Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-02-29
Nghi lễ chém lợn ở làng Nem Thượng, tỉnh Bắc Ninh vào ngày 13 tháng 2 năm 2016. AFP photo
Ý tưởng xưa và nay
Hình ảnh hỗn loạn ở một lễ hội trong những ngày sau Tết nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng điện tử. Đi kèm những hình ảnh đó là nhiều lời phê bình chỉ trích, đánh dấu một khuynh hướng xã hội mới, xem những hội hè truyền thống là những hủ tục, kém văn minh.
Lễ hội chém lợn bị phê phán là dã man chưa bao lâu thì nay đến lễ cướp phết tại Phú Thọ.
Nhận xét về những ngày hội hè sau Tết đó, blogger Cánh Cò viết rằng:
Người Việt vẫn mang nặng tâm lý là tháng ăn chơi, tháng lễ hội và cờ bạc mà trong những trò ăn chơi ấy lộ rõ tính cách người Việt, hay ít ra một bộ phận rất lớn người Việt một cách thảm hại.
Một sự kiện văn hóa khác diễn ra trong những ngày đầu năm là đoàn làm phim King Kong của Hollywood đến Việt Nam. Sự kiện văn hóa này được tổ chức kỹ lưỡng, và thu được rất nhiều tiền. Điều thú vị, như blogger Hiệu Minh so sánh, là ngay đầu năm Bính Thân, Hollywood lại làm phim về chú khỉ Kinh Kong. Hiệu Minh đặt câu hỏi là tại sao Việt nam lại không có một ý tưởng nhẹ nhàng như các nhà làm phim Mỹ, vừa thu lợi, vừa bảo vệ được thiên nhiên. Ông liên tưởng đến hội Phết Phú Thọ:
Người Việt vẫn mang nặng tâm lý là tháng ăn chơi, tháng lễ hội và cờ bạc mà trong những trò ăn chơi ấy lộ rõ tính cách người Việt, hay ít ra một bộ phận rất lớn người Việt một cách thảm hại.
- Blogger Cánh Cò
Xứ Việt vốn dễ tin kể cả những ý tưởng cao siêu trên trời và nhiều người hay diễn những trò khỉ bẩn như từ tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ, hôi của, lừa đa cấp, để kiếm tiền bất hợp pháp đến cướp lộc, cướp phết bằng vũ lực.
Cũng có một ý tưởng được cho là sáng tạo do một công ty kinh doanh đưa ra, đó là công viên Safari tại Phú Quốc. Những nhà kinh doanh du lịch đã đưa những người da đen châu Phi đến đây thu hút sự hiếu kỳ của người Việt Nam. Giáo sư Jonathan London so sánh ý tưởng này với sở thú người ở châu Âu trong thế kỷ 19, và ông gọi Safari Phú Quốc là một ý tưởng thấp kém về văn minh.
Lý tưởng và ngộ nhận
Nhưng ý tưởng lớn nhất tại Việt nam trong suốt hơn 70 năm qua lại là một lý tưởng, lý tưởng cộng sản được đảng cộng sản Việt nam đưa vào từ nước ngoài, với mô hình sở hữu tập thể.
Tác giả Sắc Ly viết trên trang Bauxite Việt nam về công cuộc thực hiện lý tưởng đó suốt 70 năm qua:
Sau 70 năm đi theo Đảng, tưởng rằng sẽ xóa đi được cái nghịch cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra!”, thì bây giờ sự khác biệt ấy lại càng nặng nề hơn, khắc nghiệt hơn! Hàng triệu gia đình nông dân nghèo chờ mãi mà vẫn chưa đến lượt được Đổi Đời.
Một điều lạ lùng và khó hiểu là cho đến nay vẫn không có ai lý giải nổi Nguyên Nhân của Nghèo Đói, của bất công xã hội ở Việt Nam, không chỉ ra được ai phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này.
Trong suốt thời gian đó, theo tác giả Nguyễn Quang Dy, trong một bài phân tích công phu trên trang Việt-Studies, những chính sách của đảng cộng sản chỉ là sự ngộ nhận, từ chuyện quá độ lên chủ nghĩa xã hội của mấy mươi năm trước đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay. Theo tác giả kết quả của nó chỉ là người Việt nam hiện nay mất lòng tin:
Ngộ nhận là một tai họa, có thể kéo dài quá trình chuyển đổi, thậm chí tụt hậu. Chuyển đổi là vấn đề sống còn đối với vận mênh đất nước, nhưng thay đổi quá ít và quá muộn có thể trở thành vô nghĩa, vì để mất cơ hội mới, hoặc đánh mất nốt lòng tin còn sót lại.
