Sunday, February 14, 2016

Vì sao Việt Nam nói tàu Mỹ ‘đi qua vô hại’ ở Hoàng Sa?

Theo Người Việt-02-14-2016 3:04:17 PM 
Phạm Chí Dũng

viet-nam-ton-trong-quyen-di-qua-vo-hai-cua-tau-my-o-hoang-sa
 Tàu tuần tra của Mỹ đến Hoàng Sa. Ảnh: Wikipedia

Trong một lần hiếm hoi, động tác giang thẳng cánh tay về phía trước của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam khiến cho giới quan sát ngạc nhiên vì ít nhất nói cũng nói lên một điều gì đó có đôi chút ý nghĩa.

Cong tay và giang tay


“Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải,” ông Lê Hải Bình giang tay vào ngày 31 Tháng Giêng trước hình ảnh tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP), trong lúc vài tờ báo to mồm nhất của Trung Quốc cực lực lên án việc “Mỹ mở mặt trận thứ hai ở Biển Đông.”

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, giới cầm quyền Hà Nội mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ uốn éo trên phương diện phát ngôn.

Vào cuối Tháng Mười năm ngoái, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), cánh tay người phát ngôn Việt Nam đã không giang ra mà nhân vật này chỉ đọc diễn văn: Việt Nam “tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông,” cùng “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.

Từ lâu, cách phát ngôn lèo lái nước đôi của “người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam” đã khiến hơn 80% người dân Việt không thích Trung Quốc biến thành phát ngấy. Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã thúc thủ im lặng “cho nó lành” trước Trung Nam Hải. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông và giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam quá bận lòng. Chẳng có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính Trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Bắc Kinh.

Cho dù luật biển của Việt Nam quy định: “Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam,” và do vậy Việt Nam không thể không lên tiếng phản ứng trước các sự kiện liên quan tới chủ quyền ở khu vực này, nhưng thực tế là giới lãnh đạo Việt Nam thà chấp nhận im lặng trước việc ngư dân mình bị tàu hải quân Trung Quốc bắt giữ, đánh đập hoặc có thể bắn giết hơn là mạo hiểm đánh đổi cả “đại cục.”

Với tất cả thói biện chứng lịch sử chẳng lấy gì làm hãnh diện như thế, tuyên bố “đi qua vô hại” của Việt Nam mới đây đã khiến một số nhà phân tích tự hỏi phải chăng đã xuất hiện một cái gì đó mang tính tín hiệu về “thoát Trung tạm thời” của giới lãnh đạo Việt Nam. Tuyên bố này lại được phát ra chỉ vài ngày sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền kết thúc và một đặc sứ Trung Quốc là Tống Đào đã đến Hà Nội để “làm công tác tư tưởng.”

Chi tiết đáng chú ý là vào lần tuyên bố hiếm hoi trên, giới ngoại giao Việt Nam có thể đã tìm tòi và vận dụng nội dung “không gây hại” trong luật biển để làm cơ sở cho thông báo của mình.

Tuy nhiên, chắc chắn phía Trung Quốc, trong lúc phản ứng mạnh mẽ với tàu quân sự Mỹ, sẽ rất bực bội vì tuyên bố có chút xa rời “mười sáu chữ vàng” của Hà Nội.

Vì sao “can đảm?”


Câu hỏi đặt ra là vì sao mới chỉ sau chuyến công du của đặc sứ Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra “can đảm” lạ thường đến thế?

Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ Chính Trị không đến nỗi quá “thân Trung” như dư luận đánh giá?

Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể khép nép hơn?

Với tuyên bố “đi qua vô hại,” liệu Việt Nam có chính thức dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình?

Sự thật giật mình là mãi cho đến sát ngày khai mạc đại hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, vài thông tin hiếm có được tiết lộ từ phía chính quyền mới cho người dân biết về 50 lần máy bay Trung Quốc lượn như chốn không người trên không phận Sài Gòn. Còn ở biển Vũng Tàu, tàu Trung Quốc vờn qua vờn lại không biết chán.

Trong khi đó, hậu trường chính trị lại ken đặc một không khí nghi ngờ của những giả thiết đối lập.
Ngược chiều với luồng tin ngoài lề về việc Tập Cận Bình đã “chấm Nguyễn Sinh Hùng” làm tổng bí thư Việt Nam trong chuyến công du vội vã của ông lên Bắc Kinh ngay sau hội nghị trung ương 13 vào cuối Tháng Mười Hai, 2015, lại có tin cho biết Bộ Chính Trị Trung Quốc không mấy thỏa mãn với dàn nhân sự lãnh đạo “thân Trung” ở Hà Nội. Sau đại hội 12, những gì mà Trung Quốc tác động đến công tác tổ chức nhân sự của Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh và sâu.

