TOKYO, Nhật (NV) - “Tự do lưu thông ở Biển Đông đang bị đe dọa.” Đó là nhận định của ông Tony Abbott, cựu Thủ Tướng Úc. Ông Abbott, nhấn mạnh, Trung Quốc đang thách thức nguyên tắc tự do lưu thông của luật pháp quốc tế.
Bãi đá Gaven ở quần đảo Trường Sa được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo, sau khi xây dựng một phi trường tại đó. (Hình: CSIS)
Cuối tuần qua, khi đến thăm Nhật, cựu thủ tướng Úc tiếp tục tỏ ra hết sức bất bình về các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây.
Hồi Tháng Ba năm ngoái, tại một cuộc họp báo chung trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam rời Úc sau chuyến thăm kéo dài ba ngày, ông Tony Abbott, lúc đó là thủ tướng Úc, tuyên bố, cũng như Việt Nam, Úc ủng hộ việc bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và trên biển.
Ông Abbott lấy làm tiếc khi đã xảy ra một số hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng Biển Đông và cho rằng, tất cả các tranh chấp về chủ quyền cần phải được giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Lúc đó, ông Abbott cùng với ông Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông tự chế, không thay đổi nguyên trạng vùng biển này.
Tuy ông Abbott không đề cập gì đến Trung Quốc, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lập tức tuyên bố, Bắc Kinh hy vọng các quốc gia nằm ngoài khu vực Biển Đông duy trì quan điểm trung lập, đặc biệt là đối với vấn đề chủ quyền.
Nay, ông Abbott nói thẳng, chính Trung Quốc đang đẩy an ninh và sự ổn định của khu vực Biển Đông đến chỗ lâm nguy và theo ông, Trung Quốc nên dừng ngay việc thách thức quyền tự do lưu thông, và nói rằng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nên được giải quyết một cách ôn hòa theo luật pháp quốc tế.
Cựu thủ tướng Úc lập lại rằng Canberra không đứng về phía nào trong các vụ tranh chấp chủ quyền cả ở Biển Đông lẫn những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông, Úc đã lặng lẽ tăng các cuộc tuần tra của cả hải quân lẫn không quân quanh các đảo tại Biển Đông.
Tuy Trung Quốc là đối tác thương mại đặc biệt quan trọng đối vơi kinh tế Úc, nhưng gần đây, Canberra vẫn thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn trước đối với các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trong Bạch Thư Quốc Phòng 2016, Úc nhấn mạnh, lý do quốc gia này gia tăng chi tiêu quốc phòng là vì e ngại trước chuỗi hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong giai đoạn 2016-2017, Úc sẽ chi 32.4 tỷ đô la Úc cho quốc phòng. Đến giai đoạn 2025-2026, con số này sẽ là 58.7 tỷ đô là Úc. Theo dự kiến, đến 2030, hải quân Úc sẽ trang bị thêm ba khu trục hạm, chín hộ tống hạm, 12 tuần dương hạm, và 12 tàu ngầm. Không quân Úc sẽ trang bị thêm 72 chiến đấu cơ loại F-35. Quân số của quân đội Úc cũng sẽ tăng thêm 2,500 quân nhân, nâng tổng số thành 62,400 người.
Với bối cảnh như hiện nay, Úc cho rằng họ đang phải đối mặt với “môi trường chiến lược biến động và khó khăn nhất.” Mức độ quân sự hóa tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong vòng hai thập niên nữa sẽ biến khu vực này thành nơi tập trung một nửa tàu ngầm và chiến đấu cơ trên thế giới. Úc đã vài lần đòi Trung Quốc phải minh bạch hơn nữa trong chính sách quốc phòng, đặc biệt là phải giải thích Trung Quốc thật sự muốn gì ở Biển Đông.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố là Trung Quốc “không hài lòng” về Bạch Thư Quốc Phòng của Úc và bảo Úc phải “thay đổi lập trường” cũng như “phải có quan điểm tích cực về sự phát triển của Trung Quốc.”
Còn phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thì cho rằng: “Úc nên vun xới cho quan hệ song phương. Đừng tham gia hay tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể gây tổn hại cho ổn định khu vực.” (G.Đ.)
02-28-2016 4:01:54 PM
No comments:
Post a Comment