Friday, April 22, 2016

Người trẻ và mối quan tâm Chính trị - Xã hội (Phần 2)

Chân Như, phóng viên RFA 2016-04-21  
000_Hkg9497764.jpg
Cảnh sát cố gắng để kiểm soát đám đông ủng hộ Lê Quốc Quân, nhà phê bình chế độ cộng sản Việt Nam, bên ngoài Tòa án nhân dân Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 2014.  AFP PHOTO
Chân Như và 4 khách mời tiếp tục bàn về việc 44 sinh viên trường đại học luật Hà Nội đã gửi một bản kiến nghị tới Chánh Án Tòa án Hà Nội, nhằm yêu cầu chấm dứt ngay các hành động bị coi là vi hiến, xâm phạm quyền của công dân tại chốn pháp đình.
Lê An: Em đồng ý với bạn Quang Sơn vì thực tế ngay trong nhà trường, khi còn đang học đại học thì những tư tưởng đó đã bị chặn đứng hoàn toàn.
Một vấn đề rất đơn giản, giống như mới đây không lâu có vụ Bình Dương nổi lên chống Trung Quốc, thay vì nhà trường phổ biến thông tin cho sinh viên thì lại ra hẳn một văn bản cấm sinh viên biểu tình, gia nhập vào những việc đó, cấm sinh viên lên tiếng, thậm chí khi có ý kiến trái chiều thì bị chặn đứng hoàn toàn. Ngay cả khi trong trường có vấn đề gì xảy ra lập tức gọi công an đến và giao sinh viên thẳng cho công an. Đấy là trường hợp chính mắt em thấy, và khi lên tới công an thì họ đóng kín (cửa) lại và đánh đập làm mọi cách để mình thay đổi tư tưởng đó.
... mới đây không lâu có vụ Bình Dương nổi lên chống Trung Quốc, thay vì nhà trường phổ biến thông tin cho sinh viên thì lại ra hẳn một văn bản cấm sinh viên biểu tình, gia nhập vào những việc đó, cấm sinh viên lên tiếng, thậm chí khi có ý kiến trái chiều thì bị chặn đứng hoàn toàn...
- Lê An
Ngay cả ở VN khi muốn vào chính quyền hoặc cán bộ, lên chức thì bắt buộc 100% phải kết nạp đảng, khi kết nạp đảng thì những tư tưởng đó bị loại hoàn toàn. Nó đã diệt từ trong trứng nước, nên không thể nào có thể đứng lên hoặc làm gì.
Giống như vụ Luật sư Thu Nam bị côn đồ tấn công, thật sự chính giới luật sư đã bị như vậy thì nói chi là người dân. Thậm chí có nhiều cuộc biểu tình, người dân làm trong ôn hòa, nhưng rõ ràng chính quyền cử công an mặc đồ thường dân vào đó phá, đánh người. Và người chịu là ai? Vẫn là người dân. Đó là những gì chính mắt em thấy.
Nói chung, nhà nước này người ta không còn ai tin tưởng nữa, giới trẻ ngày nay càng biết nhiều về điều đó và bị như thế nên họ đành im lặng không nói; kiểu “thời thế tạo anh hùng” vẫn chưa có người đứng lên cầm đầu, thì người ta vẫn phải lo cuộc sống hằng ngày của họ thôi. Do vậy, sẽ không có một ai đứng lên chống lại cường quyền, chỉ là biết thì biết và tránh vậy thôi. Ngoài ra nếu có tham gia thì cũng chỉ trong một phạm vi cho phép, vì nếu để biết họ sẽ diệt anh liền.
Bảo Linh: Ba bạn đã nói rất nhiều về việc sinh viên sợ hãi bị bắt bớ và trù dập. Từ trong giáo dục nhà trường đã tạo cho các bạn nỗi sợ đó và ít tham gia những phong trào chính trị hoặc những hoạt động chính trị đối lập. Ở VN, sinh viên không thể tham gia những phong trào chính trị nào khác ngoài hai tổ chức đoàn và đảng. Hai tổ chức này rõ ràng chỉ có một không gian chính trị bó buộc các bạn phải tin tưởng vào đảng và nhà nước, ngoài ra những tư tưởng khác không thể nào nhen nhóm trong tổ chức này.
Vì đời sống kinh tế ở VN không phát triển nên các bạn ngoài nỗi lo đi học để có bằng cấp còn cơm áo gạo tiền, nên việc lên tiếng về chính trị cũng còn rất khó khăn. Nhưng cũng có tín hiệu vui: ở VN vẫn cho sử dụng mạng xã hội facebook. Do trên facebook có thông tin đa chiều hơn, các bạn có thể tiếp cận những thông tin khác ngoài những báo chí lề phải của đảng và nhà nước kiểm soát. Trên những trang mạng xã hội có rất nhiều các bạn tham gia comment, những ý kiến về chính trị rất sôi nổi. Đặc biệt, những trang facebook của những tờ báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, các bạn comment rất táo bạo về ý kiến chính trị của mình. Đó là tín hiệu vui cho các bạn sinh viên trẻ trong thời kỳ hiện tại.
Chân Như: Vậy thì đâu là giải pháp để người trẻ không còn e ngại, có thể cống hiến hết mình cho đất nước mà không bị kiềm hãm?
000_Hkg8933700.jpg
Các gia đình chờ đợi cho tù nhân được thả bên ngoài một cửa tại nhà tù Hoàng Tiến ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cấp ngày 30 tháng 8 năm 2013. AFP PHOTO.

