Sunday, February 14, 2016

Kinh tế Việt Nam không an toàn vì phụ thuộc FDI

HÀ NỘI (NV) - Năm ngoái, Việt Nam nhận được $23 tỷ từ đầu tư của các doanh nghiệp ngoại quốc (FDI). Khoản này tăng 12.5% so với năm 2014 nhưng không chuyên gia kinh tế nào xem đó là đáng mừng.

Công nhân của một doanh nghiệp FDI. Động lực của kinh tế Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đầu tư từ ngoại quốc. (Hình: Báo Đầu Tư) 

Tuy khả năng thu hút FDI là một trong những yếu tố hỗ trợ xác định triển vọng phát triển kinh tế của một quốc gia nhưng khi mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc gần như hoàn toàn vào FDI thì đó lại là chuyện rủi nhiều hơn may.

Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% giá trị xuất cảng của Việt Nam.

Năm 2015 các doanh nghiệp FDI nhập cảng khoảng $97.9 tỷ, chiếm khoảng 60% giá trị nhập cảng của Việt Nam và góp phần đáng kể vào việc tạo ra thặng dự thương mại là $17 tỷ cho kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, năm ngoái, có 80,000 doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam phá sản, xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. Sang năm nay, riêng trong Tháng Giêng, con số này là 12,500.

Trong một báo cáo về tình hình kinh tế xã hội vào Tháng Giêng năm nay, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam nhận định, môi trường sản xuất kinh doanh tiếp tục không thuận lợi, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay có thể còn khó khăn hơn những năm trước.

Các số liệu thống kê do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố cho thấy, tuy giá trị hàng hóa xuất cảng tăng 0.5% so với Tháng Mười Hai năm ngoái, nhưng chỉ có giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp có FDI tăng, còn giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam giảm khoảng 9%.

Nói cách khác, FDI đang giữ vai trò chi phối kinh tế Việt Nam. Sự chi phối này càng lúc càng lớn vì vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam đối với kinh tế Việt Nam càng lúc càng mờ nhạt. Nội lực của kinh tế Việt Nam đang suy giảm nhanh và nhiều.

Hai giảng viên của Đại Học Kinh Tế Hà Nội là ông Trần Thọ Đạt và ông Tô Trung Thanh vừa công bố một khảo sát của họ về tổng thu nhập quốc nội (GNI) trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo đó, từ 2006 đến nay, GNI/GDP của Việt Nam liên tục suy giảm từ 97.9% xuống 95.1%.

Họ ước đoán, năm 2013 có khoảng $8.6 tỷ chảy theo kênh FDI ra ngoại quốc. Đến năm 2014, con số này là $9 tỷ, và chỉ trong nửa đầu của năm 2015, con số này là $13.2 tỷ nữa. Sự phụ thuộc càng ngày càng lớn vào FDI hiện là một trong những lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy bất an về tương lai của kinh tế Việt Nam.

Cuối tháng trước, tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam (CIEM) tổ chức, ông Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng Thương Mại, hiện là cố vấn cao cấp về hội nhập của chính phủ Việt Nam, cảnh báo rằng động lực của kinh tế Việt Nam hiện là những doanh nghiệp FDI và năm nay “cũng vẫn như vậy!” Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tiếp tục kiệt sức và có thể bị bóp chết sớm. Ông Tuyển nhấn mạnh, thực trạng này không bảo đảm cho “phát triển bền vững.”

Cho dù giới chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo, rằng các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ chết nếu chính quyền Việt Nam không có chính sách hỗ trợ thỏa đáng, nhưng đến nay, theo họ, chính quyền không những không hỗ trợ mà còn thực thi những chính sách giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chèn ép giới này.

Thậm chí, tại hội thảo này, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, nhà nước đang trở thành nhân tố thứ ba chèn ép khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân thu hẹp rồi chết là tất nhiên.


Không có chuyên gia kinh tế nào của Việt Nam dự hội thảo này tỏ ra lạc quan cả về hiện tại lẫn tương lai. Bà Lan giải thích đó là vì nợ nần quốc gia tăng vọt, nội lực của doanh giới thì suy giảm trầm trọng chưa từng thấy. (G.Đ.)

02-14-2016 5:49:14 PM 

No comments:

Post a Comment