Hạ Vũ, thông tín viên RFA -2016-02-14
Các cửa hàng mở cửa buôn bán sau khi hết Tết. (minh họa) AFP PHOTO
Trong phong tục ngày Tết, đầu năm ai cũng muốn vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ. Làm quan có ngày khai ấn, kẻ sĩ có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai canh, làm thợ có ngày khai công, người làm nghề buôn bán có ngày mở hàng.
Chọn ngày mở cửa hàng đầu năm được coi là một nét đẹp trong tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt, đặc biệt là giới doanh nhân. Cũng giống như tục lệ xông đất, cúng lễ đầu năm, việc làm này nhằm cầu may, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của phần đông những người kinh doanh - buôn bán.
Theo tâm lý chung mọi việc khởi đầu đều khó khăn, mà "Đầu xuôi thì đuôi lọt". Riêng trong nghề buôn bán lại càng bấp bênh, có ngày mua may bán đắt, có ngày ngồi suốt buổi chẳng ai ngó tới, có tháng lời lãi nhiều, lợi lộc lớn, có tháng thua lỗ mất cả chì lẫn chài, vì vậy không những chọn ngày mở hàng đầu năm, mà cả đầu tháng, đầu tuần, từng ngày còn phải để ý đến chuyện mở hàng: mở hàng vào lúc nào, bán cho ai "Nhẹ vía" để cả ngày bán đắt hàng… Bởi vậy, xông đất, mở cửa văn phòng, cửa hàng, công xưởng... đầu năm là một việc hết sức quan trọng đối với người làm chủ.
Em mở hàng vào ngày mùng 8, là một ngày rất đẹp. Theo như lời các cụ đấy là ngày của các Vua. Cho nên hy vọng đấy sẽ là một năm mới sẽ được phát tài, phát lộc, gia đình sum vầy, xum xuê, nhiều tiền, nhiều của.
- Trang
Theo truyền thống, chủ nhân sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào địa điểm kinh doanh đầu tiên trong năm mới, theo ngày giờ đã được lựa chọn. Người xông đất, mở hàng phải là tuổi “tam hợp” với chủ, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Điều quan trọng nhất khi chọn người xông đất đầu năm cho địa điểm kinh doanh, phải là người vui vẻ, rộng rãi, “nhẹ vía” thì doanh nghiệp được họ “xông” sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới. Còn nếu không, kể cả có hợp tuổi, nhưng khó tính thì chưa chắc năm mới đã gặp may. Chọn một nhân viên hợp tuổi, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn “xông đất” văn phòng cũng là một giải pháp.
Trang, một chủ doanh nghiệp kinh doanh rượu ngoại chia sẻ:
“Em mở hàng vào ngày mùng 8, là một ngày rất đẹp. Theo như lời các cụ đấy là ngày của các Vua. Cho nên hy vọng đấy sẽ là một năm mới sẽ được phát tài, phát lộc, gia đình sum vầy, xum xuê, nhiều tiền, nhiều của.”
Được biết, vào dịp tết vừa qua, các cửa hàng của cô làm ăn rất phát đạt. Hầu hết khách mua rượu là để biếu, tặng sếp và đối tác trong dịp cuối năm. Giỏ quà tết rượu ngoại của cô luôn có giá không dưới 10 triệu đồng. Đắt đỏ như vậy, nhưng hàng nhập về bao nhiêu cũng bán hết. Cô đã có một kỳ nghỉ tết hết sức vui vẻ do việc kinh doanh phát đạt và không vội vàng mở cửa đầu năm để kiếm thêm chút lộc. Nhân viên làm việc tại các cửa hàng của cô, do đó, cũng sẽ được nghỉ tết lâu hơn, dành nhiều thời gian với gia đình hơn.
Trong khi đó, rất nhiều tiệm massage, làm đẹp đã mở cửa từ mùng 4, mùng 6 tết để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và “tút tát” lại nhan sắc, bắt đầu cho ngày làm việc đầu năm của dân công sở. Hường, nhân viên massage trẻ tuổi quê gốc vùng biển Nam Định, phải lên Hà Nội từ mùng 4 tết để làm việc chia sẻ:
“Nói chung là em đi lên đây xa nhà, xa gia đình, xa bố mẹ thì em rất buồn. Cảm giác ăn tết xong cũng vui, nhưng phải xa quê đi làm thì rất buồn. Cũng không biết nói thế nào, nói chung là buồn thôi ạ!”
