Thursday, January 7, 2016

Độc tài tiếp chỉ xô dân xuống hố

Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam trước 30 ngày Đảng Cộng sản cầm quyền họp Đại hội XII đã hiện ra những tranh chấp nội bộ lãnh đạo cao nhất vì chưa ai dám lột xác để “đổi mới chính trị”, sau 30 năm đổi mới kinh tế.

Trong dân và trong đảng đã xuất phát yêu cầu đảng cầm quyền hãy can đảm kiểm điểm tập thể và tự kiểm điểm cá nhân xem có giữ được lời hứa làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” sau 40 năm kết thúc chiến tranh huynh đệ tương tàn hay đã để cho bóng đen Trung Quốc đẩy đất nước đến bờ vực thẳm?

Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của đảng đã giải thích mục tiêu lý tưởng này trong bài viết ngày 6/7/2007: “Cụm từ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định là sáng tạo độc đáo trong việc tìm tòi một công thức thể hiện được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới hình thức phổ thông, sinh động, dễ đi vào lòng người, dễ hiểu đối với quần chúng nhân dân.”

Dễ hiểu và hấp dẫn thì có, nhưng “đi vào lòng người” thì không vì sau 10 năm chạm với thực tế, người dân chỉ thấy cụm từ là chiếc bánh vẽ vô duyên mà Đảng đã trưng ra để tuyên truyền lòe mị.

Trong đời sống hàng ngày, hai chữ “dân giầu” chỉ thuộc về thiểu số có chức, có quyền và có cơ hội; tình trạng cách biệt giầu-nghèo giữa nông thôn và thành thị tiếp tục là một hố sâu; nước vẫn suy yếu cả vật chất, tinh thần và thế lực đề kháng ngoại xâm đang rình rập từ phương Bắc; công bằng vẫn chỉ ở diện xin-cho; dân chủ của dân là thứ xa xí phẩm và văn minh thì xa vời vợi đối với đại đa số người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và giữa đồng bào dân tộc.

Khoe khoang và thực tế

Nhưng trước ngày họp đảng XII, nhà nước vẫn khoe sau 30 năm đổi mới và kiên định làm theo theo Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” năm 1991 và sau đó được “Bổ sung, phát triển” thêm tại Đại hội đảng XI năm 2011 Việt Nam vẫn ổn định chính trị; kinh tế tiếp tục phát triển tốt năm sau cao hơn năm trước; mức sống người dân được nâng cao với mức thu nhập đầu người tuy còn thua các nước trong khu vực nhưng đã khá hơn thập kỷ 70 từ 200 Dollars lên trên 3,000 dollars; vị trí và uy tín của Việt Nam trên bàn cờ thế giới cũng đã được lên cao.

Tư duy lạc quan tếu này còn được vẽ thêm trong bài Xã luận của Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, ngày 01/01/2016: “Các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội có bước phát triển khá. An sinh xã hội được bảo đảm, dân chủ tiếp tục được phát huy. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.”

Viết thế nhưng báo này không chứng minh được “dân chủ tiếp tục được phát huy” là thứ dân chủ của đảng ban cho dân theo tiêu chí “muốn có phải xin”, hay chỉ có “dân chủ trong đảng” mà thôi?

Còn chuyện “Công tác xây dựng Đảng” chỉ “được chú trọng”, một lần nữa chứng minh đảng đã thất bại chua xót trong suốt 17 năm, từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa đáng VIII thời Lê Khả Phiêu (họp từ 25-1 đến 2-2-1999) “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” cho đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa đảng XI) thời Nguyễn Phú Trọng cũng vẫn là chuyện về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ban hành ngày 16/1/2012.

Trong bằng ấy năm, Đảng đã liên tục thất bại trong công tác phòng, chống tham nhũng; không ngăn chặn được suy thoái đạo đức, lối sống và tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức, có quyền và đứng đầu từ cấp Ủy địa phương lên Trung ương.

Đảng cũng nhìn nhận từ 4 nguy cơ nguy cơ phải đối phó từ khóa đảng VII năm 1994 gồm: “Tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch”, nay phải đương đầu thêm 2 nguy cơ mới “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên khiến đảng suy yếu và rã rời hơn bất cứ thời kỳ nào từ ngày ra đời năm 1930!

