến việc xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, mớit đây Chủ tịch Hội nghề các Việt Nam đã có công văn đề nghị Chính phủ và các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xác định nguyên nhân.
Theo lãnh đạo Hội nghề cá, càng kéo dài tiến độ xác định nguyên nhân thì chất độc trong trầm tích ở đáy biển sẽ bị pha loãng dần. Các mẫu cá ở thời điểm đầu tháng 4/2016 được lưu tại phòng kiểm nghiệm đã hết hạn và sẽ được tiêu hủy, khiến việc truy tìm nguyên nhân chính xác khó khăn hơn rất nhiều.
TÂM AN

No comments:

Post a Comment