Khu trục hạm trang bị hỏa tiễn USS Fitzgerald cặp cảng ở vịnh Subic, Philippines, trong cuộc tập trận ở Biển Đông hồi năm 2013. (Hình minh họa: AFP/Getty Images)
Hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Hai, Đô Đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ, ông Ray Mabus, bộ trưởng Bộ Hải Quân Mỹ, và Thiếu Tướng Robert Neller, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đều lên tiếng phát biểu, ít ngày sau khi Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đưa ra các lời cảnh cáo Trung Quốc tại cuộc điều trần ở Quốc Hội.
Ông Harris nói trong cuộc điều trần hôm Thứ Ba tuần trước tại Thượng Viện rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa cũng như việc cơi nới mở rộng các đảo tại quần đảo Hoàng Sa, nằm trong kế hoạch bá quyền bành trướng muốn độc chiếm Biển Đông mà Bắc Kinh đang từng bước thực hiện, bất chấp phản ứng quốc tế.
Đô Đốc Harris cho hay, Trung Quốc đã nhanh chóng đưa máy bay chiến đấu, thiết lập các giàn hỏa tiễn hoặc xây dựng các đài radar trên một số đảo nhân tạo. Một số đảo nhân tạo này còn có các các phi đạo dài 3,000 mét cho các phi cơ quân sự lớn nhất lên xuống.
“Những hành động này (của Trung Quốc) đang thay đổi hoàn cảnh hoạt động cho các lực lượng quân sự trên Biển Đông, theo ý kiến của tôi,” Đô Đốc Harris nói trong cuộc điều trần.
Những loại võ khí mà Trung Quốc đặt tại những đảo đó có thể thúc đẩy Hoa Kỳ phải thay đổi sự hiện diện ở khu vực, hai tướng Richardson và Neller đều cùng phát biểu như vậy trong cuộc hội thảo do Viện Nghiên Cứu Brookings ở thủ đô Washington, DC, tổ chức.
Hải Quân Hoa Kỳ đã có kế hoạch điều chuyển 60% trong số 308 tàu chiến sang khu vực Biển Đông từ nay đến năm 2020.
Thí dụ, như ông Richardson nhận định, Trung Quốc tăng cường lực lượng có thể buộc Hoa Kỳ phải tính lại khả năng của đội tàu ngầm tấn công. Hải Quân Hoa Kỳ từng cho rằng họ cần tới 48 tàu ngầm tấn công để thực hiện nhiệm vụ nhưng bây giờ ông cho rằng con số vừa kể vẫn không đủ, theo sự biến diễn quá nhanh của thời cuộc.
“Con số đó (48 tàu ngầm tấn công) thật ra dựa vào các phân tích có từ năm 2006,” Đô Đốc Richardson nói tại cuộc hội thảo.
Ba trong bảy đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp tại quần đảo Trường Sa có phi đạo dài tới 3,000 mét sẽ dùng cho các loại chiến đấu cơ và oanh tạc cơ sử dụng. Những ngày gần đây, Trung Quốc còn mang các giàn hỏa tiễn phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa và xây dựng các căn cứ trực thăng trên một số đảo, gồm cả đảo Quang Hòa. Tất cả các loại máy bay, dân sự hay quân sự bay qua khu vực này trong phạm vi 200 km sẽ bị đe dọa.
“Hỏa tiễn chống tàu chiến DF-21 mà họ đã phát triển và hỏa tiễn tầm trung DF-26 hiện Trung Quốc đang phát triển có thể đe dọa cho các hàng không mẫu hạm của chúng ta,” Đô Đốc Harris nói trong cuộc điều trần tại Thượng Viện tuần trước. “Tôi cho rằng lực lượng của chúng ta đủ sức thi hành nhiệm vụ nếu họ tiến đến mức đó.”
Thiếu Tướng Neller thì cho rằng các hành động của Trung Quốc cũng buộc lực lượng Thủy Quân Lục Chiến phải suy nghĩ lại viễn ảnh của khu vực. Ông cho rằng lực lượng của ông cần phải được cải tiến để tồn tại trước một đối thủ trước đây không có hỏa tiễn.
Sau cuộc điều trần tại Thượng Viện, hôm Thứ Năm tuần trước, Đô Đốc Harris cho hay những diễn tiến gần đây sẽ không ngăn được các hoạt động của hàng không mẫu hạm trên Biển Đông.
Mặt khác, một tướng tư lệnh của Trung Quốc tuyên bố lực lượng của họ đã chuẩn bị sẵn sàng “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.”
Trong một phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi được đưa lên làm tư lệnh chiến khu Nam theo cách sắp đặt mới của Trung Quốc, tướng Wang Jiaocheng (Vương Giáo Thành) nói lực lượng của ông luôn luôn đề cào cảnh giác đối với bất cứ sự đe dọa an ninh nào trên các vùng biển tranh chấp, theo tờ Nhân Dân Nhật báo.
“Quân đội sẽ đủ khả năng đối phó với tất cả các sự đe dọa an ninh. Không một nước nào được cho phép bào chữa cho các hành động đe dọa đến chủ quyền và an toàn lãnh thổ của Trung Quốc,” Tướng Thành đe dọa. (TN)
02-28-2016 5:13:08 PM
No comments:
Post a Comment