Saturday, May 28, 2016

Mỗi năm Hà Nội chi bao nhiêu ngân sách cho dự án thoát nước?

HỒNG QUÂN  07:17 28/05/2016
 BizLIVE - Chỉ tính riêng dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội được khởi công sau trận mưa lịch sử gây ngập úng cuối năm 2008, trung bình Hà Nội chi hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đến nay Hà Nội đã chi hơn 8.000 tỷ đồng cho dự án, nhưng dự án chưa thể hoàn thành. Hà Nội vẫn ngập chỉ sau 1 trận mưa lớn.

Mỗi năm Hà Nội chi bao nhiêu ngân sách cho dự án thoát nước?
Đường Đỗ Đức Dục, khu vực khách sạn JW Marriott bị ngập sau trận mưa đêm 24/05. Ảnh: Trần Thanh Công
Dĩ nhiên, trong gần 8 năm qua kể từ sau trận mưa lịch sử kéo dài trong 3 ngày vào tháng 10-11/2008 với lượng kỷ lục khoảng 700ml biến đường phố thành “sông”, Hà Nội đã chi nhiều hơn con số 8.000 tỷ đồng cho hoạt động thoát nước của Thành phố. Tuy nhiên, dự án thoát nước nhằm cải thiên môi trường Hà Nội – Dự án II (dự án) có thể xem là nơi “ngốn” ngân sách của Hà Nội lớn nhất trong hoạt động thoát nước.
Dự án được phê duyệt vào năm 2006 với mục tiêu chống ngập úng thành phố trong lưu vực song Tô Lịch do nước mưa. Dự án có chiều dài 77,5km với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310mm/2ngày (giai đoạn I là 172mm/2ngày); chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống ứng với lượng mưa là 70mm/giờ. Đây là dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Hà Nội kỳ vọng khi dự án hoàn thành cùng với các dự án cải tạo thoát nước trên địa bàn đảm bảo thoát nước cho khu vực nội thành, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên,
Sau 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án nhảy từ 3.064 tỷ đồng với chi phí giải phóng mặt bằng là 822,5 tỷ đồng lên 9.693,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số gần 9.700 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng cho tổng mức đầu tư.
Nguồn: Tổng hợp số liệu các quyết định của UBND TP. Hà Nội 
Tại thời điểm cuối năm 2015, chỉ tính riêng phần vốn đối ứng của Hà Nội, dự án đã đội vốn gần 10% vốn được duyệt chủ yếu do chi phí giải phóng mặt bằng tăng và dự báo sẽ còn tăng do chi phí giải phóng mặt bằng được phê duyệt vào cuối năm 2015 lên đến 4.267 tỷ đồng, tức cao hơn 567 tỷ đồng so với con số đã chi và vượt hơn 20% vốn đối ứng được duyệt.
Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2014, được điều chỉnh lên năm 2015, tiếp tục được điều chỉnh đến ngày 30/06/2016. Như vậy nếu hoàn thành, dự án thoát nước của Hà Nội tiêu hết bình quân 130 tỷ đồng/km. 
Nguồn: Số liệu báo cáo dự toán ngân sách Hà Nội 
Báo cáo quyết toán và dự toán ngân sách Hà Nội giai đoạn 2009 – 2015 cho thấy, đến hết năm 2015, Hà Nội đã chi hơn 8.000 tỷ đồng cho dự án, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh dự án thoát nước nhằm cải thiên môi trường Hà Nội – Dự án II, trong giai đoạn 2008 – nay, Hà Nội còn đầu tư các dự án liên quan đến thoát nước như dự án cải tạo môi trường vệ sinh KDC xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê đoạn từ dốc La Pho đến Cống Đô với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt 224,8 tỷ đồng; xây dựng tuyến mương Gia Thụy – Cầu Bây trên địa bàn quận Long Biên 1.315 tỷ đồng; dự án thoát nước quận Hà Đông; Dự án cải thiện hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội; cải tạo hồ nội thành…..
Vào tháng 5/2012, Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dự án thoát nước cho thành phố giai đoạn 2011 – 2015 không bao gồm dự án II là hơn 11.000 tỷ đồng. Giả thiết Hà Nội chỉ dùng đúng con số kế hoạch đã dự toán vào tháng 5/2012, trung bình mỗi năm ngân sách Hà Nội chịu thêm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng cho các dự án thoát nước khác.
HỒNG QUÂN

No comments:

Post a Comment