Ánh, một quản lý văn phòng của một công ty Việt, năm nào cũng phải mở cửa cho người xông đất được sếp lựa chọn chia sẻ:
“À, năm nào chả phải xông đất. Có điều năm nay cho lên facebook cho nó hoành tráng chứ năm nào chả phải xông đất, cúng giao thừa, chứ còn đã đi làm gì đâu, thứ 2 mới đi làm.
Em không phải đi xông đất nhưng phải đến mở cửa các thứ rồi đón khách...”
Khác với Ánh, Hòa – một quản lý văn phòng làm việc cho một công ty của Hàn Quốc, người đã được sếp tín nhiệm “xông đất” văn phòng trong năm mới lại rất vui vẻ, lạc quan với việc phải bắt đầu công việc sớm hơn lịch nghỉ:
“Đây là năm đầu tiên cảm thấy là an yên. Phải nói là như thế. Không hiểu tại sao nhưng mà có một cái linh cảm rất tốt cho năm mới. Em nghĩ là năm nay sẽ là một năm cực kỳ suôn sẻ với em.”
Ngoài những trường hợp đặc biệt phải mở cửa, xông đất đầu năm hoặc người làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, cửa hàng kinh doanh, cơ sở dịch vụ... có lịch làm việc riêng đầu năm mới; hầu hết người lao động sẽ trở lại các thành phố lớn vào chiều Chủ nhật, 14/2 để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên vào thứ 2 (15/2) theo lịch nghỉ tết Nguyên đán đã được Nhà nước cho phép.
Hàng năm, vào ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ lễ này cũng như buổi sáng làm việc đầu tiên trong năm, các cửa ngõ vào thành phố Hà Nội đều tắc nghẽn, thành phố như một ngôi nhà vừa được nghỉ ngơi, thư giãn trong một thời gian ngắn, chưa đủ hồi sức, bỗng trở nên chật cứng, căng thẳng, ngột ngạt với sự gia tăng đột biến về dân số, trở lại bộ mặt lem nhem thường ngày.
Mặc dù mọi người lao động trong khu vực hành chính nhà nước và các văn phòng tương tự khác đều trở lại làm việc theo đúng quy định nghỉ lễ, hàng năm, báo chí trong nước vẫn nói nhiều về hiện tượng “công sở vắng tanh, quán nhậu/karaoke/chùa... đông nghẹt”. Không ở đâu, câu nói “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè” được thể hiện rõ như trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt vào dịp đầu năm mới. Được đặc biệt đứng ngoài quy luật cung – cầu của thị trường, họ dường như cũng ít quan tâm đến việc thực hiện nghiêm chỉnh các lễ tục truyền thống, như tục xông đất, mở hàng hay tổ chức ngày làm việc đầu năm nghiêm túc để cả năm có kết quả công việc tốt.
Năm 2016 được xem là năm Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng vào khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động bài bản, vươn tới chuẩn mực quốc tế và hướng tới sự phát triển bền vững.
Việc duy trì và thực hiện những tập quán xông đất, mở hàng... đầu năm đã tạo nên một nét văn hóa truyền thống thú vị của dân tộc. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cũng như mọi công việc khác đều phải phù hợp với quy luật cung – cầu của thị trường, không quá thiên về mê tín dị đoan, mở hàng lấy lệ rồi mải mê chơi hội, lễ chùa, chúc tết, kỷ niệm, ăn mừng... đến hết cả năm, không tập trung làm ăn, buôn bán, trông chờ vào may rủi sẽ không chỉ không mang đến sự giàu có cho mỗi cá nhân mà còn làm suy giảm năng suất sản xuất cũng như bộ mặt của dân tộc. Hơn nữa, còn tạo nên sự phiền hà, khó chịu cho những cán bộ, nhân viên phải thực hiện các công việc mang tính lễ nghi, đặc biệt là vào lúc họ không hiểu và chia sẻ được ý nghĩa của các nghi lễ đó.
No comments:
Post a Comment