Do đó, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương đã không ngần ngại kêu gọi phải: “Khẩn trương nghiên cứu để sớm có các bước đi phù hợp, cụ thể, tích cực nhằm đổi mới về chính trị, như việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân chủ, thông tin đại chúng và tự do ngôn luận, đổi mới quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng.”

Ông Hoàng nói trong bài viết đầu năm 2016: “Xã hội và cuộc sống là một tổng thể gồm nhiều mặt có quan hệ hữu cơ với nhau. Không thể đổi mới lĩnh vực này mà không đổi mới lĩnh vực khác, gây gập ghềnh và cản trở lẫn nhau. Nước ta chủ yếu mới đổi mới về kinh tế, mà cũng mới đi nửa đường, còn văn hóa và chính trị thì cơ bản chưa đổi mới, sắp tới cần đồng bộ và toàn diện trong công cuộc này.”(theo báo Tuần Việt Nam/ViệtNamNet, 1/1/2016)

Đây là lần đầu tiên trong Ban Tuyên giáo do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, một người có tiếng bảo thủ, làm Trưởng ban đã có một Phó trưởng Ban mạnh dạn đưa ra quan điểm mới.

Ông Vũ Ngọc Hoàng còn thẳng thắn nhìn nhận: “So sánh với thế giới và khu vực, đến nay, nước ta vẫn còn nhiều mặt tụt hậu, có mặt đã tụt hậu xa hơn so với một số nước… Muốn khắc phục tụt hậu thì trước tiên phải nhìn thấy mình tụt hậu. Sự thật là năng suất lao động xã hội, thu nhập đầu người, hiệu quả đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ… của nước ta còn nhiều yếu kém và tụt hậu.”

Bằng chứng hiển nhiên là tuy đảng cứ tự khoe kinh tế tiếp tục phát triển cao hơn các nước trong khu vực mà không dám thừa nhận nếu không lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thì ngân khố Việt Nam sẽ cạn kiệt? Điển hình như Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã viết lạc quan trên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) ngày 3/1/2016: "Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới".

Nhưng ông không giải thích trong con số gần 6% hay cao hơn trong suốt 30 năm đổi mới, có mấy phần trăm tăng trưởng bởi chính nguyên liệu của Việt Nam hay phải lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài với Trung Quốc là chính?

Ông Huệ cũng không có lời giải thích tại sao Việt Nam lại chưa làm nổi con ốc vít và cứ phải làm kinh tế gia công (làm thuê) cho nước ngoài để tồn tại?

Giờ đây sau 30 năm theo đuổi “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” không giống ai và 10 năm hội nhập với thế giới, Việt Nam vẫn là nước chậm tiến, khả năng và trình độ lao động kém, óc sáng tạo và kinh tế tri thức vẫn ngoài tầm tay với so với các nước trong khu vực. Thậm chí, có nhiều linh vực còn thua xa Kampuchia thì nhân dân cứ lầm than và lạc hậu mãi là chuyện đương nhiên.

Đảng chỉ biết bảo vệ mình

Người thứ hai đã lên tiếng phê bình đảng là Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai nguyên Tổng Bí thư đảng Lê Duẩn.

Ông Thành từng tự ý ra ứng cử Quốc hội tại Sài Gòn nhưng không đắc cử vì ông không được lòng đảng. Ông nói thẳng: “Khi sự nghiệp lớn đã thành công, những người Cộng sản trở thành những người lãnh đạo đất nước, họ dần dần trở thành giai cấp cầm quyền và có lúc “nhìn xuống” nhân dân của mình.”

Ông Hồ Chí Minh từng có lần nói “người lãnh đạo là người đầy tớ của nhân dân”. Nhưng ông Thành bảo: “Một số người Cộng sản, khi đã trở thành quan chức, khi đã đi xe hơi, ở nhà lầu thì họ không còn nhìn thấy phần “đầy tớ” thực thụ của họ trước nhân dân. Tôi cho anh quyền ở cái nhà này, đi cái xe này, nhưng anh phải làm như trâu như ngựa cho tôi. Đó mới là thân phận thực sự, là ý nghĩa thực sự, bản chất thực sự của hai từ “đầy tớ”.