Khải Tường: Các bạn trẻ ngày nay có cố gắng rất nhiều. Em vào các diễn đàn, đặc biệt các diễn đàn nói về nhân quyền và tự do dân chủ có rất nhiều bạn trẻ hiểu ra. Đơn cử như trong facebook của em, mặc dù các bạn rất đa dạng trong các ngành nghề nhưng đôi khi đụng đến vấn đề nổi cộm trong xã hội các bạn cũng có tiếng nói, ví dụ các bạn “share” các đoạn video công an hà hiếp, chính quyền bắt bớ, luật pháp không minh bạch. Tuy nhiên, các bạn nói hoài cũng mệt thôi đành để nó thuận theo ý trời.
Có rất nhiều bạn nói được chính kiến của mình, nhưng bên cạnh đó vẫn có nửa chính kiến bênh vực, có nghĩa là lực lượng này không cân sức, người nửa cân kẻ tám lạng. Do đó, em chẳng đề ra được giải pháp gì chỉ hy vọng tư duy của các bạn thay đổi, cách nhìn thay đổi nhiều hơn, so với những khuôn mẫu rập khuôn mà tụi em được giáo dục đào tạo.
Riêng bản thân em, hiện nay em cũng đang góp rất nhiều tiếng nói vào những diễn đàn đó. Em mong rằng các bạn hiểu được những gì chúng em đang làm và cũng mong là các đàn anh đàn chị lớn hơn, các bậc tiền bối, niên trưởng lớn hơn cũng hiểu được lứa trẻ ở Việt Nam trong nước cũng đang rất cố gắng từng ngày để hiểu ra cốt lõi vấn đề, cũng như hiểu những hệ tư tưởng này nó sai lầm ở chỗ nào, và cần phải thay đổi ở điểm nào.
Lê An: Thật sự nếu có giải pháp thì tình hình đã khá hơn rồi. Theo như em thấy do bây giờ thông tin nhiều hơn, người ta được ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí số thành phần trốn ở nước ngoài nhiều hơn, thì khi người ta được tiếp xúc nhiều sẽ dần thức tỉnh thôi. Giống như trong nhiều tháng gần đây, nhiều giới trí thức đã thức tỉnh. Bản thân em là một nghệ sĩ thì vấn đề rất đơn giản, xung quanh em mỗi khi em nhắc đến vấn đề về chính trị hoặc nhân quyền dân chủ, thì không ai quan tâm hết. Tuy nhiên, dần dần khi những chuyện chính quyền làm không minh bạch, không vừa lòng dân thì từ đó họ tự động tìm hiểu hỏi tới.
... ngoài vấn đề giáo dục ra họ cần phải có sự khuyến khích học sinh sinh viên cởi mở hơn chia sẻ và dám phản kháng hơn; hoặc ngay chính các bạn trẻ phải có sự phản kháng hoặc đương đầu...
- Lý Quang Sơn
Em chỉ mong sau này những bạn trẻ du nhập kiến thức ở nước ngoài về, mang về VN giúp cho đất nước chứ không phải đi luôn. Rồi người trẻ những thế hệ 8x, 9x hay sau này nhỏ hơn nữa, sau này lớn lên sẽ biết nhiều hơn về lịch sử và chính quyền này thì họ sẽ đứng lên. Có thể đầu tiên là một nhóm nhỏ bị dập tắt, nhưng sau này nhiều người đứng lên thì lúc đó sẽ thay đổi. Bây giờ người ta chỉ mong vào sự thay đổi thôi, mong vào sự tốt nhất cho dân, chứ không mong gì. Ai cũng mong cuộc sống mình tốt hơn. Con giun xéo riết rồi cũng quằn thôi.
Lý Quang Sơn: Giải pháp thực ra phải đến từ nhiều phía. Ví dụ từ phía chính quyền hay hệ thống nhà nước này, ngoài vấn đề giáo dục ra họ cần phải có sự khuyến khích học sinh sinh viên cởi mở hơn chia sẻ và dám phản kháng hơn; hoặc ngay chính các bạn trẻ phải có sự phản kháng hoặc đương đầu. Có câu nói quyền dân chủ nếu để lâu ngày dần dần nó sẽ tan biến mất đi. Đối với các bạn trẻ thì chính các bạn phải tự rèn luyện, phải cống hiến, phải gia nhập hoà nhập vào những cộng đồng không chỉ là cộng đồng đấu tranh mà còn như các NGOs, các hội bảo vệ môi trường về quyền con người. Chính bản thân các bạn đầu tiên phải mạnh dạn trước đã rồi mới đến việc nhà nước hay việc người khác tạo điều kiện cho các bạn tham gia.
Bảo Linh: Nếu một người lên tiếng thì còn sợ, còn nếu tạo thành phong trào nhiều người lên tiếng thì sẽ ít sợ hãi hơn vì tâm lý số đông sẽ khiến người ta mạnh miệng hơn là một số ít người lên tiếng. Từ những tiếng nói chung sẽ tạo phong trào lớn hơn rồi những tổ chức hoạt động dân sự sẽ thay đổi. Ngoài ra các bạn trẻ phải tự tìm hiểu lại lịch sử nước nhà vì đã bị viết sai quá nhiều trong giáo dục, rồi chính trị.
Ngoài ra, các bạn nên dùng mạng xã hội để đăng tải những vụ việc tiêu cực về xã hội đời sống hay liên quan đến công quyền vì khi loan tải trên mạng xã hội nhiều người biết và sẽ cho nhiều ý kiến hoặc được phổ biến đưa lên những mặt báo. Khi dư luận phản ứng mạnh mẽ và dữ dội thì sẽ có những xử lý. Đó là những điều cơ bản mà các bạn sinh viên có thể làm trong tầm tay của mình.
Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của các bạn khách mời.

No comments:

Post a Comment