Tuần qua, đọc trên mạng thấy thiên hạ phê phán, kêu gọi tẩy chay hàng loạt cuốn sách đồ sộ về Đặng Tiểu Bình. Giật mình thấy, nếu có quá nhiều nhà xuất bản Việt Nam rất khách quan vô tư dịch và in nguyên xi sách của Tàu ca ngợi nhân vật nổi tiếng này, thì sao lại không có đến một cuốn sách nào của tác giả Việt Nam nghiên cứu về Đặng Tiểu Bình, trong đó có câu chuyện mà kẻ xâm lược, kẻ giết người hàng loạt Đặng Tiểu Bình xua quân tấn công toàn tuyến biên giới Bắc Việt Nam, để "dạy cho Việt Nam một bài học"?
Không ai nói lại hay được phép nói lại sự thật đẫm máu năm 1979? Tôi nhớ lại không khí căng thẳng tại cuộc họp điểm báo tháng 2 năm 1997, khi Đặng Tiểu Bình tạ thế, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có bài viết về tư tưởng cải cách kinh tế của nhân vật, đồng thời nói rõ Đặng Tiểu Bình LÀ KẺ ĐÃ PHÁT ĐỘNG CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM. Tiếp nhận phê phán nặng nề từ Ban Tuyên huấn, Tổng Biên tập Võ Như Lanh điềm tĩnh trả lời, đó là sự thật lịch sử và tôi là nhà báo Việt Nam, tôi có trách nhiệm nhắc bạn đọc của tôi về điều đó.
Sau này, trong bài báo tưởng nhớ anh (vẫn còn trên mạng), ban biên tập TBKTSG còn nhắc quan điểm này: “Anh cho rằng một khi đã tin tưởng điều gì là đúng và cần thiết phải thông tin thì hãy thông tin, sau khi đã cân nhắc đầy đủ lợi hại và sẵn sàng đón nhận những khó khăn có thể đến. Như khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào tháng 2-1997, anh đã chủ trương đưa tin nói rõ cả những mặt sáng và mặt tối của nhân vật này”.
Nói chuyện Đặng Tiểu Bình, không thể không buồn cười nhớ tới nhân vật được biết đến nhiều hơn và ái mộ rộng khắp Việt Nam: vua Càn Long. Nhiều tháng, năm, truyền hình Việt Nam chiếu liên tu bất tận những tập phim về vị “minh quân xuất chúng” Càn Long khiến khán giả Việt yêu quí say mê, rồi yêu luôn tài tử Trương Thiết Lâm, Trương Quốc Lập. Nhiều ký sự về đời tình ái của hai tài tử này một dạo bán rất chạy, giăng đầy mặt báo .
Duy có những điều về vua Càn Long liên quan trực tiếp tới Việt Nam thì hầu như rất xa lạ, hầu như sau này chưa thấy báo nói tới. Tháng 7 năm 1788, Lê Chiêu Thống sai người sang Trung Quốc cầu viện.. Cuối năm 1788, chính vua Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy hơn 29 vạn quân, hộ tống Lê Chiêu Thống về Việt Nam, vào chiếm đóng Thăng Long. Đúng ngày 22 tháng 12 năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, và trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu - 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, tổn thất lớn.
Giật mình, 1789-1979. Vậy là từ khi vua Càn Long định chiếm Đại Việt bị thất bại, cho đến cuộc xâm lược của Đặng Tiểu Bình là tròn 190 năm. Những mảnh lịch sử Việt Nam liên hệ đến họ đã được nói rõ ràng, công bằng đến đâu?
Chuyện đó cũ, còn chuyện này mới tinh. Hôm qua, tờ Petrotimes đưa tin: Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 25/2 có bài kêu gọi quân đội nước này hãy “dạy cho Mỹ một bài học” nếu Washington tiếp tục có những hành động táo bạo. Tờ báo cũng chung gốc với Nhân Dân Nhật Báo là Hoàn cầu Thời báo thì rổn rảng hơn, quy cho Mỹ đang làm rùm beng chuyện Trung Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 ở Hoàng Sa.""là không chỉ gây áp lực cho Bắc Kinh về vấn đề biển Đông mà còn kích động xung đột giữa Bắc Kinh với các nước khác”.
Trung Quốc có đánh Mỹ không? Chưa biết. Tuy vậy, điều lạ là lần này, Trung Quốc xả cảng cho cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng và nhà nước Trung Quốc nhắm thẳng Mỹ mà hăm dọa kích động như vậy.
Rõ ràng là Trung Quốc đã cân nhắc kỹ, đã chơi rất bản lĩnh, rất có tính toán trong cuộc chiến truyền thông. Binh chủng nào, lúc nào, nói gì, "ton" gì, nhắm vào ai... là có đủ loại để nghênh chiến, thay đổi rất linh hoạt để đạt nhưng kết quả khác nhau, chứ không hoàn toàn đồng phục và đơn điệu nhàm chán.
Nhớ hồi chiến tranh, ta đánh ba thứ quân, phối hợp chính quy với du kích. Vậy sao lúc ngư dân sôi sục vì bị rượt đuổi, bắn, giết, cướp tàu khi ra khơi làm ăn trong biển của mình thì báo chí của Mặt trận, của Hội Nghề cá, của Hội Phụ nữ, Thanh niên... không thể lên án tội ác, đòi bồi thường, đòi quốc tế có thái độ với kẻ ý lớn hiếp đáp? Nhiều loại báo, đại diện nhiều đối tượng nhiều giọng, nhiều nội dung, nhiều cách thức tham gia linh hoạt vào cuộc chiến; mà bây giờ làm vậy cũng là “học” cách họ đang xài đủ thứ binh chủng vậy thôi.
Rõ ràng trong một thế giới hội nhập, ta cần tính lại chiến lược, sách lược cho cuộc chiến truyền thông. Sách nghiên cứu về chiến lược của kẻ thù phương Bắc xâm lược Việt Nam. Phim về cuộc tiến quân anh hùng của Quang Trung và biềt bao anh hùng khác. Báo chí của nhiều tầng lớp nhân dân vốn trực tiếp hứng chịu nhiều đau thương tang tóc từ kẽ thù, lẽ nào chỉ có sự câm lặng đồng phục?
V. K. H.
(FB Vũ Kim Hạnh)
No comments:
Post a Comment