Cũng có nghĩa là, anh chỉ là người lái xe ôtô, còn người chủ thực sự là tất cả những người mua xe đó, ngồi trong xe đó, và bất kể anh muốn lái chiếc xe đó đi theo con đường nào, lái nhanh hay lái chậm, đều phải có được sự đồng thuận từ chủ nhân thực sự của nó, là nhân dân.” (theo báo Công an Nhân dân, 2/1/2016)

Theo quan sát của Tiến sỹ Lê Kiên Thành thì ngày nay, ông nói: “Cách mà chúng ta đang điều hành bây giờ có thể đó đây phần nào đã làm lu mờ đi vai trò của nhân dân với tư cách “làm chủ”.

Rồi ông bảo thẳng: “Người Cộng sản không được phép quên rằng, Đảng sinh ra là từ dân tộc này, tồn tại được cũng nhờ dân tộc này, vinh quang được cũng là nhờ dân tộc này, thành công này cũng là do cả dân tộc cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu. Vượt lên trên dân tộc là điều không bao giờ được phép!”

Thực chất là đảng CSVN chưa bao giờ biết tôn trọng và bảo vệ “quyền làm chủ đất nước” của dân. Chuyện “đảng cử dân bầu”, đảng tự chiếm quyền sở hữu đất đai của dân, và câu tuyên truyền rỗng tuếch “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” cũng chỉ để làm trò hề diễu cợt.

Mọi việc, từ lớn đến nhỏ đều do đảng tự quyết định. Chưa bao giờ đảng cầm quyền dám tổ chức trưng cầu ý dân, dù là chuyện bức thiết liên quan đến đời sống của dân dù đảng cứ ra rả nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì có trơ trẽn mỉa mai không ?

Trọng-Dũng chống nhau

Càng bất hạnh hơn cho dân khi ta thấy số vụ tai nạn lưu thông chết người hàng năm của Việt Nam cứ mãi ở con số ngót 10,000 người mỗi năm mà đảng không biết phải làm gì để ngăn chặn thì những người lãnh đạo còn xứng đáng được tín nhiệm nữa không?

Hãy đọc: “Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ TNGT làm chết 9.838 người, bị thương hơn 38.000 người; năm 2013 có 29.385 vụ TNGT làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người; năm 2014 có 25.322 vụ TNGT làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Năm 2015, tính đến tháng 11 trên toàn quốc đã xảy ra gần 21 nghìn vụ TNGT, làm chết gần 8.000 người và 19 nghìn người bị thương. Dù số người chết do TNGT giảm dần, nhưng số vụ và số người bị thương vẫn ở mức cao. Trước thảm họa mang tên TNGT, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ: “Nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp về TNGT. Tai nạn khiến nhiều gia đình ly tán, xã hội bất ổn”. (Đông Á viết trên báo Nhân Dân ngày 01/12/2015)

Với những con số máu đổ, thịt rơi của dân như thế mà lãnh đạo cứ bình chân như vại, chỉ biết tranh dành quyền chức để tham nhũng, hại dân thì tổ chức Đại hội đảng XII để làm gì?

Hay lại chỉ bầu ra những người cũ, hay mới mà cái đầu vẫn u mê, lạc hậu và chậm tiến để kéo dài lệ thuộc kinh tế, chính trị và ngoại giao vào Trung Quốc để an thân?

Nổi bật nhất trước 30 ngày Đại hội đảng XII đã lộ diện những bài viết kình chống nhau giữa hai phe cánh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bị chỉ trích đang tìm mọi cách ngồi lại thêm khóa nữa, mặc dù đã quá già và cực kỳ giáo điều ở tuổi 72. Ông Trọng đã tự coi mình, hay phe ông muốn thế, là người duy nhất trên cao có đủ điều kiện để duy trì quyền lực độc tôn cho đảng, bảo vệ đến cùng Xã hội chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam và tiếp tục giao hảo tốt với Trung Quốc. 

Nhưng nhiều người trong dân và trong đảng chỉ thấy ông là người đủ tiêu chuẩn của một Tổng Bí thư “trung bình”, không dám có những quyết định bứt phá và quyết tâm đi cho đến cùng các mục tiêu đề ra như hai Tổng Bí thư Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh.

