Mệnh danh tòa nhà cao nhất Việt Nam cho tới thời điểm này, nhưng Keangnam lại trở thành một ốc đảo giữa mênh mông biển nước mỗi khi trời mưa ngập. Nhiều đại gia bỏ cả chục tỷ mua căn hộ hạng sang tại Keangnam đều không ngờ tới điều này.
Ám ảnh vì ngập
Cho tới cuối giờ chiều 25/5, khu vực quanh tòa nhà Keangnam tại phố Dương Đình Nghệ và Phạm Hùng vẫn ngập nặng. Toà nhà cao nhất Việt Nam bị bao vây trong “biển nước”. Phương tiện lưu thông qua đây cũng rất khó khăn do còn nhiều điểm ngập sâu hơn nửa bánh xe. Chưa kể các đường cắt với Phạm Hùng quanh tòa nhà này nước còn ngập nghiêm trọng hơn.
Đây không phải lần đầu tiên khu vực này bị ngập nước. Điểm lại nhiều trận mưa lớn tại Hà Nội, khu vực quanh tòa nhà Keangnam luôn là điểm ngập nước nghiêm trọng, thậm chí, tình trạng này còn kéo kể cả khi trời đã tạnh. Cư dân tòa nhà Keangnam phải chọn cách đi “cửa sau”, vòng qua KĐT Nam Trung Yên, để tránh ngập.
Keangnam đơn độc giữa mênh mông biển nước |
Chị Thu Mai, một cư dân sống tại tòa nhà, cho hay: “Mỗi khi trời mưa to, quanh khu vực Keangnam như một biển nước. Người dân chúng tôi đều rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở vì đi ra ngoài xe ô tô ngập nước, còn người ở ngoài thì không dám về nhà. Hầu hết cư dân đều đi xe sang nên bị ngập nước là mất cả chục triệu đồng sửa chữa”.
“Chúng tôi phải lội nước, đi bộ một đoạn băng qua tuyến đường đối diện của tòa nhà để bắt xe ôm đi làm. Mang tiếng sống ở tòa nhà hiện đại mà khổ quá”, chị nói thêm.
Tình trạng nước ngập không chỉ ảnh hưởng tới cư dân, mà ngay cả những người làm việc, kinh doanh bên trong tòa nhà cũng bị vạ lây. Theo quan sát, thời điểm ngập nặng sáng 25/5, khu vực bán lẻ gồm quán café, siêu thị đều vắng khách. Tòa nhà này có 2 tháp căn hộ 48 tầng với hàng trăm hộ dân và một tòa tháp 72 tầng bao gồm khối bán lẻ, văn phòng, khách sạn và căn hộ dịch vụ.
Anh Nguyễn Mạnh Hải, giám đốc một doanh nghiệp kiểm toán, chia sẻ: “Nghe Keangnam ngập rất nặng nên có cuộc cuộc hẹn quan trọng với đối tác ở đây mình phải đổi sang hôm khác”.
Nước tràn lên cả khu vực sảnh tòa nhà trong trận mưa lớn 2013 |
Việc ngập úng quanh tòa nhà do yếu tố khách quan, chủ yếu là hạ tầng chung của khu vực, nhưng phần nào đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của tòa nhà. Đây cũng là vấn đề mà người mua nhà nên cân nhắc mỗi khi lựa chọn dự án.
Công ty thoát nước Hà Nội lý giải, tuyến đường này khó thoát nước là do hệ thống cống bị tắc nghẽn trong quá trình thi công làm đường. Hiện đường cống vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị thoát nước.
Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thì lý giải ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng là một trong những khu vực hiện chưa được đầu tư thoát nước đồng bộ, chủ yếu các khu vực đã được đô thị hoá được thoát nước về sông Tô Lịch. Các khu vực còn lại thoát nước ra sông Nhuệ và phụ thuộc vào các trạm bơm Đồng Bông I và trạm bơm Yên Nghĩa. Chính vì thế, việc ngập ở khu vực này là tất yếu.
Xuống giá vì tai tiếng
Là tòa nhà cao nhất Việt Nam với các căn hộ hạng sang có giá lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng cho tới nay, Keangnam lại luôn gắn liền với nhiều tai tiếng từ kiện cáo của cư dân, chất lượng tòa nhà, vụ Parkson kinh doanh thua lỗ tại đây tới việc tòa tháp 72 phải bán lại cho chủ mới. Mang nhiều kỳ vọng, trong suốt một thời gian dài, công trình cao nhất Việt Nam thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng.
Cao nhất VN nhưng tòa nhà Keangnam lại tai tiếng nhiều hơn |
Suốt quá trình xây dựng và điều hành Landmark 72, Keangnam vướng phải những rắc rối lớn về an toàn xây dựng (khiến 7 công nhân tử vong), vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, chủ đầu tư liên tục gặp rắc rối kiện cáo của cư dân về chất lượng dịch vụ tòa nhà và diện tích xây dựng không đúng như những gì đã quảng cáo. Chưa hết, Tập đoàn Parkson cũng rút khỏi Landmark 72 do kinh doanh thua lỗ.
Đầu tháng 5/2015, tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 được rao bán ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD). Lý do rao bán tòa nhà đến từ khó khăn của công ty mẹ tại Hàn Quốc. Tới tháng 1/2016, thông tin từ báo chí Hàn Quốc cho hay, tập đoàn AON Holdings đã trả khoảng 450 tỷ won để mua lại khoản nợ 600 tỷ won (tương đương 510 triệu USD) của Keangnam Landmark và nắm quyền kiểm soát dự án này.
28/05/2016 05:00
Hải Nam
No comments:
Post a Comment