Sunday, February 14, 2016

Nghị định bảo hiểm xã hội bắt buộc bị người lao động Việt ở nước ngoài phản đối

Từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, Nghị định 115 quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chính thức có hiệu lực. Ngay lập tức, nghị định 115 này bị những người lao động Việt Nam ở nước ngoài phản đối mạnh mẽ.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do đăng tải hôm Chủ Nhật 14 tháng 2, nhà nghiên cứu luật Nguyễn Trang Nhung từ Sài Gòn cho biết, luật bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực, đòi hỏi người lao động Việt Nam ở trong nước phải đóng 8% lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, tỉ lệ bắt buộc đối với người lao động Việt Nam ở nước ngoài lên tới 22%. Bà Nhung giải thích rằng, đối với người lao động trong nước, thì người sử dụng lao động, tức công ty, đóng 14% còn lại, tổng cộng cũng lên tới 22%.
Bà Nhung chỉ ra rằng, nghị định 115 nhằm bảo đảm nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nắm chắc 22% tiền lương của người lao động, bất chấp việc người lao động ở nước ngoài bị thiệt thòi vì đóng nhiều nhưng hưởng lợi ích ít. Đó là chưa kể họ có thể phải đóng bảo hiểm tại nước sở tại.
Theo chuyên gia này, đa số người lao động Việt ở nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí bế tắc về tài chính. Các khoản bảo hiểm bắt buộc đều ít nhiều trở thành gánh nặng đối với họ. Do đó theo bà, thay vì bắt buộc họ, nhà nước nên để họ tự nguyện đóng bảo hiểm xã hội.
02/14/2016 - 08:44
Huy Lam / SBTN

No comments:

Post a Comment