Blogger Nguyễn Văn Thạnh đánh giá trên blog Ngàn Lau về mô hình chính trị mà những người cộng sản cho là lý tưởng tại Việt nam hiện nay:
Ở đây chỉ có một xu hướng chính trị duy nhất do đảng cộng sản lãnh đạo. Đây là một cái cây độc nhánh. Điều xấu ở đây hiện nay cái nhánh độc này đang bị thoái hóa, già cỗi, đầy sâu bọ. Tuy nhiên không có một cái nhánh nào có khả năng nảy mầm thay thế nó được. Mọi sinh hoạt chính trị khác biệt với Đảng Cộng Sản đều bị diệt trong trứng nước. Nó như việc mọi mầm xanh mới nhú lên đều bị hủy hoại.(Hiện ĐCS Việt Nam không ra luật cho các tổ chức khác có thể hoạt động: luật về hội, luật về đảng, luật về biểu tình,…đều bị giữ chặc không ban ra). Không có một nhánh chính trị nào thay thế giải pháp ĐCS, trong khi giải pháp này đang bị bế tắc.
Chuyển đổi từ trên xuống?
Người ta nói nhiều đến sự cải tổ, chuyển đổi từ chính những người cộng sản cầm quyền, nhất là trướcc và sau khi đại hội đảng lần thứ 12 vừa kết thúc gần đây. Người ta bàn nhiều đến những nhân vật có thể hoặc không thể cải cách.
Trong một loạt bài phân tích về cải cách ở Việt nam, blogger Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng:
Thực tế cho chúng ta thấy rằng nếu ngày hôm qua đa số lãnh đạo cao cấp ở Trung Ương đã ủng hộ người đứng đầu một chính phủ tham nhũng, thì cũng chính những lãnh đạo đó, trong một khoảng thời gian ngắn, có thể quay lưng lại với người mà mình đã từng ủng hộ. Như vậy, việc họ lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ một cá nhân nào đó trong bộ máy tham nhũng, không có nghĩa là họ muốn chống lại tham nhũng.
Công cuộc cải cách ở Việt Nam sẽ không phụ thuộc quá lớn vào việc nhân sự nào ra đi, nhân sự nào ở lại.
Lại cũng có những ý kiến cho rằng cải cách ở Việt nam dù là cần cân bằng và kiểm soát quyền lực nhưng không nhất thiết phải bỏ chế độ độc đảng, như tác giả Gia Anh trên trang blog của tờ báo Kinh tế Sài gòn:
Tất nhiên giám sát và cân bằng quyền lực là quan trọng, song cải cách chính trị không nhất thiết phải là đa đảng, nhưng cũng không thể chỉ dừng lại ở việc đưa thêm kỹ trị hay thậm chí cả sự tận tụy vào nhà nước. Gần đây tôi gặp nhiều doanh nhân có quan điểm cho rằng, cải cách chính trị trước hết là hạn chế quyền lực của nhà nước.
Một đảng cũng được, chuyên chế chính trị cũng được, miễn là quyền lực của nhà nước được duy trì ở mức tối thiểu theo Hiến pháp. Nghĩ mà xem, nếu quyền lực nhà nước được hạn chế ở việc bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm trọn vẹn quyền sở hữu tài sản của công dân, bảo đảm hợp đồng được thực thi thì chính quyền nào mà chẳng như nhau.
Chuyện kỹ trị mà Gia Anh đề cập được dư luận bàn đến nhiều sau khi hai vị lãnh đạo được cho là có chuyên môn cao về kinh tế và kỹ thuật là ông Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng được đưa về đứng đầu hai thành phố lớn nhất của quốc gia là thủ đô Hà nội và TP HCM.
Tác giả Đinh Phương viết trên trang Ba Sàm rằng những hành động năng nổ của hai người được xem là kỹ trị này thực ra chỉ là liều thuốc trị ngoài da, không thể trị được căn bệnh chính đó là sự cuồng nhiệt chủ nghĩa Mác Lê của những người cộng sản.
Thay đổi từ người dân
Có những nổ lực lớn lao từ người dân cũng như giới trí thức để thúc đẩy cho sự chuyển đổi, phá vỡ sự bế tắc.
Nhưng những người đầu tiên đã vấp phải một lực cản mạnh mẽ từ phía nhà cầm quyền.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, người xuất thân từ một gia tộc cộng sản, thành lập trang báo mạng nổi tiếng Ba Sàm không nằm dưới sự kiểm soát của đảng.