Nói gì thì nói, kết quả cho tới nay đã rõ: Nhân vật số 4 trong “tứ trụ” của triều đình Việt Nam không còn được đánh số nữa sau khi rời khỏi Bộ Chính Trị, mà chỉ đảm nhiệm một chức vụ mới là chủ tịch hội đồng bầu cử quốc gia.

Trong khi đó, quan điểm và thái độ của nhân vật tái cử số một là Nguyễn Phú Trọng vẫn có phần khó hiểu.

Chỉ ít ngày sau đại hội 12, một tân ủy viên Bộ Chính Trị là ông Đinh La Thăng đã bất ngờ cách chức tổng giám đốc một công ty đường sắt do chỉ mới đề xuất mua những toa tàu cũ của Trung Quốc. Sự việc này lại xảy ra cùng lúc với tuyên bố “đi qua vô hại” của giới ngoại giao Việt Nam. Hai sự việc tiếp liền này, nếu có liên quan với nhau, có thể khiến người ta tự hỏi ông Trọng đang nghĩ gì về những ngày cuối cùng trong cuộc đời “vì nhân dân quên mình” của ông và về người bạn vàng có nanh chó sói.

Cũng nói gì thì nói, nhiều lần đề nghị Bắc Kinh cho gặp để điều đình về vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014 - như một tin tức đã lan truyền rộng rãi - nhưng bị Tập Cận Bình phớt lờ, song một năm sau đó lại được Obama tiếp đón quá trịnh trọng ngay tại Phòng Bầu Dục ở Washington, DC, hẳn khiến ông Nguyễn Phú Trọng phải trải nghiệm về việc ai mới là người tôn trọng thể diện của mình hơn.

Nhà thâm nho mới?


Với tập tính Á Đông, thể diện có thể được xem là tố chất đặc biệt quan trọng, sau những sống còn về quyền lực và lợi ích.

Lại có một lý lẽ đáng tham khảo: Ông Trọng được tiếng là trong sạch, tức con người ông không gắn liền với chủ nghĩa kim tiền như hiện tượng phổ biến đến mức chẳng còn giới hạn nào ở nhiều đồng chí của ông. Nếu đúng vậy, Trung Quốc không thể “mua” ông bằng lợi ích. Cái còn lại mà “đồng chí tốt” có thể tác động là não trạng ý thức hệ bảo thủ đã thành nếp hằn quá khó đổi khác trong tâm can ông Trọng.

Tất cả vẫn còn ở phía trước. Tương lai chỉ cho ra một câu giải đáp thông qua hành vi và hành động.

Trong khi vẫn chưa có gì chắc chắn để kết luận về một Nguyễn Phú Trọng “thân Tàu,” sát Tết Nguyên Đán 2016 bắt đầu xuất hiện một ít dư luận trong giới phản biện độc lập về hy vọng ông Trọng sẽ làm những việc tối thiểu để giãn cách bàn tay lông lá từ phương Bắc - tương tự hành động tối thiểu của chính ông khi quyết định viếng thăm cựu thù Hoa Kỳ vào năm 2015.

Sau chiến thắng mang tính áp đặt của Tổng Bí Thư Trọng trước đương kim thủ tướng Việt Nam, lần đầu tiên nhiều người nhìn vào vị giáo làng tái cử không hẳn với chân dung “Lú.”

Dường như lịch sử trễ tràng bắt đầu lộ hình một nhà thâm nho Bắc Hà. Có thể cả thâm nho trong chính sách đu dây.

Gần đây, Việt Nam đã bắt đầu tham gia cuộc tập trận Hổ Mang Vàng của khối đồng minh Mỹ ở khu vực Đông Nam Á với vai trò quan sát viên.

Dù mới chỉ “quan sát,” nhưng lại là lần đầu tiên. Còn tục ngữ Việt có câu “Trăm nghe không bằng một thấy.”

Không có và có lẽ hoàn toàn không có nước Nga. Trong phần lớn tình huống rủi ro được cài đặt bởi một chính quyền mang lời nguyền về địa lý, Việt Nam chỉ còn biết trông chờ vào người Mỹ, cho dù có thể còn lâu nữa Washington mới nhìn Hà Nội như một đồng minh chiến lược.

No comments:

Post a Comment