Sau 5 năm ở cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng nổi tiếng là người “nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu”. Thất bại lớn nhất của ông là không xây đựng được đảng trong sạch, không ngăn chặn được tham nhũng-lãng phí theo các tiêu chí của Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ban hành ngày 16/1/2012.

Chẳng những thế, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Trung ương đảng ngày 10/01/2015, ông Trọng chỉ đứng hàng thứ 8 với 135 phiếu “tín nhiệm cao”, trong khi đối thủ chính trị của ông là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đứng đầu danh sách với số phiếu tín nhiệm cao là 152.

Đảng không phổ biến cuộc bỏ phiếu, nhưng theo Danh sách của báo mạng (Website) “Thanh tra nhân dân” thì ông Trọng còn đứng dưới cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (149 phiếu); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (145 phiếu); Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (144 phiếu); Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (138 phiếu); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ (137 phiếu) và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được 136 phiếu.

Phe ông Trọng phản ứng lại bằng các bài viết tố cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xây dựng quyền lực bằng tham nhũng của cá nhân và các hoạt động kinh tế nhờ vào địa vị Cha của con gái Nguyễn Thanh Phượng và con rể thương gia Nguyễn Bảo Hoàng, một Việt kiều Mỹ.

Các bài viết này, dù không ai biết thực hư ra sao, cũng cáo buộc ông Dũng đã gây bè kết phái, chạy chọt và mua chuộc chức Tổng Bí thư tại Đại hội XII.

Có một số thư nặc danh và bài viết tung ra nói xấu cả hai ông Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước và sau Hội nghị Trung ương 13 được các đảng viên và dư luận bàn tán, suy đoán.

Chuyện chống nhau trong nội bộ được công khai thảo luận trước Đại hội đảng chưa có tiền lệ trong lịch sử đảng CSVN, mặc dù tính xác thực của các thư nặc danh và bài viết còn trong bóng tối.

Cánh Tuyên giáo, cầm đầu bởi Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đã chĩa mũi dùi tấn công điều gọi là “các thế lực thù địch” từ bên ngoài và “những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị” trong nước đã cấu kết với nhau tung ra những tin đồn đoán vô căn cứ về cá nhân lãnh đạo nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam.

Các bài viết của Tuyên giáo kêu gọi báo chí đảng tăng cường phản bác lại các quan điểm chống Đại hội XII. 

Tiêu biểu như ông Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự) đã viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 28/12/2015: “Trước thềm Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đang triệt để sử dụng internet, các trang mạng xã hội, ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trong đó chống phá Dự thảo văn kiện và vấn đề nhân sự của Đại hội XII được chúng xác định là khâu đột phá, là chủ mưu và ưu tiên hàng đầu để chống phá Đảng ta. Vì vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, đấu tranh vạch trần bản chất giả dối, phản động của các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, làm cho Đại hội XII của Đảng thành công là một nhiệm vụ bức thiết, cấp bách, vô cùng quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; bảo vệ Đảng và chế độ hiện nay.”

Nhưng ai trong số 4 lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra đi hay ở lại và làm gì trong khóa XII?

Câu hỏi này đang lan rộng khắp Việt Nam vào lúc tình trạng chia rẽ, kình chống nhau giữa nhóm Lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị 16 người đang được bàn tán trong dư luận cả trong và ngoài nước.

Hai nhân vật, đại biểu cho hai phe là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng người miền Bắc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng người miền Nam đã được dư luận trong dân và trong đảng nêu lên là hai đối thủ đang tìm cách hạ nhau tại Đại hội đảng từ ngày 20 đến 28/01/2016. 

Nhưng khi “trâu bò húc nhau” thì ruồi muỗi nào chết, hay chỉ khi nào Việt Nam có đổi mới chính trị thì nhân dân mới có đường thoát? 

Còn không, anh nào lên cầm quyền cũng thế vì nếu đảng CSVN vẫn độc tài và độc quyền cai trị thì quyền làm chủ đất nước của dân sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất. -/-

(1/016)

No comments:

Post a Comment