72 nhân sĩ trí thức kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, bãi bỏ chế độc độc đảng.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt đã hai năm nay chưa xét xử, còn 72 nhân sĩ trí thức thì bị ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư đảng cho rằng suy thoái chính trị và tư tưởng cần phải được xử lý.
Tác giả Nguyễn Đăng Quang viết trên Bauxite Việt nam một câu hỏi giành cho ông Nguyễn Phú Trọng:
Một đảng cũng được, chuyên chế chính trị cũng được, miễn là quyền lực của nhà nước được duy trì ở mức tối thiểu theo Hiến pháp.
- Tác giả Gia Anh
Ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự bị bắt giam đã gần hai năm nay. Việc các cơ quan tố tụng không chứng minh được các bị cáo có tội nhưng vẫn cố tình giam giữ họ làm người ta nghĩ đây không phải là vụ án hình sự mà là vụ án chính trị! Việc “xử lý bắt bỏ tù này” có phải là hệ quả của LỜI ĐE DOẠ ở Vĩnh Phúc ba năm trước hay không, tôi không dám khẳng định! Nếu quả đúng như vậy thì cái danh xưng “Nhà nước Pháp quyền” phải được hiểu là gì đây? Còn cái nội hàm “Dân chủ đến thế là cùng!” là cái chi một khi người dân “không được mở miệng” để phê bình chính phủ và chính đảng cầm quyền, thưa ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Nhà nước pháp quyền là câu nói thường được giới chức lãnh đạo cộng sản nhắc đến trong những năm gần đây, còn dân chủ đến thế là cùng là một trong những câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Một người hoạt động dân chủ trẻ tuổi là cô Lê Thu Hà bị bắt vào cuối năm ngoái.
Nhiều trang blog đưa lại bài viết cũ của cô Hà như những dòng tự sự vì sao cô dấn thân vào khó khăn, thậm chí tù đày:
Bạn có thể xếp tôi vào thành phần thiểu số những cá nhân hậm hực, bất mãn với chế độ, và bạn có thể dè bỉu khi bảo rằng tôi đang lầm đường lạc lối, nhưng bạn hãy chờ đi nhé, cho dù hiện nay, công cuộc đấu tranh này còn đối mặt với nhiều gian nan, trở ngại nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy con đường tôi đang đi hoàn toàn đúng. Hãy nhìn xuyên suốt lịch sử, bạn sẽ thấy một điều rõ ràng, tất cả mọi cuộc đấu tranh chính nghĩa đều bắt đầu từ thiểu số!
Blogger Yên Lê nhận xét về cô Lê Thu Hà và những người đồng chí hướng:
Họ là những người chầm chậm đặt những viên gạch nền móng cho một nhà nước pháp quyền nơi nhà nước ghi nhận, đảm bảo và thực thi quyền con người; nơi mà mọi sự vi phạm phải được giải quyết công bằng, bình đẳng tại toà chứ không phải xử sự như xã hội cảm tính dùng luật rừng với nhau.
Sợ hãi và chuyên chế
Trở lại với tác giả Gia Anh của trang blog Kinh tế Sài gòn, mặc dù ông cho rằng không cần phải đa đảng mà chỉ cần hạn chế quyền lực của nhà nước, nhưng theo ông thì khi quyền lực nhà nước bị thu hẹp thì sự chuyên chế không còn nữa.
Những người cộng sản Việt nam không nói rằng chế độ của họ là chuyên chế, nhưng đồng thời họ lại nói rằng nền chính trị của họ là một nền chính trị chuyên chính vô sản.
Không rõ chuyên chính của đảng cộng sản và chuyên chế của Gia Anh có đồng nghĩa với nhau hay không.
Trong khi đó thì vào mùa xuân năm nay, một làn sóng đấu tranh dân chủ mới được hình thành, đó là những người hoạt động xã hội dân sự đứng ra ứng cử vào Quốc hội Việt nam. Những nhà hoạt động này ý thức được rằng họ khó có thể thành công để hoạt động trong một cơ quan nhà nước đặt dưới quyền kiểm soát của đảng cộng sản. Nhưng một trong số những ứng viên đó là bà Đặng Bích Phượng ở Hà nội nói rằng bà ra ứng cử để thoát khỏi một sự sợ hãi, và điều này sẽ kéo theo sự thoạt khỏi sợ hãi của xã hội, từ đó thúc đẩy sự thay đổi.
No comments:
Post a Comment