Friday, April 22, 2016

Ngư dân Trung Quốc cố tình đánh bắt trái phép trên Biển Đông vì “khát cá”?

LỀ PHƯƠNG  05:59 23/04/2016
BizLIVE - Ngoài chủ quyền lãnh thổ, tàu cá Trung Quốc mạo hiểm vươn tới cả những vùng biển xa xôi như vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá, tạp chí Economist nhận xét.

Ngư dân Trung Quốc cố tình đánh bắt trái phép trên Biển Đông vì “khát cá”?
Theo thống kê, nước có số tàu đánh bắt trái phép bị Indonesia ngăn chặn lớn nhất chính là Trung Quốc. Ảnh: The Economist
Nhiều người cho rằng đánh chìm tàu cá đánh bắt bất hợp pháp là hành động khiêu khích, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Nhưng Indonesia lại nghĩ khác, chính phủ nước này cho đây là một biện pháp rất hiệu quả.
Ông Joko Widodo lên nhậm chức Tổng thống vào năm 2014 với cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Từ đó tới nay, Indonesia đã phá hủy hơn 170 tàu cá nước ngoài.
Chính phủ cho biết số tàu đánh bắt trái phép đã giảm mạnh, còn sản lượng đánh bắt của tàu nội địa tăng.
Theo thống kê, nước có số tàu đánh bắt trái phép bị Indonesia ngăn chặn lớn nhất chính là Trung Quốc.
Tháng Ba, Trung Quốc đã khiến Indonesia phẫn nộ vì điều tàu hải cảnh hậu thuẫn tàu cá đánh bắt trái phép đang bị chính quyền Indonesia bắt giữ về cảng.
Một ngư dân trên con tàu trả lời truyền thông Mỹ, nói “có thể” ông và đồng nghiệp đã đánh bắt trong vùng nước của Indonesia. Nhưng điều này là gần như chắc chắn.
Chủ quyền của Indonesia với quần đảo Natuna là không thể tranh cãi. Theo luật quốc tế, ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Nhưng ngược lại, Bắc Kinh lại ra sức bao che cho nhóm ngư dân, khăng khăng khẳng định họ khai thác trong vùng nước là “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Khu vực này nằm trong đường 9 đoạn phi nghĩa mà Trung Quốc tự dựng lên trên Biển Đông.
Ngư dân của Trung Quốc từng bị bắt giữ ở ngư trường của các nước Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, tất cả những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Xa hơn thế, ngư dân nước này còn gây rối cả ở những khu vực không bị chồng lấn về tuyên bố chủ quyền. Nga, Hàn Quốc và Sri Lanka cũng đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc những năm gần đây.
Cá biệt, năm 2011, một ngư dân Trung Quốc đã đâm một binh sỹ thuộc lực lượng hải cảnh Hàn Quốc cho tới chết.
Năm 2012, một ngư dân Trung Quốc khác bị cảnh sát Palau bắn chết, một nước cộng hòa nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương.
Lật nhanh qua vài năm, tháng 12 năm ngoái, tới 24 nước châu Phi kêu gọi Trung Quốc ngừng đánh bắt cá trái phép ở vùng biển phía Tây Phi.
Mới đây nhất, tháng Ba vừa qua, 4 ngư dân Trung Quốc đã bị Argentina giam giữ, sau đó được trả tự do.
Ngoài chủ quyền lãnh thổ, tàu cá Trung Quốc mạo hiểm vươn tới cả những vùng biển xa xôi như vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá.
Đây là nước tiêu thụ và xuất khẩu cá lớn nhất thế giới. Tỷ lệ tiêu thụ cá bình quân đầu người của Trung Quốc cao gấp đôi mức trung bình của thế giới.
Ở trong nước, ngành hải sản của Trung Quốc đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi nạn ô nhiễm môi trường và đánh bắt tận diệt. Trữ lượng cá đang cạn kiệt nghiêm trọng.
Biển Đông chiếm tới 10% tỷ trọng sản lượng đánh bắt toàn cầu. Nhưng nguồn hải sản đáp ứng đánh bắt gần bờ chỉ còn bằng 5 – 30% so với những năm 1950. Do đó ngư dân Trung Quốc phải tìm đến những vùng nước xa bờ.
Hành động liều lĩnh của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt của nhiều nước khác.
Năm 2012, sản lượng đánh bắt của Trung Quốc đạt 13,9 triệu tấn, bỏ xa mức 5,4 triệu tấn của Indonesia, 5,1 triệu tấn của Mỹ, 3,6 triệu tấn của Nhật Bản và 3,3 triệu tấn của Ấn Độ.
Và hành động này lại được Bắc Kinh khuyến khích. Nước này vẫn xem an ninh lương thực là yếu tố cần được ưu tiên, một phần vì nó tạo tới 14 triệu công ăn việc làm.
Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm Tanmen, một cảng đánh bắt ở phía Nam đảo Hải Nam. Ông chỉ thị ngư dân ở đó phải “đóng các con tàu to hơn và đi tới những vùng biển xa hơn ngoài đại dương, đánh bắt những con cá lớn hơn”.
Bắc Kinh cũng hỗ trợ đóng mới tàu, chi phí nguyên liệu và phương tiện định vị cho ngư dân.
Nhưng điều này không đồng nghĩa Trung Quốc đang biến ngư dân thành công cụ thực hiện chính sách bành trướng.
Trên thực tế, Bắc Kinh “thỉnh thoảng” cũng tìm cách kiểm soát ngư dân trong một vài trường hợp đáng xấu hổ.
Ông Zhang Hongzhou, học giả của Chương trình an ninh hàng hải Singapore (RSIS), từng ghi nhận những gì mắt thấy tai nghe ở cảng biển đánh cá ở Trung Quốc, bao gồm cảng Tanmen.
Thay vì chỉ đơn thuần làm theo lời hô hào của ông Tập, nhiều ngư dân không những vi phạm pháp luật, mà còn đánh bắt và buôn bán trái phép các động vật quý hiếm như rùa, trai lớn.
Nhưng ngược lại, hoạt động đánh bắt cá cũng có thể mang mục đích chiến lược. Giống việc xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở Biển Đông, sự hiện diện của những đoàn tàu cá Trung Quốc hùng hậu tại các vùng biển tranh chấp khiến mọi việc thành “sự đã rồi”.
Ngoài ra, nó cũng hợp lý hóa luận điệu về “ngư trường truyền thống” mà Trung Quốc hay lấy ra để bao biện.
Việc chính phủ hậu thuẫn hành động đánh bắt cá ở khu vực xảy ra tranh chấp là một ý đồ nguy hiểm. Tháng 9/2010, một tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt ở gần khu vực đảo Senkaku/ Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc. Tàu này đã đâm tàu hải cảnh của Nhật Bản, làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Khi các vùng biển ngày càng quân sự hóa, nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ càng cao. Cho đến nay, hải quân Trung Quốc hiếm khi can dự.
Tuy nhiên một số cảng đánh cá của Trung Quốc đã tự tăng cường lực lượng “quân sự hàng hải”, ví dụ như trang bị các tàu dân sự vũ trang.
Sau những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên quần đảo Natuna, Indonesia nói sẽ điều động hải quân, lực lượng đặc nhiệm, một tiểu đoàn quân sự, ba tàu khu trục, một hệ thống radar mới, máy bay không người lái và 5 chiến đấu cơ F-16.
Tuy nhiên, hành động này có thể sẽ không ngăn cản được Trung Quốc và các ngư dân quăng lưới ngày càng xa hơn.

No comments:

Post a Comment